Mặc dù năm học mới mới chỉ bắt đầu được hơn 1 tháng, nhưng các học sinh và phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10 đã thực sự vào cuộc. Sự khẩn trương thể hiện rất rõ trong hành trình học tập của các con.
Học thêm kín lịch
Không giống như thời con gái thi vào lớp 10 cách đây 3 năm, chị Hà khá yên tâm khi con biết tự lo, tự sắp xếp việc học hành và thi cử; vả lại thời ấy con gái chị học lớp chuyên Anh, vì chị có sự lựa chọn lớp cho con ngay từ đầu, nên các bạn lớp con thời ấy khá đồng đều về mặt tri thức. Tuy cuộc đua vào lớp 10 những năm ấy cũng rất nóng, nhưng chị Hà yên tâm và không phải để tâm lắm đến chuyện học hành của con.
Nhưng năm nay thì khác. Cháu nhà chị năm nay thi vào 10 lại là con trai. Lớp học của con lại là lớp đại trà, là lớp mà các học sinh vào học theo đúng hộ khẩu thường trú tại trường, nên các học sinh đa số là học lực ở mức trung bình, thậm chí còn nhiều em kém.
Bằng chứng là rất nhiều em điểm khảo sát học kỳ tháng 9 vừa qua cô giáo chủ nhiệm trả bài, điểm số ở 3 môn thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Tiếng Anh rất nhiều điểm thấp, thậm chí 1,2,3 rất nhiều. Nếu nhìn vào bảng điểm đó và so với số điểm chuẩn lấy vào lớp 10 năm học vừa qua thì cả lớp chỉ có 2-3 em đủ điểm. Với kết quả vậy nên các bậc phụ huynh càng thêm lo lắng.
Với điểm số các môn khá thấp như vậy, mà môn nào cũng đáng lo, quan trọng. Cũng giống như các lớp khác, các em học sinh lớp 9 hầu hết là phải đi học thêm. Với 3 môn thi thì mỗi môn 1 buổi, các em đã mất 3 buổi chiều học thêm, ngoài học chính khóa trên lớp; chưa kể có môn giáo viên bộ môn còn tổ chức dạy 2 buổi một tuần, nên thời gian nghỉ ngơi của các em hầu như không có.
Với thời khóa biểu học sinh chính khóa ở trường, hầu hết các hôm các em đều học 5 tiết. Vậy là buổi sáng cũng đến gần 12 giờ trưa mới tan. Về tranh thủ ăn bữa cơm trưa, chiều lại là thời gian học thêm của các em. Chính vì thời gian học thêm nhiều, mỗi em lựa chọn một giáo viên khác nhau, một thời gian biểu khác nhau, nên có những buổi bồi dưỡng kiến thức thêm ở lớp, các em thậm chí còn không sắp xếp được một thời gian biểu chung để học.
Thấy bảng điểm của các con khá thấp, rất nhiều bố mẹ lo lắng và chia sẻ, nhiều con đã mất gốc, nên giờ không còn thời gian quay lại để học nữa. Nhiều bậc phụ huynh cũng chỉ mong con điểm thi được trên trung bình, cũng không mong gì đỗ trường cao. Chị Diệp, một phụ huynh lớp 9A6 Trường THCS NTT cho biết như vậy khi con chị điểm khảo sát chỉ được 1 điểm môn Toán, môn Văn 3 điểm và môn Anh 6 điểm. Khi có một phụ huynh chia sẻ vào nhóm lớp, xem có phụ huynh nào cần gia sư môn tiếng Anh thì chị sẽ nói con gái giúp. Chị Diệp nói chị sẵn sàng thuê grab đưa con đến nhà để cho con học.
Đấy là chưa kể một số học sinh còn thi vào các trường chuyên, thì áp lực học tập còn nhiều hơn nữa. Với môn thi chuyên, các em phải ôn luyện với cường độ cao hơn rất nhiều. Chị M chia sẻ, con trai chị năm nay mong muốn thi chuyên Hóa. Chị nói tự nhiên cháu thích môn Hóa thì chị cũng ủng hộ. Vậy là chị tìm thầy giáo dạy Hóa cho con. 1-2 buổi đầu, con tiếp thu chậm, theo nhận xét của thầy giáo. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của con và sự động viên của thầy, thầy giáo nói cứ cho con học 5 đến 7 buổi thì thầy mới đánh giá được nên chị cũng yên tâm cho con học.
Thế mà qua vài buổi học, sự nhận xét của thầy làm chị rất vui, là con tuy vào sau nhưng lại nhanh hơn các bạn vào trước. Thế là chị cho con tham gia lớp ôn luyện chuyên Hóa. Tuy vậy thấy con học nhiều, chị cũng xót ruột và chỉ còn cách động viên con. Thầy giáo ôn luyện cho con chia sẻ, nếu con thi đỗ vào trường chuyên và học chuyên, con sẽ có nhiều thuận lợi sau này khi lựa chọn vào các trường đại học.
Tuy nhiên, thầy cũng nói để thi vào được trường chuyên không đơn giản. Các con sẽ phải làm bài tập nhiều, ôn luyện nhiều với cường độ cao, và mức độ khó sẽ tăng dần. Tuy vậy thầy cũng cho biết, khả năng của các con sẽ dần dần được nâng lên. Chính vì thế, các con cũng sẽ dần dần quen với áp lực.
