Từ giữa tháng 7 đến nay, nông dân huyện Trảng Bom bắt đầu trồng mới vụ chuối, trong đó có nhiều hộ vẫn tăng diện tích trồng chuối theo kiểu tự phát

nong dan lai dua nhau trong chuoi
Nông dân tiến hành trồng chuối vụ mới tại vườn của ông Phan Trung (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom).

Trước đó khoảng vài tháng, địa phương này đã trải qua đợt “giải cứu” chuối già hương do nguồn cung vượt quá cầu khiến giá chuối giảm mạnh.

* Vẫn tăng trồng chuối

Dù đã được khuyến cáo, nhưng hiện nay nhiều nông dân ở xã Thanh Bình và một số xã lân cận vẫn tiếp tục tăng diện tích trồng chuối già hương trong vụ xuống giống mới.

Nguyên nhân là do loại nông sản này khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, chi phí đầu tư không cao, ít tốn công chăm sóc và cho thu hoạch nhanh hơn những loại cây trồng khác.

“Nhà tôi gieo trồng vụ chuối già hương mới cách đây 1 tháng. Năm nay tôi trồng 2 hécta chuối, gấp đôi so với năm ngoái. Năm ngoái giá chuối không ổn định nên tôi không dám tăng diện tích. Nhưng năm nay, tôi đoán chuối sẽ được giá hơn theo kiểu “năm mất, năm được” nên quyết định tăng diện tích trồng” - anh Nguyễn Trung Hiếu (ấp Trường An, xã Thanh Bình) chia sẻ.

Còn ông Phan Trung (cũng thuộc ấp Trường An) cho biết năm nay ngoài 1 hécta đất của gia đình, ông còn thuê thêm 1 hécta đất ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) để trồng chuối già hương.

“Thời gian qua, tôi thấy trồng tiêu, nuôi heo, nuôi gà đều lỗ nên tôi quyết định vẫn trồng chuối già hương. Tôi trồng theo kinh nghiệm là chính, còn đầu ra ổn định hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Nói chung, nếu có rủi ro thì mình đành chấp nhận, liều thì ăn nhiều mà thôi” - ông Phan Trung cho hay.

Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Bình, thống kê sơ bộ hiện toàn xã có khoảng 145 hécta trồng chuối già hương, tăng gần 20 hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đang là thời điểm người dân tập trung trồng vụ chuối mới, những hộ thu hoạch sớm trong vụ trước đã gieo trồng từ cách đây khoảng 1 tháng.

“Một trong những lý do khiến diện tích chuối già hương tăng lên trong vụ mới là do hiện nay giá tiêu xuống thấp nên nhiều nông dân đã quyết định chặt bỏ các vườn hồ tiêu già, cằn cỗi để chuyển sang trồng chuối già hương. Xã cũng đã thông báo mở lớp về kỹ thuật trồng chuối xuất khẩu nhưng hiện tại người dân vẫn chưa mặn mà đăng ký tham gia” - ông Cường cho biết thêm.

* Vẫn chờ thẩm định cánh đồng lớn

Theo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, hiện vẫn chưa thể thống kê số liệu cụ thể về diện tích chuối già hương trồng mới trên toàn huyện. Thực tế cho thấy ở các địa bàn trồng chuối trọng điểm của huyện, người dân vẫn đang mở rộng diện tích trồng chuối già hương khá tự phát.

Trong khi đó, dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chuối già hương do Công ty cổ phần Kim Tây Nam (trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh) triển khai trên địa bàn 2 xã Thanh Bình và Bàu Hàm của huyện Trảng Bom. Mục tiêu của dự án là tạo ra một vùng liên kết sản xuất chuối già hương phục vụ xuất khẩu. Dù đã có chủ trương triển khai nhưng đến nay dự án vẫn đang... chờ thẩm định, phê duyệt thực hiện.

Ông Đoàn Xuân Trường, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, cho biết sau khi khảo sát và vận động các hộ tham gia cánh đồng lớn, huyện đã chuyển diện tích triển khai cánh đồng lớn trồng chuối của xã Bàu Hàm sang 2 xã Cây Gáo và Sông Trầu để đáp ứng đủ diện tích theo yêu cầu do nông dân của xã Bàu Hàm không đăng ký tham gia.

Hiện tại, huyện đã vận động đủ 100 hécta trồng chuối để trở thành vùng sản xuất tập trung, lập danh sách khoảng 50 hộ ở 3 xã: Thanh Bình, Cây Gáo và Sông Trầu tham gia. Dự án đã được trình lên Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chờ thẩm định.

Cuối tháng 6 vừa qua, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tổ chức họp thẩm định dự án cánh đồng lớn này, tuy nhiên do dự án còn nhiều nội dung chưa hoàn chỉnh nên Sở chưa thể trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) đã nhiều lần cùng đơn vị dự định đầu tư là Công ty cổ phần Kim Tây Nam xuống khảo sát, họp dân và đề xuất phương án thu mua.

Ông Nguyễn Hữu Định, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho hay việc quyết định triển khai xây dựng cánh đồng lớn này phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp đầu tư. Khi tham gia dự án, chuối phải đảm bảo theo cây giống chuẩn do công ty cung cấp để xuất khẩu sang Nhật Bản. Do đó, giá cây giống sẽ cao hơn.

"Hơn nữa, việc trồng và thu hoạch cần theo đúng theo quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp đề ra theo yêu cầu của phía đối tác Nhật Bản. Công ty cổ phần Kim Tây Nam đang hoàn thiện và sớm có văn bản chính thức về quyết định, kế hoạch đầu tư dự án này cho Chi cục phát triển nông thôn” - ông Định cho biết.

Nhiều ý kiến khuyến cáo nông dân trước khi quyết định trồng chuối cần cân nhắc kỹ thị trường, thời gian trồng vụ mới, lượng chuối cung cấp ra thị trường và sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, người dân không nên tự ý mở rộng diện tích trồng chuối già hương khi chưa có đầu ra ổn định.

Hải Quân

Ngày đăng: 23:09 | 14/08/2017

/ Báo Đồng Nai Online