Dù học đại học hàng đầu, thu nhập 1,4 tỷ đồng/năm nhưng một người đàn ông vẫn băn khoăn rằng “Bao giờ mình mới mua nổi nhà?”.
Thế hệ MZ Hàn Quốc
Ở tuổi 28, Kwon Joonyeop là mẫu người mà hầu hết thanh thiếu niên Hàn Quốc muốn trở thành. Kwon tốt nghiệp vào năm 2022 tại Đại học Yonsei, một trường đại học hàng đầu Hàn Quốc. Anh đang sinh sống ở Gangnam - quận trung tâm đắt đỏ tại Seoul - trong một căn hộ bốn phòng mà gia đình anh đã sở hữu qua nhiều thế hệ.
Hiện tại, Kwon đang là một nhà phân tích dữ liệu tại một công ty công nghệ đa quốc gia. Tại Hàn Quốc, công việc văn phòng ổn định được coi là chìa khóa để có một cuộc sống tốt đẹp.
Vào cuối tuần, anh đã giành chiến thắng trong các cuộc thi bơi lội và sẽ đại diện cho Seoul tham dự các giải đấu dành cho lứa tuổi dưới 30.
Nhưng giống như hầu hết những thanh niên Hàn Quốc chưa lập gia đình khác, Kwon vẫn sống với bố mẹ dù đã ở độ tuổi “U30 đủ tự lập”. Mặc dù kiếm được nhiều tiền hơn mức trung bình của người trẻ tại đây, anh cũng không nghĩ đến việc sẽ mua nhà riêng trong 10 năm tới. Nếu tiết kiệm đủ, có lẽ anh sẽ mua một chiếc ô tô vào lúc đó, Kwon chia sẻ.
Hong Seo-yoon, 36 tuổi, hiện đang là quản lý một tổ chức phi lợi nhuận vì quyền của người khuyết tật ở Hàn Quốc và điều hành các lớp vận động chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul trong thời gian rảnh rỗi với mức lương khoảng 3.700 USD một tháng (hơn 86 triệu đồng/tháng).
Cô cũng đã làm người dẫn chương trình tại Hệ thống phát thanh truyền hình Hàn Quốc và là người sáng lập nhiều tổ chức phi chính phủ. Hong đã dùng tiền tiết kiệm lâu năm và vay một khoản lớn để mua ngôi nhà đầu tiên của mình ở Seoul - một căn hộ rộng 600m2 được xây cách đây 30 năm với giá 300.000 USD vào năm 2019.
Tuy nhiên, giờ đây, với mức lương hiện tại và lãi suất thế chấp chồng chất, Hong chia sẻ với Business Insider rằng cô rất lo lắng về tương lai tài chính của mình.
Kwon và Hong thuộc thế hệ MZ, một thuật ngữ chung chỉ thế hệ gen Y và thế hệ Z của Hàn Quốc. Họ là những người sinh từ năm 1980 đến 2005 (18-43 tuổi) - chiếm gần một phần ba dân số của đất nước này với khoảng 52 triệu người.
Thế hệ MZ có nỗi lo lớn về tài chính, khi những người trẻ Hàn Quốc như Hong và Kwon cảm thấy mục tiêu cuộc sống của họ ngày càng xa trong khi giá nhà ở, phương tiện đi lại và giáo dục đạt mức cao kỷ lục.
Business Insider đã nói chuyện với một vài người Hàn Quốc thuộc MZ, cũng như các chuyên gia trong ngành để hiểu rõ hơn về thế hệ này.
Không biết bao giờ mua được nhà - Bộ tộc Kangaroo
Theo dữ liệu từ Statistics Korea, cơ quan điều tra dân số của chính phủ, chỉ có 12,7% thế hệ MZ độc thân và 36,6% MZ đã kết hôn có sở hữu nhà ở. Trong khi đó, có 47,8% những người từ 27-42 tuổi tại Mỹ đã sở hữu nhà.
Điều này không có nghĩa người Hàn Quốc không muốn sở hữu căn nhà cho riêng mình. Một cuộc khảo sát năm 2020 với 2.889 người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho thấy gần 95% trong số họ cho rằng việc mua nhà là điều cần thiết. Kwon, nhà phân tích dữ liệu cũng nói rằng việc sở hữu tài sản được coi là chứng tỏ địa vị đối với hầu hết người dân nước này.
Nhưng Kwon, người kiếm được 60.000 USD/năm (hơn 1,4 tỷ đồng/năm) cũng không biết liệu anh có bao giờ mua được nhà riêng hay không?. “Xét về giới hạn của bản thân, nếu tôi chưa kết hôn, có lẽ tôi sẽ chuyển ra ngoài ở khi tôi 35 hoặc 36 tuổi, sau đó đi thuê nhà”, Kwon nói. Anh ấy cho biết mình đã tiết kiệm được 70% thu nhập bằng cách ở với bố mẹ.
Giá nhà trung bình ở Seoul là 876.215 USD vào năm 2022 (hơn 20 tỷ đồng), so với mức lương trung bình năm từ 26.600 đến 37.660 USD cho người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 39 (624 triệu-884 triệu đồng), Bộ Việc làm và Lao động báo cáo.
