Trong những ngày đầu tháng 9, Hà Nội ghi nhận thêm khoảng 400 ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH). Cho dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm so với trước, nhưng hiện dịch lại đang có dấu hiệu lan ra các huyện ngoại thành, và có thể sẽ phức tạp hơn khi học sinh chính thức bước vào năm học mới; sinh viên các trường CĐ, ĐH trên địa bàn Hà Nội chuẩn bị nhập học. Việc phòng dịch SXH giữa Thủ đô vì thế cũng đang là vấn đề nóng hơn bao giờ hết.
Xem xét thả muỗi nhiễm vi khuẩn diệt muỗi sốt xuất huyết |
Chuyện không nhỏ như con muỗi |
Tất cả các xã phường, trường học đều được phun hóa chất diệt muỗi. |
Trên các diễn đàn mạng, việc chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống SXH đang được cộng đồng quan tâm. Bởi không phải ai cũng phân biệt được những dấu hiệu của SXH với sốt phát ban, sốt siêu vi rút… Nhiều người cũng phản ánh về tình trạng ở khu dân cư có người mắc SXH, khi người nhà điện thoại tới trạm y tế phường, xã để thông báo tình hình thì được nhân viên y tế cho hay, phải có vài ca mắc SXH trở lên, phường mới có thể đến phun thuốc phòng dịch.
Những phản hồi như vậy khiến cho người dân thực sự bất bình và lo lắng về sự bùng phát của dịch bệnh - khi vẫn còn đó sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của y tế tuyến cơ sở. Thế nên ở nhiều khu dân cư, người dân đã chủ động mua thuốc diệt muỗi để phòng ngừa dịch bệnh. Song lại có một hệ lụy phát sinh theo khuyến cáo từ các chuyên gia, việc tự ý phun thuốc không đúng liều lượng, không đúng quy trình, không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi, thậm chí là muỗi nhờn thuốc, “khỏe” lên…
Tại Hội nghị trực tuyến mới đây nhất bàn giải pháp phòng chống SXH tại Hà Nội, thống kê cho thấy tính đến thời điểm này địa bàn Thủ đô đã có gần 25.000 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc mới có xu hướng giảm, nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp và việc vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy chưa triệt để nên nguy cơ số ca mắc vẫn có thể gia tăng. Theo báo cáo tại Hội nghị: Tại 30/30 quận huyện trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc SXH đều giảm. Tất cả các xã phường, trường học đều được phun hóa chất diệt muỗi và đã tuyên truyền, phát động người dân vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về dịch sốt xuất huyết… Nhưng ngay cả khi có thông tin về dịch SXH trên địa bàn Thủ đô đã giảm thì mối lo lắng của người dân vẫn không hề thuyên giảm. Vì lẽ SXH có thể gõ cửa mọi gia đình. Những ai, những hộ dân nào từng có người thân mắc SXH sẽ thấy rõ hơn hệ lụy từ dịch bệnh có nguy cơ lây lan từ con muỗi…
Giám sát và đánh giá của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội cho hay, khoảng 60% hộ gia đình không hợp tác trong việc phun thuốc và hầu hết các hộ gia đình khi được kiểm tra đều phát hiện có loăng quăng, bọ gậy. Hiệu quả hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy chưa cao, các đội này không được trang bị dụng cụ, kỹ năng phát hiện và xử lý bọ gậy.
Ghi nhận từ thực tế cũng cho thấy tâm lý người dân nghi ngại chất lượng thuốc phun chống muỗi là có thật; việc phun thuốc diệt muỗi ở nơi này, nơi kia có biểu hiện làm cho có phong trào, hình thức, qua loa, đại khái…. Rõ ràng phải thẳng thắn nhìn nhận một trong những nguyên nhân để dịch SXH diễn biến phức tạp như thời gian qua ít nhiều có trách nhiệm của Trung tâm y tế dự phòng và Sở Y tế trong việc dự báo, đánh giá và tuyên truyền phòng chống dịch. Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về số ca mắc, Bộ Y tế đánh giá dịch “rất đáng quan ngại”. Dù số ca mắc có giảm nhưng vẫn chưa kiểm soát được dịch SXH. Hay nói cách khác là SXH tại Hà Nội có giảm nhưng chưa bền vững.
Vì thế mới nói, phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội hiện nay vẫn có tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh”, diễn biến khó lường chứ không hề là chuyện nhỏ. Việc ráo riết dập dịch không chỉ để bảo vệ mình và gia đình mà còn là bảo vệ cộng đồng, thành phố. Trong khi theo nhận định của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dịch SXH còn có thể còn kéo dài đến tháng 12 bởi năm nay xu hướng diễn biến khó lường, thời tiết lại thất thường, công tác phòng dịch còn quá nhiều khó khăn…Theo các chuyên gia y tế, ý thức làm việc nghiêm túc của cán bộ y tế, cán bộ phòng chống dịch; ý thức chủ động phòng dịch, hợp tác chống dịch của người dân là quyết định then chốt trong công tác diệt muỗi, phòng chống và dập dịch SXH vẫn âm ỉ nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/noi-lo-diet-muoi-378811
Ngày đăng: 20:13 | 07/09/2017
/ Hương Lê/daidoanket.vn