Trong công việc và cuộc sống hằng ngày, vị nữ giám đốc đã lựa chọn trải nghiệm với tâm thế tích cực nhất. Với chị, sống là để trải nghiệm, những trải nghiệm đó đã giúp chị trưởng thành, vững vàng trước những con sóng dữ và có được cảm giác an yên trong cuộc sống.

Kết quả là một quá trình

Năm 2008, khi Chi nhánh Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí - PVTrans OFS, doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ vận hành và bảo dưỡng tàu chứa dầu FSO/FPSO vừa mới thành lập, chị Mai Thị Hoài Hương về công tác tại đây trên cương vị phó giám đốc. Từ năm 2014 đến nay, chị được bổ nhiệm làm giám đốc và là một trong những người gắn bó với công ty ngay từ những ngày đầu thành lập, đã theo hầu hết các dự án của công ty.

nu thuyen truong vung vang nho trai nghiem

Chị Mai Thị Hoài Hương, Giám đốc PVTrans OFS

Gặp chị, nhiều người từng hỏi: Là phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, chị thấy có những thuận lợi, khó khăn gì, đặc biệt ở một doanh nghiệp dầu khí với lực lượng lao động nam chiếm đa số?

Chị chia sẻ, chị chưa bao giờ nghĩ về chuyện thuận lợi và khó khăn khi mình là nữ lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi được bổ nhiệm làm Giám đốc PVTrans OFS không phải là chuyện một ngày một đêm mà có được. Chị công tác ở PVTrans OFS trong giai đoạn ngành Dầu khí gặp nhiều khó khăn. Chị là người có nhiều trải nghiệm, hiểu biết các vấn đề của công ty nên đến lúc được cất nhắc lên một vị trí cao hơn cũng là một điều gì đó rất tự nhiên. “Mình nghĩ công ty cần mình và mình cũng cần vượt qua chính mình nữa. Mọi việc đến rất tự nhiên” - chị chân thành bộc bạch.

Chị bước vào PVTrans OFS ở một vị trí cao, nhưng đến được vị trí đó cũng là kết quả của một quá trình không ngừng nỗ lực, tìm tòi, học hỏi và vươn lên từ những vị trí thấp nhất. Chị bắt đầu công tác trong ngành Dầu khí từ năm 1998 với công việc đầu tiên là về lĩnh vực tăng cường thu hồi dầu ở Tổng công ty CP Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC), sau đó chuyển sang làm quản lý chất lượng, dịch vụ ở 2 doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Chị cho rằng mình giỏi nhất là học. Chị rất chịu khó học và học giỏi. Với chị, khó khăn là một cơ hội rất lớn để học và khi vượt qua những khó khăn thì cứng cáp dần, tự tin vào chính mình và biết rõ công việc đang làm.

Không ngừng học hỏi để lớn lên

“Tôi sợ nhất là sự bất an, tôi luôn tìm cách giải quyết sự bất an của mình”, chị Hoài Hương tâm sự. Để xóa bỏ cảm giác bất an, đầu tiên chị xác định mình không chắc chắn ở đâu và chia nhỏ vấn đề ra để giải quyết. “Muốn giải quyết được thì phải học. Cái gì chưa biết thì phải tìm hiểu đến cùng. Chỗ nào biết rồi thì xem quyền quyết của mình đến đâu. Khi đã học và chuẩn bị đầy đủ rồi, nếu có việc gì đó không giải quyết được cũng là đã cố hết sức, không áy náy với chính mình”, chị chia sẻ quan điểm.

Lòng tự trọng không cho phép chị bước vào cuộc họp với cái đầu trống rỗng. Bởi chị không muốn mọi người thấy người đại diện công ty ngồi trong cuộc họp mà không thể hiện được tiếng nói hay vai trò của mình. Do đó, khi gặp đối tác, khách hàng, chị luôn chuẩn bị kỹ để bảo đảm rằng chị đã hiểu rất rõ vấn đề sắp bàn thảo.