Với chi phí nhà ở và lãi suất ngân hàng tăng cao, nhiều người trẻ Hàn Quốc và người chưa lập gia đình không có đủ tiền để xem xét nghiêm túc việc sở hữu nhà.
Đó là lý do tại sao những người này tự gọi mình là "bộ tộc kangaroo" - những người vẫn sống với bố mẹ dù đã trưởng thành. Theo một báo cáo năm 2022 của Statistics Korea, ít nhất 42,5% thế hệ MZ vẫn sống với cha mẹ của họ.
70% gen Y Hàn Quốc có bằng đại học nhưng nhiều người ra trường lương vẫn thấp
Ở Hàn Quốc, học phí học đại học hàng năm trung bình khoảng 5.000 USD một năm - rẻ hơn nhiều so với Mỹ.
Park Min-Jun, 25 tuổi, đang học thạc sĩ. Anh đã thuê một căn hộ studio ở Seoul với giá 6.000 USD một năm và chi khoảng 5.400 USD cho học phí một năm. Cha mẹ anh sống ở thành phố lớn thứ hai Busan và hỗ trợ anh một phần chi phí, anh nói với Insider.
Hầu hết bạn bè của Park tại Đại học Quốc gia Seoul đều nhận được tiền từ cha mẹ để trang trải cuộc sống trong thời gian học tập.
Park kiếm được 1.100 USD một tháng bằng cách phục vụ bàn tại một nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc, dạy kèm cho sinh viên đại học và làm trợ lý nghiên cứu.
Tuy nhiên, việc quá nhiều sinh viên tốt nghiệp dường như cũng làm “quá tải” đối với thị trường lao động. Theo Insider, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc cao gần gấp đôi so với Mỹ.
Tính đến tháng 2/2023, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 20 đến 29 tuổi ở “con rồng châu Á” là 7%, theo báo cáo của Statistics Korea. Đó là mức tăng 1,2 điểm phần trăm so với tháng 1. Để so sánh, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đối với những người từ 25 đến 34 tuổi là 3,9% trong tháng 2, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Sang Kim, giám đốc truyền thông tại Viện Kinh tế Hàn Quốc nói với Insider rằng thị trường lao động Hàn Quốc không có đủ việc làm lương cao cho những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp.
“Trong quá khứ, mọi người học tập chăm chỉ để vào được các trường đại học danh tiếng, nơi đảm bảo sau này sẽ có những công việc danh giá. Nhưng ngày nay, thực tế là ngay cả khi có bằng cấp từ các trường hàng đầu, sinh viên vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc có mức lương cao theo ý muốn”, giám đốc Kim nhấn mạnh.
Chưa hết, thế hệ trẻ Hàn Quốc cũng đang sử dụng "bittoo", tiếng lóng chỉ việc vay một khoản tiền lớn để đầu tư vào chứng khoán với hy vọng trở nên giàu có.
Sam Kyungmoon Son, trợ giảng tại Đại học Kyungwoon kiêm nhà tư vấn độc lập tại công ty tư vấn quản lý VisionWise từng nói rằng cách làm này tiềm ẩn rủi ro rất lớn, nhưng những người trẻ Hàn Quốc đã quá “chán nản” nên họ vẫn thực hiện nó.
Park cũng cho biết một số người bạn của anh đã vay số tiền lớn vào năm 2022 để đầu tư vào tiền điện tử. Sau đó họ đã mất sạch khi thị trường sụp đổ vào tháng 5.
Kết hôn muộn vì thiếu tiền
Hơn 50% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 không còn coi hôn nhân là điều cần thiết, theo một cuộc khảo sát xã hội toàn quốc do Cơ quan Thống kê nước này thực hiện vào năm 2022. Gần 1/3 số người tham gia khảo sát cho biết thiếu tiền là một trong những lý do khiến họ không muốn kết hôn.
Tỷ lệ kết hôn của Hàn Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022, với 192.000 cặp kết hôn trong tổng dân số 51 triệu người, theo The Korea Herald. Và những người có kết hôn cũng sẽ kết hôn muộn hơn.
Không một thanh niên Hàn Quốc tham gia khảo sát nào nói với Insider rằng họ có kế hoạch kết hôn cụ thể, mặc dù một số đã có người yêu. Tỷ lệ kết hôn giảm cũng kéo theo tỷ lệ sinh giảm và những người trẻ tuổi Hàn Quốc không còn nghĩ rằng việc sinh con là điều cần thiết nữa.
Vào tháng 2, Hàn Quốc báo cáo tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với 0,78 trẻ em trên một phụ nữ. Tỷ lệ sinh 2,1 là cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Hầu hết những nỗi lo của người thuộc thế hệ MZ tại xứ sở kim chi giống với những quốc gia khác. Nhưng những người trẻ tuổi của Hàn Quốc không chỉ lo lắng rằng họ sẽ không kiếm đủ tiền để thăng tiến trong xã hội mà họ còn sợ mình sẽ phải dành cả đời để chơi trò “đuổi bắt” với tài chính.
Tham khảo BI
Ngày đăng: 10:33 | 13/06/2023
/