Hi vọng tương lai xán lạn cho xuất khẩu nông sản Việt được củng cố bằng sự ví von về hình ảnh cô gái đẹp chưa tìm được bà mối mát tay.

Nước mắt nông sản đã thấm đẫm nhiều mảnh đất cần cù. Nỗi đau xót khi người nông dân phải vứt bỏ quả dưa hấu, trái bí đao… là thực tế đắng chát mà chúng ta phải đối mặt rất nhiều năm trở lại đây.

Rất nhiều cuộc hội họp nhưng lại không đủ giải pháp, đặc biệt là giải pháp đột phá, mơ ước người nông dân làm giàu từ mảnh ruộng vẫn lơ lửng trước mắt nhưng chẳng thể chạm tay.

Thế nên, rất cần một niềm an ủi. Tại một diễn đàn bàn về nông nghiệp tổ chức mới đây, một doanh nhân tự nhận là ‘một thương lái’, từng buôn cam ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) đã gây chú ý bởi nhận định ‘nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi’.

Nếu vậy, không cần kêu gọi niềm lạc quan đặc sản, người dân vẫn nhìn ra viễn cảnh màu hồng. Cô gái quê tìm được bà mối mát tay, nhờ đó xuất hiện chàng hoàng tử cưỡi bạch mã mang lâu đài, lụa là, trang sức… phủ kín cuộc đời nàng.

nong san viet la co gai dep loi an ui ngot tai
Thanh Long Việt được xuất khẩu đi nước ngoài.

Trong kịch bản kém hấp dẫn hơn, cô gái quê phăm phăm tự đi tìm chàng rể, và nàng sẽ không chịu khóc cười vì mỗi một anh chồng. Tóm lại, chỉ cần làm tốt khâu tiêu thụ, điệp khúc được mùa – mất giá sẽ chấm dứt.

Quả thật, đã có những thành tích đáng ghi nhận. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3,2 tỷ USD, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9%, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng về ngành hàng rau củ quả, trong 3 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 960 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017. Các loại trái cây đặc sản của Việt Nam như xoài, vải, thanh long… đã vượt qua cánh cửa kiểm duyệt của Mỹ, Australia, Nhật Bản, những thị trường được coi là khó tính.

Dù vậy, không thể phủ nhận nhiều thực trạng khác. Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2017 đạt mức kỷ lục 36,3 tỷ đô la Mỹ, nhưng bị đánh giá vẫn còn thấp so với khu vực, đặc biệt nếu so sánh với Thái Lan.

Thứ hai, tiếng là xâm nhập được vào các thị trường cấp cao, thanh long Việt vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc, với kim ngạch gấp đôi cả thị trường Nhật và Mỹ cộng lại.

Xoài, nhãn Việt Nam đã mở được cánh cửa vào thị trường Australia nhưng để chen tìm chỗ đứng trên thị trường, con đường còn rất dài và rất xa. Dư luận buộc phải đặt câu hỏi, nếu quả thực nông sản Việt là một cô gái đẹp, tại sao mọi ý thức, quyết tâm, nỗ lực từ phía người nông dân và cơ quan quản lý chỉ mang lại kết quả khiêm tốn đến nhường ấy?

nong san viet la co gai dep loi an ui ngot tai
Dưa hấu mất giá.

Vậy thì, buộc phải nhìn thẳng vào sự thật. Điều đầu tiên cần mổ xẻ là, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có sức hấp dẫn thế nào? Nhìn vào nhóm hàng hóa chủ lực, gạo Việt từ lâu cạnh tranh bằng số lượng và giá thành rẻ, thua kém gạo Thái Lan, dù Việt Nam nhiều năm nay vẫn vững ngôi xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới.

Hồ tiêu, cũng như cà phê, bấp bênh theo giá thế giới và được bán giá thấp bằng 1/3 so với hồ tiêu Campuchia. Tôm và cá tra đã chính thức phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ từ hàng thứ phẩm tới cao cấp.

Đã có nhiều câu chuyện thương lái nước ngoài mua sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam, đóng gói và xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá cao gấp nhiều lần, nhưng không thể căn cứ vào đó mà đinh ninh, chắc chắn về sức hấp dẫn của nông sản Việt.

