Cho dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường và cả đất nước đang căng sức gồng mình với quyết tâm dập đợt dịch thứ tư hiện nay càng sớm càng tốt, song cùng với đó chúng ta cũng không quên “nhiệm vụ kép”: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn một nhưng chúng ta đang nỗ lực gấp hai, gấp ba để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Nỗ lực hết sức duy trì tăng trưởng kinh tế trong dịch bệnh ảnh 1
Các doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Tác động lớn tới kinh tế

Do biến chủng mới Delta “siêu lây nhiễm” nên tình hình dịch Covid-19 trong đợt dịch thứ tư tại nước ta hiện nay diễn biến rất phức tạp, nhanh và khó lường.

Việc đợt dịch lây lan nhanh cùng số người mắc bệnh, người nhập viện và tử vong tăng cao đã gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế. Với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi đợt dịch thứ tư một cách sớm nhất có thể, chúng ta đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn cũng như ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 20 tỉnh và thành phố, trong đó có hai thành phố là trung tâm kinh tế-xã hội lớn nhất cả nước - TP Hà Nội và TP.HCM.

Việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh…” đã không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân mà ảnh hưởng lớn tới sản xuất - kinh doanh. Rất nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ đã phải tạm ngừng hoạt động, nhiều nhà máy, xí nghiệp và nhất là lưu thông hàng hóa đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, có tín hiệu rất tích cực là chúng ta vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khá cao. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 5,64% thuộc loại cao ở khu vực và thế giới, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn bảo đảm, lạm phát thấp, thu ngân sách đạt khá, chi ngân sách quản lý chặt chẽ, đáng chú ý là kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng khá và vốn đầu tư FDI tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước…

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp và việc giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh và thành phố, trong đó có các trung tâm kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất của cả nước, đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7-2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Phấn đấu đưa đất nước trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất

Nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, bảm đảm an sinh xã hội, chúng ta cẩn nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 8-8 khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh, càng trong khó khăn, phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh và niềm tin, quyết tâm không để khủng hoảng y tế, khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất.

Quyết tâm đó của người đứng đầu Chỉnh phủ đã lan tỏa tới cộng đồng danh nghiệp cả nước khi tại Hội nghị, các doanh nghiệp đều khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cộng đồng doanh nghiêp cam kết, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phản ánh những khó khăn, thách thức hiện mà các doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương những vấn đề cụ thể cần giải quyết liên quan đến các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, nhập cảnh của chuyên gia; về các chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Đồng thời có những kiền nghị tháo gỡ về về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực; về cải cách hành chính; sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp...

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, thể hiện đồng lòng, quyết tâm cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp và nỗ lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp để sau Hội nghị này, Chính phủ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay; và Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế-xã hội. Phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất, chậm nhất là cuối năm 2021 đầu năm 2022.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đây là thử thách rất lớn nhưng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp cả nước sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố “tâm, tài, trí, tín”. Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội sẽ được củng cố. Mỗi địa phương, nhà máy là pháo đài chống dịch; mỗi người dân, công nhân là chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch, đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Gỡ vướng cho hàng thiết yếu: "Hàng tắc nghẽn, dân khổ, kinh tế cũng sẽ lao đao" Gỡ vướng cho hàng thiết yếu: "Hàng tắc nghẽn, dân khổ, kinh tế cũng sẽ lao đao"

Chuyên gia cho rằng phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nếu không thì không chỉ người dân khốn ...

Đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu: Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam? Đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu: Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam?

Giới phân tích cho rằng, bên cạnh những tác động tiêu cực thì cần ghi nhận những cơ hội mà đại dịch COVID-19 mang đến ...

Ngày đăng: 08:14 | 10/08/2021

/ anninhthudo.vn