Những người Việt đầu tiên trở về quê hương dù hạnh phúc trong vòng tay của người thân nhưng vẫn mang trong mình nỗi ám ảnh bom rơi, đạn lạc ở Ukraine.
Đáp xuống sân bay sau hành trình hồi hương tưởng như kéo dài vô tận, chị Nguyễn Thị Hương vẫn nhớ như in nỗi sợ hãi khi tiếng bom nổ choáng ngợp bầu trời Odessa lúc 3h sáng.
Bế con nhỏ chạy xuống hầm để xe chung cư lánh nạn, xếp hàng dài từ Ukraine sang Moldova rồi Romania để tìm bình yên giữa bão lửa xung đột, chưa bao giờ chị Hương cùng cộng đồng người Việt Nam tại Odessa, Ukraine lại thấy số phận mong manh đến thế, khi tiếng bom rơi đạn lạc cứ văng vẳng bên tai.
Tiếng bom lúc tờ mờ sáng
Trưa 8/3, chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines mang nhãn hiệu VN-88 hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, chở theo 287 kiều bào Việt Nam tại Ukraine về nước sơ tán.
Sau những ngày sống chung với xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, kiều bào Việt Nam đã được hít thở bầu không khí bình yên, dù nỗi ám ảnh bom đạn, khói lửa vẫn hằn in trong tâm lý của rất nhiều người.
Hôm 24/2, quân đội Nga mở cuộc tấn công nhắm vào một số mục tiêu quân sự tại Ukraine. Xung đột sau đó leo thang, lan rộng đến nhiều thành phố như Kiev, Kharkov. Sống tại thành phố cảng xinh đẹp Odessa, miền Nam Ukraine, chị Nguyễn Thị Phương (quê Bắc Giang) vẫn không quên những ngày phải xuống hầm trú ẩn khi tiếng nổ vang lên.
Những ngày tháng xung đột quân sự đã tôi luyện cho người phụ nữ vốn chưa từng biết đến bom rơi đạn lạc, nay phải rèn những kỹ năng để bảo vệ mình.
"Ở Odessa, có những ngày tiếng nổ phát ra lúc 3h đến 5h sáng. Chỉ cần nghe thấy tiếng bom, tôi lập tức chui xuống hầm trú ẩn. Xung đột nổ ra, ai cũng thấy sợ hãi, nhất là khi tiếng nổ đã ở rất gần bên tai. Có những hôm vụ nổ xảy ra chỉ cách nhà 2km", chị Phương nhớ lại.
Giây phút đoàn tụ của gia đình có người thân sinh sống tại Odessa, Ukraine. (Ảnh: Hồng Nam) |
Giây phút đoàn tụ của gia đình có người thân sinh sống tại Odessa, Ukraine. (Ảnh: Hồng Nam) |
Giây phút đoàn tụ của gia đình có người thân sinh sống tại Odessa, Ukraine. (Ảnh: Hồng Nam) |
Nép một góc nơi nhà ga sân bay, tay của chị Nguyễn Thị Hương vẫn nắm chặt vào nôi, ngắm nhìn ánh mắt thơ ngây của đứa con đỏ hỏn mới vài tháng tuổi lần đầu được trở về quê hương sau những ngày nấp trong vòng tay mẹ dưới hầm chung cư ở Odessa.
Trên chuyến bay VN-88, có những đứa trẻ mới chập chững vào đời đã phải làm quen với chuông báo động, những tiếng hô hoán cùng nỗi sợ hãi thấp thỏm khi bóng ma bạo lực phủ lên cuộc sống của những người Việt cần cù, chịu khó tại Ukraine.
"Khi chiến sự nổ ra, gia đình tôi rất hoảng hốt. Có những đêm khi cả nhà đang ngủ, tiếng bom xuất hiện khiến cháu nhỏ cũng phải giật mình thức giấc. Mỗi khi nhận thức được nguy hiểm, chúng tôi phải di chuyển xuống hầm để xe dưới tòa chung cư lánh nạn. Những ngày xung đột nổ ra, người dân ăn cơm sáng ở trên mặt đất, rồi lập tức chạy xuống hầm", chị Hương chia sẻ.