Phải biết sắp xếp và ôn luyện khoa học
Đứng trước một kỳ thi quan trọng, thậm chí nhiều người nói thi vào 10 hiện nay ở các thành phố lớn còn khó hơn thi đại học, nhưng các học sinh, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần có sự tỉnh táo lựa chọn và sắp xếp thời gian giúp các em học sinh có một sự ôn luyện khoa học, làm sao để các con em đạt kết quả tốt nhưng cũng không quá vất vả, áp lực.
Có con năm nay học lớp 9, tôi xem thời khóa biểu thì thấy nhà trường đã giảm tải cho các con rất nhiều môn học mà không thi vào lớp 10. Còn với 3 môn chính là Toán, Văn và Ngoại ngữ đều được tăng cường thêm các tiết học chính khóa. Tôi thiết nghĩ, với thời khóa biểu như thế, nếu là các học sinh học nghiêm túc, tiếp nhận đầy đủ kiến thức thầy truyền đạt ở trên lớp là hoàn toàn có thể đủ điểm vào lớp 10 công lập.
Vì đa số đề thi vào 10 là các vấn đề cơ bản, chỉ cần học sinh nắm vững kiến thức và biết cách trình bày. Đề bài nếu có sự đánh giá học sinh, thì thường là ở bài cuối cùng. Bài này cũng chiếm số điểm ít so với toàn bài. Tôi vẫn lăn tăn tự hỏi, vậy các con học gì mà nhiều thế. Cả một học kỳ I là chạy đua để kết thúc chương trình, học kỳ 2 là thời gian ôn luyện và chuẩn bị thi. Các con có cả một học kỳ 2, đến 4-5 tháng để ôn luyện. Vậy mà các con đều học thêm ngày đêm từ bây giờ...
Học hành là cả một quá trình dài, các bậc phụ huynh nên có thời gian sát sao việc học hành của các con, để làm sao có sự ôn luyện, các con không bị mất gốc. Việc này cần cả quá trình, không chỉ đến lớp cuối cấp mới chạy đôn đáo. Nếu không may bị mất gốc thì lớp 9 cũng không còn thời gian mà ôn luyện lại.
Chị Chi chia sẻ, trường vốn có phong trào bóng rổ, và con chị cũng rất ham mê môn này. Các bạn của con thường sau mỗi giờ học ở lại chơi bóng thêm một lát mới về nhà, hoặc trước đây các con thường sắp xếp một buổi chiều tập trung nhau chơi bóng, nhưng giờ bạn nào cũng vướng học thêm, đến nỗi các con không có một buổi chiều nào chơi bóng nữa. Các con quả là áp lực...
Thầy Đỗ Ngọc Kiên, trước đây thầy là giáo viên dạy Hóa Trường THCS Ngôi sao, nhưng sau này thầy tách riêng ra và chuyên luyện cho các học sinh thi vào lớp 10 chuyên Hóa chia sẻ: “Các con giờ học thêm nhiều quá, bào mòn sức khỏe các cháu và tạo gánh nặng học phí. Nhiều khi bố mẹ thấy các bạn của con học tới học lui, do vậy cũng sốt ruột, lo ngại con mình không theo kịp. Thời gian của bố mẹ bị kéo giãn theo lịch học của các con. Ngoài công việc, bố mẹ còn phải nhớ lịch học của con, con học ngày nào”.
Cũng theo thầy Kiên, thầy nhấn mạnh đến việc tự học ở nhà của các con. Các con muốn học giỏi thì cần nhiều thời gian tự học. Một giờ học ở trên lớp và 1 giờ học ở nhà là con đã khá. Nếu có thể thì học một giờ trên lớp, 2 giờ tự học ở nhà thì con sẽ giỏi. Học là một quá trình, cần tinh giản việc học thêm lại.
Thầy ví dụ, thi vào lớp 10 chuyên Hóa: Một tuần có thể học thêm 2 buổi Hóa, 2 buổi Toán, 1 buổi Văn và 1 buổi tiếng Anh. Trong tuần con vẫn có thể có 2 buổi tự do, có thể tăng cường làm bài tập về nhà hoặc chơi thể thao để rèn luyện sức bền. Ra tết thì tăng cường thêm tiếng Anh.
Cũng theo thầy, việc trọng thành tích sẽ để lại hệ quả lâu dài, ngay cả khi con trẻ đã trưởng thành. Vì chú trọng thành tích nên vội vã trong quá trình. Trong dạy và học sẽ xuất hiện các lớp ôn thi, tập trung dạy con trẻ tiểu năng, tiểu thuật, chính là các mẹo tư duy hiệu quả trong thời gian ngắn. Bởi vì đề thi của các con khó, thời gian lại ngắn, do vậy không học dạng, học mẹo, các con không đạt kết quả. Dần dần các con quen với lối tư duy như thế. Đi theo đường tắt về lâu dài là không tốt.
https://cand.com.vn/giao-duc/nong-cuoc-dua-vao-lop-10-i709930/
Ngày đăng: 07:30 | 11/10/2023
Khánh Linh / cand.com.vn