Với tâm thế đó, chị không ngừng học hỏi ở các cấp lãnh đạo, học hỏi từ khách hàng, bạn bè đồng nghiệp… Ở công ty có rất nhiều anh em giỏi, nhiều chuyên gia, nhìn cách họ giải quyết vấn đề, cách họ ứng xử, chị học hỏi được nhiều điều. Rồi chị học từ khách hàng. Yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, nhưng chị cho rằng, đó cũng là điều tốt vì như vậy sẽ giúp chị học được thêm những cái mới, cái hay để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hay chị học cả từ trẻ con ở cách đơn giản hóa vấn đề đang phải đối mặt...

Có rất nhiều thứ, nhiều phương tiện để mọi người có thể học trong cuộc sống, nhưng theo chị, quan trọng nhất là học có chọn lọc những gì phù hợp nhất với mình, phù hợp với môi trường, năng lực, văn hóa của bản thân.

Học cũng là cách chị vượt qua những khó khăn, từ khó khăn nhỏ đến những khó khăn lớn. Theo chị, khi gặp khó khăn, nếu không lao vào đối diện với nó thì sẽ luôn thường trực nỗi sợ hãi. Do đó, chị luôn tự nhủ rằng, nếu hôm nay mình không vượt qua khó khăn này thì ngày mai sẽ tệ hơn, thà rằng đương đầu với nó để qua đó rút kinh nghiệm, học hỏi và lớn dần lên.

Ở công ty, khi xảy ra sự cố, chị thường nói với CBCNV rằng, “những lần giải quyết những khó khăn nhỏ sẽ tích lũy cho con người sức chịu đựng, kinh nghiệm để đối mặt với những khó khăn lớn hơn. Nếu mọi thứ cứ suôn sẻ mãi, đến lúc nào đó bị khó khăn chặn lại sẽ rất lúng túng. Còn khi đã trải nghiệm, đã va chạm rồi thì đối diện với khó khăn, ta tự tin có thể đương đầu”.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Chị còn nhớ, năm 2014, khi về làm Phó giám đốc PVTrans OFS, đồng thời giữ vai trò Phó giám đốc ở một công ty liên doanh khác. Thời điểm này, giá dầu xuống thấp, nhiều doanh nghiệp dầu khí bị suy thoái, công ty liên doanh này bị ảnh hưởng nặng nề. Các khách hàng cắt giảm chi phí, có những dự án yêu cầu giảm chi phí đến 40% nhưng vẫn phải tiếp tục hoạt động an toàn, chất lượng. Đã có những lúc chị nghĩ là không thể đi tiếp. Lúc đó, chị đã trình bày với lãnh đạo và “than” đủ thứ, rằng trước kia như thế này, giờ giảm chi phí đến từng đó thì làm sao hoạt động được… Lãnh đạo nghe xong, hỏi lại: “Em không thấy cơ hội ở trong đó à?”. Câu nói đó đã đánh thức chị. Chị nghĩ mình không thể thay đổi khó khăn được, đó là cái ngoài tầm kiểm soát và tự nhủ sẽ thử biến nó thành cơ hội xem sao.

nu thuyen truong vung vang nho trai nghiem

Chị Hương họp mặt cùng các anh em PVTrans OFS trên tàu

Để giải quyết bài toán khó đó phải cắt giảm chi phí hoạt động và phải nhìn vào những chi phí trọng yếu để cắt giảm, chứ không thể chỉ tiết kiệm tiền trà, tiền bánh. Với công ty khi đó, khoản chi phí lớn nhất là thuê chuyên gia nước ngoài. Cách duy nhất là thay người nước ngoài bằng người Việt Nam để giảm chi phí và cũng tạo cơ hội cho người Việt vươn lên.

Chị bắt đầu đàm phán lại với khách hàng, thuyết phục họ chấp nhận phương án của mình. “Anh em người Việt ở dự án rất giỏi và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước đó họ chưa từng ở vị trí quyết định, vị trí quản lý, các vị trí đó do những chuyên gia nước ngoài đảm nhận. Thực tế, dù có người nước ngoài ở đó, các sự cố vẫn có thể xảy ra, nhưng nếu dùng người Việt mà xảy ra sự cố thì có thể bị cho rằng đưa người chưa đủ điều kiện lên… Trong khi đó, những điều khoản phạt trong hợp đồng rất nặng, công ty sẽ mất uy tín, không còn cơ hội để làm dự án khác”, chị giãi bày.