Bài học thành công của Nhật Bản với những quả xoài, quả dưa… giá cả ngàn đô không đến từ tâm niệm đất đai trù phú, ‘tấc đất tấc vàng’, điều mà thiên nhiên đã quá ưu ái cho xứ sở hình chữ S này.

Chúng ta phải mở to mắt để thấy, cuộc cạnh tranh trong nông nghiệp trong thời đại cách mạng 4.0 phải bắt đầu từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc và công nghệ sau thu hoạch. Việt Nam thiếu và yếu trong tất cả các khâu này, vì vậy sẽ khó hơn rất nhiều nếu muốn tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới, mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn.

Đáng buồn hơn, dù là một nước nông nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu rau quả về Việt Nam đạt trên 456,5 triệu USD, tăng tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, mỗi ngày người Việt chi hơn 5,4 triệu USD nhập hoa quả chơi Tết.

Vứt bỏ biện giải về tâm lý sính ngoại vốn tồn tại ở bất cứ quốc gia nào, có thể thấy, nông sản Việt còn thiếu sức hấp dẫn ngay cả với người Việt. Đó là việc sản phẩm không đi đúng nhu cầu thị trường, giá thành cao và chất lượng không bằng hàng ngoại nhập, đặc biệt từ Trung Quốc.

Thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam bỗng trở thành đích ngắm của nước láng giềng, trong khi, hàng trong nước vẫn phải bán tống bán tháo. Điều này lẽ ra phải được xem là nghịch lý không thể chấp nhận.

Tiếp cận theo cách này, câu hỏi tất yếu nảy sinh là chúng ta cần phải làm gì để thay đổi tình trạng này? Rất nhiều ý kiến sẽ cho rằng, người nông dân phải chuyên nghiệp và có tầm nhìn xa hơn.

Họ cần chủ động tạo ra sản phẩm tốt hơn và tìm các đầu mối xuất khẩu sang các thị trường mới, hiệu quả hơn, tự họ vươn lên làm giàu. Đã có nhiều người đi theo con đường này, đã gặt hái thành công và họ cũng có thể đạt được kết quả như vậy.

Minh họa về lát cắt một quả chuối ở Hà Lan được ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội liên tục nhắc đi nhắc lại, có thể được dùng để phản bác ý kiến trên.

Khi lát cắt cuối cùng ở phần cuống của quả chuối nhỏ nhất là phần lợi nhuận của nhà sản xuất chuối, 3/4 ngon nhất là thuộc về các khâu trung gian và khâu bán lẻ, giấc mơ người nông dân tự xây dựng thương hiệu gắn với phẩm cao cấp là quá xa xôi.

Điều đó đồng nghĩa, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý. Trước mắt, phải có quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với đầu ra sản phẩm. Từ đó, có các chính sách, biện pháp hỗ trợ người nông dân ở những khâu mà với quy mô sản xuất hiện tại, họ chưa thể chủ động như giống, quy trình chăm sóc và công nghệ sau thu hoạch.

Khi đã làm tốt các khâu trên, phải đặt ra chế tài xử lý nghiêm minh với các cấp địa phương nếu người dân ồ ạt tự ý phá vỡ quy hoạch, dẫn đến cảnh cung vượt cầu. Thậm chí, phải chấm dứt ngay giải cứu nông sản dưới mọi hình thức, không để tồn tại kiểu trao đổi hàng hóa ‘cả nhà thương nhau’, đi ngược với các quy luật của kinh tế thị trường.

Nhiều người tin rằng, với quyết tâm và nguồn lực mà chúng ta đang đầu tư cho phát triển nông nghiệp, những gợi ý trên không phải là nhiệm vụ bất khả thi, và khi đó, người nông dân có thể giàu lên từ nông sản.

nong san viet la co gai dep loi an ui ngot tai

Nông sản Việt là cô gái đẹp: Thật không?

"Người nông dân Việt Nam chỉ biết và chỉ nghĩ tới việc sản xuất, trồng cấy cho ra được sản phẩm, chứ không biết bán ...

nong san viet la co gai dep loi an ui ngot tai

Nông sản Việt \'con hát, mẹ khen hay\': Nếu không tỉnh...

Nông sản Việt khó thoát cảnh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, lợi nhuận thu về thấp, người nông dân vẫn luôn phải chịu ...

Ngày đăng: 09:13 | 18/06/2018

/ Đất Việt