Sau khi kết thúc kỳ tốt nghiệp THPT, nữ sinh 18 tuổi (tạm trú tại Bắc Giang) có biểu hiện đau họng, sốt và được xác định mắc bệnh bạch hầu - bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây thành dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang, trường hợp vừa có kết quả dương tính với bạch hầu là M.T.B (18 tuổi, tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại xã huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).
Trước đó, ngày 6/7, CDC Bắc Giang nhận được thông tin từ CDC Nghệ An về trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn. Người tử vong là P.T.C (18 tuổi, trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 2 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh P.T.C là 2 nữ sinh M.T.B và M.T.S, cùng 18 tuổi, đang tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.
Ngay sau khi nhận được thông báo, CDC Bắc Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tiến hành giám sát, điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, từ ngày 25-28/6, hai nữ sinh B và S về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7 thi tốt nghiệp xong, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Đến ngày 5/7, khi biết thông tin chị C ở cùng phòng tử vong do bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, hai nữ sinh chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống.
Sau khi xác định dương tính với bạch hầu, nữ sinh M.T.B được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị do hiện tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Theo thông tin từ CDC Nghệ An, đơn vị này đã điều tra dịch tễ, có 119 người tiếp xúc với ca bệnh tử vong.
Biểu hiện ban đầu của nữ sinh sinh tử vong là sốt, ho, đau họng từ ngày 24/6, sau đó tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Nữ sinh vẫn cố gắng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi thi xong, nữ sinh về nhà và bệnh tiến triển nặng thêm.
Đến đêm 30/6 nữ sinh nhập Bệnh viện huyện Kỳ Sơn và được chẩn đoán theo dõi bệnh bạch hầu. Do bệnh rất nặng, nữ sinh được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, biến chứng viêm cơ tim, suy thận mạn, rối loạn đông máu. Ngày 5/7 nữ sinh tử vong.
CDC Nghệ An nhận định, Kỳ Sơn là huyện có dịch bạch hầu lưu hành trong nhiều năm, các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong đợt này phân bố ở nhiều xã trong huyện, và các xã thuộc huyện Tương Dương.
Được biết, ngay sau khi phát hiện ca bệnh bạch hầu, các đơn vị chức năng tại Bắc Giang cũng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra.
Ngoài ra, các trạm y tế trên toàn tỉnh khẩn trương rà soát các đối tượng trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib và DPT4 để tổ chức tiêm bù, tiêm vét...
BS Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh bạch hầu thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Vì vậy, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (bạch hầu - ho gà - uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ngày đăng: 16:31 | 08/07/2024
Theo CAND /