Mỗi khi bước vào kỳ thi, tôi thấy con mình thật tội nghiệp. Hôm nay cũng thế, khiến tôi nghĩ: Thi cử là gì mà hành xác người ta quá vậy? Nên bỏ phéng đi hay chăng?
Chẳng biết từ bao giờ, người ta đưa từ "chọi" vào ngôn ngữ thi cử, tuyển sinh một cách ngon lành!
Ban đầu thì nó nằm trong dấu nháy ("chọi"), biểu thị rằng được dùng với nghĩa bóng, nghĩa rộng hoặc phái sinh. Còn bây giờ thì nói thẳng đuột là chọi, chẳng cần "nháy" nữa. Thử tìm trên cả làng báo chính thống, thậm chí trên website các trường đại học và cao đẳng, đều ghi thẳng thừng là: chọi, tỉ lệ chọi.
Theo nghĩa tiếng Việt, chọi là động từ: dùng vật cứng để ném vào điểm nào đó, vào ai đó; hoặc dùng sức mạnh để đối phó lại. Phổ biến hơn, chọi là động từ dành cho động vật khi chúng đấu sức với nhau để phân thắng bại, ví dụ: chọi dế, chọi gà, chọi trâu...v.v.
Đành rằng ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, nó sản sinh theo hoạt động, hành vi của con người; nhiều từ có khi được dùng sai nhưng người ta vẫn hiểu đúng, nên đành chấp nhận, riết rồi quen, lộng giả thành chân là vậy. Nhưng đây - chọi, tỉ lệ chọi - là từ, là ngữ của ngành giáo dục, mang tính sư phạm, cần sự chuẩn mực, không thể sử dụng hổ lốn như vậy được.
Và ngôn từ dành cho học sinh, sinh viên thì càng không thể như vậy được.
Nhưng mà thực tế thì nó đã đặt một chân vào cuộc sống và chốn học đường - nơi tưởng chừng như tôn nghiêm, chỉ mở cửa cho ngôn ngữ bặt thiệp ra vào.
Mượn chuyện này để nói ý khác. Bởi từ "chọi" ấy đã nói lên tất cả về một nền giáo dục mà ở đó các nhà quản lý mê chạy theo thành tích còn người học thì lấy sự hơn - thua làm trọng. Cái gì cũng phải thi, tất cả dựa vào thi và năm này qua năm khác loay hoay với đổi mới thi cử là chính (nhưng chưa chắc mới) vừa tốn thời gian và tốn tiền của, cho nên người ta mới gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo bằng cái tên khác là "Bộ Thi"!
Cũng bởi "chọi" nên ắt có người hơn kẻ thua. Người hơn thì hả hê, dễ sinh háo thắng và tự mãn, mà chưa hẳn là giỏi thật vì điểm thi chẳng phải là tất cả. Còn kẻ thua thì buồn bã, thậm chí sốc tinh thần, có người không chịu nổi áp lực thua cuộc sau thi cử đã tìm đến cái chết.
Thi để mà làm gì vậy? Nhất là cuộc thi chuyển cấp vào lớp 10 vừa rồi. Xong lớp 9 thì vào lớp 10 mà học, cả chuỗi dài từ mẫu giáo đến cuối cấp II, người lớn đã đày dọa các em với cơ man nào là thi cử rồi, lên lớp 10 sao phải thi tiếp. Bao nhiêu em, bao nhiêu gia đình đã vấp té, có khi gục ngã, trước cái ngưỡng cửa không đáng được dựng lên này. Gần 90.000 học sinh thi vào lớp 10 ở TP HCM và khoảng 20.000 em trong số ấy không được vào trường công lập, phải học tư thục, giáo dục thường xuyên hoặc nghề. Phân biệt để mà chi vậy? Cũng là do người lớn bày ra cả thôi, rốt cuộc cũng chỉ do thi, vì "chọi".
Hay như một trường chuyên ở TP HCM được phép tổ chức thi khảo sát vào lớp 6, "kèo" ra đến 1 chọi 8. Trường hân hoan trước cảnh phụ huynh ùn ùn đưa con đến chọi. Chọi đúng nghĩa. Rồi nước mắt, rồi tự ti, rồi xuống tinh thần... Trò chơi chọi dế, chọi gà tuổi thơ của các em đã bị người lớn tước mất, thay vào đó biến các em thành dế, thành gà. Tội lỗi thuộc về người lớn.
Hôm nay, 925.000 học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây cũng là sân chọi đúng nghĩa. Cuộc thi này dẫu rất cần thiết vì sẽ cho các em tấm vé bước vào giai đoạn quan trọng bậc nhất của cuộc đời học tập song trong con mắt người lớn, liệu đến bao giờ các em mới lột xác khỏi phận dế, phận gà bởi hành trình trước mắt vẫn còn cả trăm cuộc thi cử và người lớn vẫn cứ dựa vào đó để "làm chính sách", để xây trường mở lớp, để tranh giành người học...?
Kỳ thi của cha mẹ
Cách đây đúng 20 mùa hè, Chiến đi bộ từ lò luyện thi trường Giao thông Vận tải ở Cầu Giấy đến thăm tôi ở ... |
Hàng trăm thí sinh bỏ thi môn Văn tại TP.HCM, Cần Thơ, Đắk Lắk
Theo số liệu thống kê từ các Sở Giáo dục, có 315 thí sinh TP.HCM, 116 thí sinh ở Đắk Lắk và 35 em ở ... |
Hôm nay, gần 1 triệu thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018
Hôm nay (25/6), cả nước dự kiến sẽ có hơn 925.000 thí sinh tham dự dự kỳ thi THPT quốc gia. |
Ngày đăng: 20:30 | 25/06/2018
/ nld.com.vn