Cũng có mặt ở sân bay Nội Bài, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (Thường Tín, Hà Nội) đến đón 2 người bạn là Lê Văn Sơn, Nguyễn Thị Trang cùng 2 con nhỏ trên chuyến bay trở về. Chỉ được nghe tin ở Ukraine qua báo đài cùng lời kể của bạn, nhưng như thế là đủ để bức tranh chiến sự tàn khốc được phác họa trọn vẹn trong tiềm thức chị Tuyến.
"Mấy hôm đầu tiên, họ phải chui xuống tầng khu hầm để tránh. Không mua được bánh mì để ăn, thực phẩm đắt gấp 5, gấp 10 lần ngày thường. Khi gần đến biên giới rồi, chỉ còn cách 10m nữa thôi mà phải xếp hàng tới 2 tiếng trong tiết trời mưa lạnh cùng hai con nhỏ", chị Tuyến kể lại.
Những đứa trẻ trên chuyến bay trở về. (Ảnh: Đắc Huy) |
Những đứa trẻ trên chuyến bay trở về. (Ảnh: Đắc Huy) |
Những đứa trẻ trên chuyến bay trở về. (Ảnh: Đắc Huy) |
Để tài sản ở lại xứ người
Đầu tháng 3, một tuần sau khi chiến sự nổ ra, cộng đồng người Việt tại Ukraine lên đường di tản. 40 thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Phương di chuyển từ Odessa đến cửa khẩu biên giới Moldova.
Dòng người sơ tán dài cả cây số, khiến nhiều kiều bào dù đi từ sáng sớm, nhưng phải đến tối muộn mới tìm được chỗ nghỉ chân. Phía trước là tương lai bất định, sau lưng là khói lửa chiến sự, còn ở trên cao, cơn bão tuyết cứ vần vũ rồi trùm lên đoàn người cơn rét như cắt da cắt thịt.
Đây không phải lần đầu kiều bào Việt Nam ở Ukraine bước vào một hành trình dài, nhưng khác với khi đi du lịch, làm ăn xa nhà hay thăm thú họ hàng, cuộc di tản khỏi chiến sự khiến người dân chỉ kịp mang theo những vật dụng thiết yếu nhất. Gia đình chị Phương để tài sản, nhà cửa, xe cộ ở lại Odessa và Moldova. "Chúng tôi đi xe cá nhân đến Moldova rồi đi xe buýt sang Romania. Nhà cửa, xe cộ phải để lại đây hết, không thể mang theo về", chị Phương nói.
Chị Vũ Thị Kim Trung, một thương nhân ở Ukraine, cũng để lại nhà cửa, xe cộ ở lại xứ người. Đoàn của chị Trung để lại Moldova cả 5 chiếc ô tô, rồi di chuyển bằng xe công cộng đến Romania chờ chuyến bay trở về Việt Nam.
"Người dân ở Ukraine chưa từng nghĩ tình cảnh sẽ hoang mang như thế, hay xung đột sẽ nổ ra ở quy mô lớn như thế. Người dân phải ở trong hầm trú ẩn, chưa bao giờ thấy bom đạn gần như thế. Sau nhiều ngày lưỡng lự, chúng tôi quyết định di tản, không kịp mang theo nhiều thứ, chỉ có một ít quần áo.
Chúng tôi có tích lũy được chút ít, có người mua đất, mua nhà, nhưng đa số về thẳng, xe ô tô đi sang nước khác di tản rồi cũng để luôn ở đó. Đoàn của chúng tôi để lại 5 chiếc ô tô, người ta chỉ cần bảo vệ tính mạng", chị Trung chia sẻ.
Kiều bào Việt Nam vượt qua khói lửa chiến sự để trở về an toàn. (Ảnh: Đắc Huy) |
Nhưng có những kiều bào Việt Nam không chỉ để lại tài sản mà sau lưng họ, còn là một khoảng trời thanh xuân. "Tôi đã gắn bó ở Odessa gần 20 năm từ khi học và lấy chồng ở Ukraine", chị Phương nhớ lại quãng thời gian ở Ukraine, nay đứt đoạn vì lý do bất khả kháng.
