Anne Lee mất hàng giờ để lên danh sách nhu yếu phẩm cần mua. Đây là bài tập mỗi ngày trong nỗ lực tuyệt vọng để nuôi sống gia đình 7 người.
"Súp mỳ gà?", Anne ngồi bên bàn bếp với cây bút và quyển sổ, phân vân. "Không, mình sẽ làm món gà và bánh quy. Như thế no hơn".
Những ngày này, Anne chỉ để ra 175 USD mỗi tháng chi tiêu cho thực phẩm, ngoài trứng, sữa và thịt mà trang trại của gia đình có thể tự cấp. Vậy nên, việc lên danh sách nhu yếu phẩm dường như trở thành một nghi thức không thể thiếu đối với cô.
Anne Lee khi nói về khó khăn của gia đình tại trang trại sữa ngày 3/12. Ảnh: Washington Post. |
Anne nhớ thuộc lòng từng món đồ được giảm giá tại cửa hàng tiện lợi. Cà chua nghiền: một USD, khoai tây cho món thịt lợn nướng: 1,69 USD/túi.
"Tôi ước mình có thể làm món lasagna, nhưng nó quá đắt", cô chia sẻ. 2,5 USD chỉ mua được hơn hai lạng pho mát. Rau tươi cũng đắt đỏ, trừ hành tây và khoai tây. Ngay cả hoa quả cũng được Anne đánh dấu chấm hỏi trong danh sách.
Khi Anne và chồng, Andy, tiếp quản trang trại bò sữa của gia đình hồi năm 2013, công việc làm ăn khá thuận lợi. Nhưng nhiều năm giá sữa sụt giảm kết hợp với cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đã khiến cặp đôi rơi vào nợ nần với số tiền lên đến 200.000 USD.
Giống gia đình Anne - Andy, nhiều nông dân trên khắp nước Mỹ cũng đang phải vật lộn để chi trả cho những thứ cơ bản như hàng tạp hóa và điện. Tỷ lệ nông dân phá sản không ngừng tăng và nợ của nông dân chạm mức cao kỷ lục.
"Chúng tôi đáng lẽ phải cung cấp thực phẩm cho thế giới nhưng nay chúng tôi thậm chí còn không thể tự chuẩn bị bữa ăn trên bàn của gia đình mình", Anne nói.
Số tiền chi tiêu cho nhu yếu phẩm của Anne giảm dần qua từng tháng, cho tới một ngày tháng 10, khi trong nhà gần như không còn chút thực phẩm nào. Anne bắt đầu tìm kiếm những lựa chọn khác mà trước đây cô chưa từng nghĩ đến, như nhận tem phiếu trợ cấp.
"Hóa ra cảm giác thiếu thốn là như thế", cô nói với chồng.
Trong lúc Anne lên danh sách, ba con gái của cô, tuổi từ 9 đến 13, tha thẩn vừa chơi đùa với nhau vừa dùng bữa trưa. Vẫn còn gà tây thừa lại từ bữa tối Lễ Tạ ơn do các chị em gái của Anne mang tới.
"Mẹ, con cần súp lơ và tiêu cho món súp của mình", Paige, bé gái lớn nhất, 13 tuổi, nói. Paige thỉnh thoảng cũng giúp mẹ chuẩn bị bữa tối cho gia đình. "Đó là một điều ước lớn đấy con yêu. Hãy xem chúng ta có biến nó thành hiện thực được không".
Thỉnh thoảng, Anne nhìn vào danh sách hàng hóa rồi cau mày.
"Đó là chiếc bánh mỳ kẹp thứ hai của con à", cô hỏi Brooke, 9 tuổi. Anne nghĩ tới ổ bánh mỳ cuối cùng còn lại trong nhà và người chồng cùng cậu con trai 15 tuổi, Jason, đang làm việc ngoài trang trại sắp trở về và cần thứ gì đó bỏ vào bụng cho bữa trưa.
Sự sụt giảm của ngành công nghiệp sữa, do sản xuất thừa toàn cầu và tình trạng giảm tiêu thụ sữa tại Mỹ, đã tác động mạnh tới vùng nông thôn New York khi mà toàn bang đã mất 1.100 trang trại sữa kể từ năm 2012. Năm ngoái, mức thuế trả đũa của Mexico và Trung Quốc đánh lên các sản phẩm sữa nhằm phản ứng lại đòn thuế Trump áp với thép nhập khẩu, đã khiến nông dân chăn nuôi bò sữa New York thiệt hại thêm 125 triệu USD.