Để thuyết phục, chị đề nghị với khách hàng cho mình lộ trình 18 tháng để giảm tổng số 13 chuyên gia nước ngoài và thực hiện kế hoạch đào tạo để làm sao đào tạo người Việt đạt các tiêu chuẩn ngang với chuyên gia nước ngoài, có thể đáp ứng yêu cầu rất cao của khách hàng. Bởi khách hàng cũng không muốn nhận lấy rủi ro nếu đưa những người chưa đủ điều kiện, chưa được đánh giá đầy đủ lên quản lý tàu, một tài sản khổng lồ của họ. Và, bằng sự hợp lý, chị đã thuyết phục được khách hàng.

Tuy nhiên, thuyết phục khách hàng không phải là điều khó khăn nhất, với chị thời điểm phải thông báo chấm dứt hợp đồng với các chuyên gia nước ngoài mới thật sự là điều trăn trở nhất. Bởi ai cũng cần công việc, khi bị chấm dứt hợp đồng, các chuyên gia nước ngoài cũng sẽ khó khăn. “Bỏ chuyên gia nước ngoài mình cũng đau xót lắm, vì họ đã từng gắn bó với mình nhiều năm, thậm chí họ từng ở dự án trong những giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng nếu mình không làm như vậy, công ty sẽ có vấn đề. Công ty không thể chịu lỗ, không thể không có lãi để nuôi người lao động. Khách hàng trả cho mình 10 đồng thì mình chỉ được xài 9 đồng, không thể xài 12 đồng”, chị tâm sự.

Khó khăn hơn nữa là chị phải thuyết phục các chuyên gia nước ngoài ở lại giúp công ty đào tạo người Việt để sau đó những người Việt đó sẽ thay thế vị trí của họ. “Đó là việc vô cùng khó khăn. Mỗi sáng thức dậy, mình cảm thấy rất nặng nề”, chị bộc bạch. Chị đã gặp từng người và giải thích cho họ hiểu đó là việc không thể làm khác được. May mắn là các chuyên gia nước ngoài đều là những người làm việc rất chuyên nghiệp. Họ đánh giá cao sự thẳng thắn của chị và đã đồng ý. Chị cũng xin được một khoản ngân sách để các chuyên gia ở lại đào tạo người cho công ty...

Cởi mở và minh bạch

Với kinh nghiệm của mình, chị Hoài Hương đề cao sự cởi mở và minh bạch. Đó cũng là nét văn hóa mà PVTrans OFS đang hướng đến.

PVTrans OFS có khoảng 360 CBCNV, trong đó chỉ có 60 người làm ở văn phòng, còn lại là làm việc ngoài biển trên các tàu FSO/FPSO. Các anh em làm việc thường xuyên ngoài biển không có điều kiện tiếp xúc nhiều với bên ngoài rộng rãi theo đúng nghĩa và cả với những người làm ở văn phòng. Vì thông tin hạn chế, họ dễ cảm thấy mình chỉ biết một phần nào đó của sự việc, nên nếu có những suy nghĩ chưa hoàn toàn thấu đáo là điều có thể thông cảm được. Do đó, họ cần được hiểu, cần được chia sẻ rằng mình đang làm việc vất vả như thế nào, mình đang không hài lòng với điều gì, cảm thấy sự thiếu công bằng ở đâu?… Họ cần phải được nói ra những vướng mắc trong lòng và được giải đáp để sau đó toàn tâm, toàn ý với công việc. Theo chị, cách duy nhất để làm điều đó là phải cởi mở, đối thoại trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn với nhau đến mức có thể, đặc biệt là những gì liên quan đến quyền lợi.

