Đề nghị đưa thêm kiến nghị vào trong báo cáo là cử tri rất lo lắng, băn khoăn về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc, từ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư. Đây là kiến nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại Phiên họp thứ Mười ba khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 của Quốc hội sáng qua, 11.7.

 
Chúng ta không ngạc nhiên trước kiến nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bởi tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển dịch từ khu vực công sang khu vực tư đang là nỗi lo hiện hữu về khủng hoảng nhân lực của ngành y. Báo cáo của các địa phương trong giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng... Thực tế này là thách thức rất lớn mà ngành y đang phải đối diện. Nếu không có chính sách, giải pháp kịp thời thì việc khủng hoảng nhân lực đối với lĩnh vực y tế sẽ trở thành hiện hữu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung.

Có rất nhiều lý do dẫn đến sự dịch chuyển nhân lực y tế "bất đắc dĩ" này. Trong đó, áp lực công việc trong các cơ sở khám chữa bệnh rất nặng nề. Nhiều người trong ngành y vẫn ví rằng họ là những người luôn phải "đi trên dây", bởi chỉ một chút sai sót trong chuyên môn có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Thậm chí bị đánh đổi bởi tính mạng của bệnh nhân và sinh mạng chính trị của chính y, bác sĩ. Dù làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng không ít trường hợp y, bác sĩ lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh. Rủi ro về bạo lực trong các cơ sở khám, chữa bệnh đã từng xảy ra là điều đáng bàn. Đó là chưa kể thu nhập của y, bác sĩ khu vực công hiện nay chưa tương xứng với công sức cũng như chi phí đào tạo họ bỏ ra.

Trong một số trường hợp việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ lại chưa được thực hiện kịp thời. Câu chuyện hàng chục nghìn nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ở thời điểm khốc liệt nhất, nguy hiểm nhất nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được tiền khen thưởng là một câu chuyện buồn, gây nên những tâm tư không đáng có đối với đội ngũ nhân viên y tế.

Nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển nghề, không chỉ những người trong nghề mà trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua không ít đại biểu đã rất tâm tư. Là người có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực y tế, thấu hiểu được nỗi vất vả của những người mang trong mình sứ mệnh cứu người, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) chỉ ra một thực tế, cán bộ y tế ở cơ sở làm ngày làm đêm, bất chấp nguy hiểm, khó khăn chống dịch nhưng thù lao trực đêm chỉ có 18.600 đồng/đêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng nghìn cán bộ y tế, đặc biệt y tế cơ sở đã xin thôi việc. Thậm chí ông Trí cho rằng "y tế cả nước đang chao đảo".

Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với nỗi lo của ông Trí, cũng như tâm tư của những cán bộ, nhân viên y tế. Bởi công sức họ bỏ ra chưa được ghi nhận một cách xứng đáng. Do đó, để tránh khủng hoảng lực lượng chăm sóc y tế cơ sở, chúng ta phải sớm có chính sách để giữ những y, bác sĩ có tay nghề cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Chỉ khi cuộc sống được bảo đảm bởi các chính sách đãi ngộ hấp dẫn thì chắc hẳn sẽ không có việc cán bộ, y, bác sĩ nghỉ việc đồng loạt. Xét cho cùng, thì "thiên thần áo trắng" hay "đội ngũ tuyến đầu" thì vẫn phải sống bằng cơm, áo, gạo, tiền. Chế độ chính sách hấp dẫn là một trong những giải pháp quan trọng để không tạo ra khủng hoảng nhân lực của ngành y trong thời gian tới.

 
Lê Hùng

Ngày đăng: 09:13 | 12/07/2022

/