Theo Anne, gần 10 trang trại xung quanh nhà Lee đã đóng cửa và những trang trại còn hoạt động thì rất chật vật. Dù vậy, các nông dân hiếm khi nói chuyện về tình trạng khó khăn của mình.
Trang trại nhà Anne hiện chỉ còn giữ lại 65 con bò sữa tốt nhất. Đây là sinh kế chính của gia đình. Cô đã ngừng trả lời điện thoại cố định vì chúng đa phần là những cuộc gọi thu tiền. Công ty điện lực đang đe dọa ngừng cấp điện cho họ.
Giá sữa giảm khiến mức sống của gia đình Lee buộc phải thay đổi theo. Ban đầu, họ bỏ pizza giao tận nhà, sau đó là những chuyến mua sắm thường xuyên ở cửa hàng tạp hóa. Giờ đây, họ chấp nhận hái táo và việt quất thuê tại các trang trại gần nhà vào mùa hè để kiếm thêm.
Andy, 39 tuổi, nhớ da diết những chiếc bánh Little Debbie mà Anne thường thêm vào bữa trưa cho anh. Breanna và Brooke nhớ món salad. Jason, cậu bé đang học lớp 9, đã săn được thêm hai con nai để làm thực phẩm dự trữ vào mùa đông. Anne nhận thấy Paige chỉ ăn bằng một nửa trước đây nhưng cô cũng không hỏi con gái, coi đó là chuyện riêng tư.
Nhà Lee đã nhận được 4.100 USD tiền viện trợ liên bang trong năm nay, một phần trong gói cứu trợ 28 tỷ USD của chính quyền Trump dành cho các gia đình bị tổn thất vì cuộc chiến thương mại. Gia đình Lee biết ơn những gì mình nhận được nhưng như vậy vẫn là chưa đủ khi mà thu nhập từ việc bán sữa giảm 4.000 USD/tháng, Anne cho hay.
Ở nơi Anne sống, đa phần các cử tri đã bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Gia đình Lee là một trong số đó.
"Chúng ta đã phải đối mặt với thương mại bất công suốt nhiều năm. Ai đấy phải sửa chữa điều đó và Tổng thống Trump đang làm vậy", Anne nói.
"Tôi biết nhiều người không thích nhưng việc này phải diễn ra để hàng hóa Mỹ trở nên cạnh tranh hơn", Andy cho hay. "Chúng ta sẽ phải chịu tổn thương một khoảng thời gian".
Anne khắc phục bằng cách nhận vài công việc làm thêm, từ điền khảo sát nông nghiệp, trợ lý giáo viên đến trợ lý quản lý cửa hàng rượu. Andy cảm thấy khó chấp nhận điều này.
"Tôi đáng lẽ phải là trụ cột chính của gia đình", anh nói. "Giờ đây, tôi không thể hoàn thành trọng trách đó, vợ tôi phải làm thay tôi. Ý tôi là tôi làm không đủ tốt".
Anne cầm theo bản danh sách đi sắm đồ trong siêu thị ngày 5/12. Ảnh: Washington Post. |
Anne dừng trước Trung Tâm Dịch vụ An sinh Thomas P. Hoke. Cô đi qua một người đàn ông râu rậm, chống gậy, để bước vào tòa nhà. Anne tới đây để nộp đơn đăng ký Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), trước đây gọi là chương trình tem phiếu thực phẩm. Phòng chờ chật kín người, tiếng khóc của trẻ em khiến không gian trở nên huyên náo.
"Hãy đưa những món tốt cho sức khỏe lên bàn ăn", một tấm áp phích treo trên tường viết. "Đừng gian lận trợ cấp y tế", tấm áp phích khác in lời kêu gọi.
"Bạn muốn làm gì hôm nay?", nhân viên tiếp tân tên Courtney hỏi.
"Tôi không biết. Tôi chưa từng đến đây. Tôi muốn đăng ký SNAP", Anne trả lời. "Tôi có phải khai thuế liên bang hay thuế nhà nước không?".
"Bạn đoán đúng rồi đấy", Courtney đáp.
Anne quét các cuống phiếu lương của mình từ nhiều công việc làm thêm khác nhau. Năm ngoái, cô kiếm được 5.330 USD nhờ chúng. Bên cạnh đó, cột ghi thu nhập ròng của trang trại hiện mức -12.979 USD.
"Tôi có thể làm gì để biết liệu mình có được chấp thuận hay không?", Anne hỏi.
Bạn sẽ có thông tin trong vòng 24 đến 48 tiếng, Courtney cho biết.