Trên chuyến bay VN-88, ông Dương Hồng Bách cũng rời xa quê hương hơn 30 năm để làm ăn ở Nga và Ukraine. Đến ngày về nước, trong tay người đàn ông 59 tuổi chỉ là túi hành lý nhỏ gọn với vài bộ quần áo, cùng chiếc áo nguyên vệt bùn bởi "không kịp giặt, không kịp đắn đo, chỉ kịp chạy lấy người" để nhanh chóng trở về.
Ấm tình đồng bào
Giữa cái nóng ngột ngạt của chiến sự Nga - Ukraine cùng cái lạnh tê tái cuối đông, thứ duy nhất sưởi ấm lòng người Việt xa xứ là nghĩa tình đồng bào.
Theo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận, tính đến 18h ngày 7/3, các cơ quan đại diện đã đón hơn 3.500 người Việt được sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine. Trong đó, hơn 2.200 người tại Ba Lan; khoảng 830 người tại Romania; 310 người tại Hungary; hơn 100 người tại Slovakia, khoảng 20 người tại Nga.
Các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ các thủ tục và giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh và phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt sở tại đón, thu xếp phương tiện đi lại, chỗ ăn, ở tạm thời và cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con.
Những tô bún sườn, bánh mì, bơ, sữa, trái cây cùng những vật dụng thiết yếu được kiều bào Việt Nam tại các nước châu Âu như Ba Lan, Romania chuẩn bị sẵn để phục vụ bà con từ Ukraine sang sơ tán, trong thời gian chờ đợi chuyến bay trở về quê hương.
Đại gia đình có mặt ở sân bay để đón người thân trở về. (Ảnh: Đắc Huy) |
"Khi tôi ở Moldova, đoàn đại sứ tại Romania liên lạc với trưởng đoàn, báo sẽ đón công dân sang Romania, lo chỗ ăn, chỗ ở cho kiều bào. Chúng tôi rất xúc động. Mình cần nhu yếu phẩm, họ đáp ứng đủ. Khi con ốm, họ cũng quan tâm nhiệt tình. Kiều bào Việt Nam tại Odessa được quan tâm, hỗ trợ đầy đủ và chu đáo", chị Nguyễn Thị Phương chia sẻ.
Bà Trần Thị Hương (Hải Dương) cũng xúc động khi nhận tin con trai là anh Nguyễn Văn Hoàng - một trong những kiều bào trên chuyến bay VN-88 được chăm sóc tận tình khi di chuyển tới Romania.
"Quá trình di chuyển rất khó bởi các cháu thuê xe đi qua biên giới, nhưng sau đó phải xuống xe xếp hàng rất đông kéo dài hàng chục cây số bởi người chạy nạn rất đông. Mọi người xếp hàng mất 5-7 tiếng trong thời tiết mưa tuyết, rét buốt, chân tay giày dép lấm bẩn.
May mắn là sang được nước khác, các con, các cháu được đón về. Tôi thấy rất an tâm. Người Việt Nam khi đến Romania, Moldova đã được đồng bào hỗ trợ nhiều, có đồ ăn ở cửa khẩu. Người Việt Nam rất tình cảm, luôn bao bọc giúp đỡ nhau".
Trở về quê hương, chờ đợi trước mắt người Việt Nam ở Ukraine có thể là những kế hoạch còn dang dở cùng tương lai bất định. Về Việt Nam để sinh con, chị Nguyễn Thị Phương chỉ mong tình hình tại Ukraine yên ổn để trở lại làm việc, ở nơi đã gắn bó nửa đời thanh xuân.
Bế con trên tay, chị Nguyễn Thị Hương cầu mong hòa bình lặp lại để người dân có thể sống yên ổn. Đó là câu chuyện của tương lai. Tối 8/3, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung. Bom vẫn nổ trên bầu trời nhiều thành phố lớn ở Ukraine, khiến ác mộng xung đột chưa biết bao giờ mới chấm dứt.
Nhưng với đoàn kiều bào từ Ukraine về nước, còn sống là còn hy vọng. Trên chuyến xe trở về, chờ đón chị Hương cùng con nhỏ là những đêm ngủ bình yên, chẳng còn nỗi lo phải xuống hầm trú ẩn vì những tiếng bom lúc 3h sáng.
Ngày đăng: 16:59 | 09/03/2022
/ vtc.vn