Chị và các cán bộ quản lý ở công ty không phải lúc nào cũng nói có với các yêu cầu của anh em, nhưng có một điều chị cam kết là nếu nói không thì chị sẽ nói rõ lý do vì sao. Theo chị, điều này rất cần, vì một tập thể làm việc chung với nhau quan trọng nhất là phải có sự cởi mở, chân thành. Vì vậy, ở PVTrans OFS, người lao động được khuyến khích tương tác, nói chuyện, trao đổi cởi mở với nhau. Bên cạnh đó, tính minh bạch cũng rất được đề cao, PVTrans OFS xây dựng các chế độ chính sách một cách minh bạch, cơ hội thăng tiến có những nấc thang rõ ràng. Đó là động lực để người lao động phấn đấu và thấy có sự công bằng trong trách nhiệm, quyền lợi…

Gia đình chính là động lực

Với một khối lượng công việc rất lớn, nhiều người băn khoăn: Chị đã cân bằng công việc với cuộc sống gia đình như thế nào?

nu thuyen truong vung vang nho trai nghiem

Đoàn công tác PVN thăm và làm việc với người lao động PVTrans OFS tại mỏ Chim SáoNữ

Theo chị, gia đình chính là nơi giúp chị cân bằng công việc. Chị nhớ lại hồi trẻ, chị đã làm một bài luận đạt được điểm cao về gánh nặng hai vai của người phụ nữ khi vừa làm việc ngoài xã hội, vừa nuôi dạy con cái, chu toàn công việc và gia đình. Nhưng đến khi lập gia đình, trải nghiệm thực tế cho chị thấy rằng những điều mình nói lúc trước chỉ là lý thuyết. Vì với chị, nếu không có gia đình thì mình không có động lực cố gắng. Một là gia đình giúp cho đầu óc mình không phải lúc nào cũng chỉ có công việc. Hai là gia đình làm cho sự cố gắng của mình có ý nghĩa. Nếu nghĩ rằng phải bớt cái này, thêm cái kia để cân bằng giữa công việc và gia đình thì đó là phi thực tế.

Chị kể, có hôm đi làm về, hai con chị chạy xuống đưa nước, hỏi han, có hôm lại chạy thẳng vào phòng. Một hôm chị hỏi “vì sao thế?”, con chị trả lời là “tụi con xem mặt mẹ như thế nào mới xuống chào”. Lúc đó, chị sực tỉnh và nhận ra mình như vậy là không ổn. Các con quan tâm và đọc được cảm xúc của mình. Mình cũng nỗ lực làm việc để chăm lo cho con cái, nhưng chúng đang phải chịu đựng sự căng thẳng của mình. Vậy mình làm việc để làm gì? Và chị nghĩ, nếu không có gia đình bên cạnh mới thật sự là chống chếnh, còn nếu khi về nhà chị làm tròn bổn phận người mẹ, người vợ thì đó chính là sự cân bằng.

“Mình đừng nghĩ mình đang hy sinh cho gia đình, rồi mình đòi hỏi người này phải như thế này, người kia phải như thế nọ với mình, như vậy không khí trong gia đình sẽ rất căng thẳng. Chồng mình, con mình cũng cảm thấy không vui. Công việc là sự lựa chọn của mình, mình chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn đó, gia đình không yêu cầu điều đó ở mình” - chị chia sẻ những suy nghĩ giúp chị không bị chìm trong những ý nghĩ tiêu cực.

Gia đình cũng là một động lực để chị vượt qua khó khăn trong công việc. Vì chị nghĩ rằng, con chị sau này có thể cũng sẽ trải qua những tình huống khó khăn tương tự và khi đó chị sẽ nói với con cách mình đã vượt qua khó khăn đó như thế nào. Đó không phải là lý thuyết suông mà là kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống của mẹ chúng. “Tôi lớn lên từ trải nghiệm và tôi muốn dùng những trải nghiệm đó để sau này có cơ hội chia sẻ và giúp ích cho con mình”, chị tâm sự.

nu thuyen truong vung vang nho trai nghiem PVTrans tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trẻ hóa đội tàu trong năm 2019

Năm 2019, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, MCK: PVT) sẽ tiếp tục đầu tư mạnh để phát triển và trẻ ...

nu thuyen truong vung vang nho trai nghiem PVTrans khát vọng vươn xa

Trải qua 16 năm không ít thăng trầm, với bản lĩnh, ý chí mạnh mẽ, sự kiên định và quyết liệt trong công tác tái ...

Ngày đăng: 00:00 | 08/03/2019

/