Chỉ trong hơn hai năm, các sản phẩm công nghệ công nghiệp của VNPT từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. 

Một góc dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sản xuất số 2 của VNPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Đó là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng của VNPT, không chỉ thực hiện mục tiêu phát triển của doanh nghiệp mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dùng về các sản phẩm điện tử “made in Việt Nam”.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đón đầu công nghệ

Xác định nhân lực chính là yếu tố cốt lõi, mang tính quyết định nếu muốn phát triển mảng sản xuất công nghệ công nghiệp nên trong hai năm qua, VNPT đã liên tục tuyển dụng nhân lực với số lượng lớn cho mảng này. Cùng với đó là hàng loạt chương trình hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học chuyên ngành trên cả nước, mở các phòng Lab tại trường để cùng nghiên cứu những công nghệ mới, cũng như đẩy mạnh các chương trình hợp tác đào tạo với đối tác công nghệ lớn trên thế giới như Qualcomm, Intel…

Sau những nỗ lực đó, hiện VNPT đã xây dựng được một một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao trong mảng sản xuất công nghệ công nghiệp. Riêng tại VNPT Technology - đơn vị chủ lực của VNPT trong lĩnh vực này - hiện đang có 800 kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ về công nghệ, chiếm tới 60% trong tổng số 1.300 lao động của cả công ty. Ngoài ra, VNPT còn một bộ phận R&D tập trung tại Tập đoàn thực hiện các dự án nghiên cứu riêng.

Cách mạng công nghệ lần thứ 4 cũng đang diễn ra tại Việt Nam, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong cuộc cách mạng này, tốc độ được coi là yếu tố quyết định. Với mảng sản xuất công nghệ công nghiệp, để đẩy nhanh tốc độ, việc đi tắt đón đầu các công nghệ hiện đại, công nghệ mới là cực kỳ cần thiết. Chính vì vậy, VNPT đã ký kết thỏa thuận sử dụng bản quyền công nghệ với một trong những Qualcomm - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị viễn thông.

Với thỏa thuận này, VNPT Technology và tất cả các công ty thành viên sẽ chính thức được sử dụng hàng loạt bằng sáng chế liên quan đến các công nghệ về WCDMA, 4G, 5G… có giá trị toàn cầu của Qualcomm để thiết kế, phát triển và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như smartphone, thiết bị truy nhập vô tuyến macrocell, microcell, thiết bị 3G/4G-LTE… cũng như các sản phẩm, thiết bị IoT.

Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước, năm 2016 VNPT đã đầu tư và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thứ 2 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Nhà máy có dây chuyền sản xuất hiện đại, ngang tầm với các nhà máy của các hãng sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn trên thế giới. Tổng công suất hai nhà máy sản xuất của VNPT hiện có thể đáp ứng sản xuất lên tới 2,5 triệu sản phẩm các loại mỗi tháng, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu của VNPT hiện nay.

Nhìn nhận thực tế là người dùng trong nước đối với các sản phẩm điện tử, công nghệ trong nước còn thiếu niềm tin, chính vì vậy ngay từ đầu VNPT đã xác định đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Chất lượng sản phẩm được kiểm soát vô cùng chặt chẽ bởi hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn ISO 9001/2008, từ khâu nguyên vật liệu đầu vào, trong suốt quá trình sản xuất, đến khi kết thúc, đóng gói sản phẩm.

Nguyên vật liệu đầu vào được kiểm tra theo chuẩn lấy mẫu quốc tế ISO 2859-1. Chỉ các lô vật liệu đáp ứng các thông số chức năng và ngoại quan theo tiêu chuẩn thiết kế mới được phép nhập kho dùng cho sản xuất. Các linh kiện bán dẫn được nhập khẩu từ các nhà sản xuất là các Tập đoàn công nghệ uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Ngoài ra, tất cả đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn với môi trường, tuân thủ các tiêu chuẩn không chứa các chất độc hại theo quy định ROHS của châu Âu. Trước khi đưa ra thị trường, quá trình kiểm tra hợp quy sẽ được tiến hành để đảm sản phẩm đạt các chứng nhận hợp quy theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Những nỗ lực nói trên của VNPT đã bước đầu gặt hái được “thành quả”. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 5 triệu sản phẩm mang thương hiệu VNPT đã được cung cấp ra thị trường, trong đó có những sản phẩm đã tạo được chỗ đứng trên thị trường như: đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, thiết bị giáo dục giải trí smartBox, smartphone Vivas Lotus... Các thiết bị mang thương hiệu VNPT cũng được xuất tới Lào, Myanmar, Đức...

Với những tiền đề đã đạt được, mảng sản xuất công nghệ công nghiệp đang được VNPT tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Không chỉ hướng tới việc mở rộng kinh doanh các sản phẩm ra thị trường nước ngoài mà còn hướng tới đa dạng hóa loại hình sản phẩm. Với năng lực hiện nay, VNPT hoàn toàn có thể sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng khác.

(http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/no-luc-khang-dinh-thuong-hieu-cong-nghe-made-in-viet-nam-353520.html)

Ngày đăng: 08:32 | 10/09/2017

/ Theo Thuỷ Quỳnh/Báo Pháp luật Việt Nam