Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi công văn khẩn yêu cầu ban quản lý các hồ Tả Trạch nhánh tả trạch sông Hương, hồ thủy điện Bình Điền nhánh hữu trạch sông Hương, thủy điện Hương Điền thượng nguồn sông Bồ xả nước chuẩn bị đón đợt mưa do không khí lạnh.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam, ngày 19.11 Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện đợt mưa to, kéo dài 5-7 ngày, tổng lượng mưa 200-300 mm, có nơi trên 400 mm.
Trong khi đó 7h ngày 18.11, mực nước hồ Tả Trạch là 38,22 m, cao hơn mực nước trước lũ theo quy định 3,22 m; hồ thủy điện Bình Điền là 84 m, cao hơn 3,4 m; hồ thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ) 57,44 m, cao hơn 1,44 m.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai yêu cầu ban quản lý các hồ trên từ 13h hôm nay phải vận hành xả điều tiết nước theo hướng tăng dần để trong 72 giờ tới phải đưa mực nước về đúng mức quy định chuẩn bị đón lũ.
Trước đó, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các bộ, ngành, địa phương phải hết sức cảnh giác trong ứng phó với cơn bão này do tốc độ di chuyển của bão nhanh và đang hướng vào khu vực vừa chịu ảnh hưởng của bão số 12.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão số 14 sáng 18.11
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận do ít có bão nên người dân vẫn còn tâm lý chủ quan. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng chống bão.
Do ảnh hưởng của đợt bão lũ vừa qua, hiện nay, các hồ chứa ở trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng bão số 14 đang đầy nước. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ. “Trong cơn bão số 12 vừa qua, công tác này đã được thực hiện rất tốt”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết.
Thông tin tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, bão số 14 có bán kính ảnh hưởng rộng, sức gió mạnh cấp 6 trở lên tính từ tâm bão là khoảng 200 km. Đặc biệt, cơn bão này di chuyển rất nhanh. Các cơn bão thông thường di chuyển với tốc độ 15-20 km/h, nhưng bão số 14 đang di chuyển với tốc độ 30 km/h, sau đó giảm xuống còn 25 km/h. Dự báo, 24h tới, bão số 14 sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đỗ Mộng Hùng – Trưởng Ban An toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, qua các đợt bão, lũ vừa qua, các hồ chứa thủy điện do EVN quản lý đã tuân thủ nghiêm ngặt lệnh điều hành của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trên địa bàn. Gần đây nhất, ứng phó với bão số 12, EVN đã vận hành hạ mực nước các hồ trước đó để góp phần giảm lũ, cắt lũ cho hạ du.
Hiện nay, các hồ chứa thủy điện trong khu vực dự báo bị ảnh hưởng của bão số 14 đang vận hành bình thường và sẵn sàng hạ thấp mực nước hồ để đón lũ theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền - ông Hùng khẳng định.
Về lưới điện, các đơn vị trực thuộc EVN đã khắc phục xong sự cố do bão số 12 tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, bão số 14 tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực này cũng là một thách thức không nhỏ của EVN.
Thủ tướng gửi công điện chỉ đạo đối phó bão số 14
Chiều 18.11, Thủ tướng đã có công điện khẩn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến của bão số 14, mưa lũ để chủ động chỉ đạo ứng phó.
Trong đó, các tỉnh ven biển có nguy cơ ảnh hưởng của bão (từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng) triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm ở cửa sông, ven biển có nguy cơ ngập, sập đổ... đến nơi an toàn. Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình xây dựng.
Đối với Bộ Nông nghiệp, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng... cần quyết liệt triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, công tác xả lũ để hạn chế rủi ro, ngập úng phía hạ du, ảnh hưởng sản xuất, đời sống người dân. Đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, hạ tầng giao thông, lịch trình đi lại... đảm bảo an toàn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h hôm nay tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 400 km, sức gió tối đa 75 km/h, cấp 8, giật tăng 3 cấp.
Di chuyển hướng Tây, tốc độ 20-25 km/h, đến 10h sáng mai tâm bão ngay bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, sức gió tối đa 90 km/h, cấp 9, giật cấp 12.. Bão đi sâu vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Bão gây mưa từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, trọng tâm là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (từ đêm 18 đến 20.11). Mưa do kết hợp với không khí lạnh mở rộng ra Trung Trung Bộ và Bắc Trung Bộ kéo dài đến 26.11.
Bão số 14 sức gió 90 km/h khi áp sát Nam Trung Bộ
Bão số 14 đang di chuyển nhanh về phía các tỉnh Nam Trung Bộ. Ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, từ Hà Tĩnh ... |
Bão, lũ dồn dập: “Giật mình” trước nguy cơ vỡ đê không còn là chuyện xa vời
Những năm gần đây, thiên tai cực đoan hơn có xu hướng xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng về cường độ, tần ... |
http://danviet.vn/tin-tuc/nong-lai-xa-nuoc-ho-thuy-loi-thuy-dien-de-chuan-bi-don-bao-lu-823653.html
Ngày đăng: 18:20 | 18/11/2017
/ Dân Việt