Anne lo lắng về việc liệu mình có được chấp thuận. Khoảng 197.000 nông dân, ngư dân và công nhân lâm nghiệp đang sử dụng SNAP nhưng một số nông dân cho hay họ thỉnh thoảng gặp khó khăn với các điều kiện, quy tắc phức tạp mà chính phủ đặt ra. Chính quyền Trump đang có kế hoạch dài hạn nhằm thắt chặt SNAP.
Anne hy vọng có thể nhận SNAP trước Giáng sinh, nhờ thế, cô sẽ dành được chút tiền mua quà cho lũ trẻ. Nhưng có lẽ điều đó không xảy ra.
"Thật tệ", Anne nói. Cô rời khỏi trung tâm sau khoảng 20 phút, tiếc nuối vì đã trả một USD cho hai tiếng đỗ xe trên đường.
"Trước đây, mọi thứ đều rất riêng tư", cô vừa bước lên xe vừa nói. "Giờ đây, tôi cảm thấy ai cũng có thể nhìn thấy toàn bộ cuộc đời mình".
Các sạp nhỏ bên ngoài một nhà thờ ở thành phố Richford, New York, phát đồ ăn miễn phí bắt đầu từ 6h30 hàng ngày. Anne tới nơi vào khoảng 10h, mang theo những túi đựng đồ lớn và hòa mình vào hàng dài người đang chờ đợi.
"Tôi chưa chuẩn bị cho việc này". cô chia sẻ. Đêm hôm trước, Anne viết nhật ký, trong nhật ký có đoạn "Ngày mai, chúng ta sẽ tới điểm phát thực phẩm miễn phí. Andy không hề hay biết. Tôi sợ anh ấy sẽ buồn nếu biết. Tôi rất hồi hộp. Tôi không muốn mọi người đánh giá mình. Tôi không muốn bị ai đó nhận ra, cũng không muốn lũ trẻ biết và bị chỉ trỏ ở trường học. Nhưng mẹ tôi luôn nói họ ở đó để giúp đỡ những người khó khăn. Hãy sử dụng khi cần và giúp đỡ lại họ khi bản thân đã đủ đầy".
Cuối cùng, chiếc xe tải chở thực phẩm cũng đến. Các tình nguyện viên lần lượt phân phát sữa, trứng, nước táo, rau đông lạnh, súp cà chua, đậu xanh, bánh ngô, lê đóng hộp, khoai tây và gạo. Anne nhận hai túi táo và 6 túi nho. Sau bao ngày, cuối cùng, cô đã có hoa quả cho gia đình.
Anne có thể gạch đi rất nhiều món hàng trong danh sách nhu yếu phẩm của mình. Cô chỉ tiêu hết 62 USD trong ngân sách 175 USD. Bây giờ, Anne có thể duy trì nguồn điện trong nhà nhờ trả một phần trong hóa đơn tiền điện 459 USD.
Không lâu sau, Andy về nhà và nhìn thấy số đồ Anne mới lấy. Thoạt đầu, anh ngạc nhiên nhưng lập tức nhận ra vợ mình lấy chúng từ đâu.
"Anh đoán chúng ta cuối cùng vẫn phải làm những việc cần làm", Andy nói với Anne rồi bỏ ra ngoài.
Trái với Andy, lũ trẻ tỏ ra háo hức, mừng rỡ.
"Mẹ à, mẹ lấy số nho này ở đâu vậy", Brooke hỏi.
"Họ cho mẹ, những người ở nơi phát đồ miễn phí", Anne trả lời.
"Mẹ hãy bảo họ là con yêu họ nhé!", Levi nói to.
Tối đến là thời gian gia đình Lee quây quần bên nhau sau một ngày dài. Anne lướt Facebook và nhìn thấy một bài viết tích cực.
"Andy, nghe này", cô gọi chồng.
Anne và Brooke đọc to bài báo dẫn lời hai nhà kinh tế tại Đại học Wisconsin dự đoán rằng giá sữa sẽ tăng và "tương lai của nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ tươi sáng hơn".
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc có thể giúp họ thở phào nhẹ nhõm phần nào.
"Vậy mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn với chúng ta vào năm 2020 ư?", Breanna hỏi.
"Điều tốt rồi sẽ tới, ở cả năm 2020, 2021 và 2022", Anne trả lời.
"Phải tích cực lên", Andy khích lệ các thành viên trong nhà.
"Chúng ta vẫn bên nhau và vẫn có một mái nhà để ở", Anne nói.
"Ý con là giá sữa, nó sẽ tăng chứ?", Breanna hỏi.
"Mẹ đoán vậy, đó là những gì họ nói", Anne trả lời.
Anne Lee dọn chuồng bò trong trang trại của gia đình. Ảnh: Washington Post. |
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Ngày đăng: 18:03 | 30/12/2019
/ vnexpress.net