Trump đã tiết chế cố vấn John Bolton còn Kim Jong-un dường như đã loại cựu trùm tình báo cứng rắn ra khỏi nỗ lực đàm phán với Mỹ.

no luc ghim cuong cap duoi cua trump va kim jong un

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội hồi cuối tháng hai. Ảnh: Reuters.

Sau hơn một năm tình hình trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt, căng thẳng lại có nguy cơ bùng lên khi Mỹ lần đầu tiên bắt một tàu Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt, còn Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa tầm ngắn chỉ trong vòng một tuần.

Giới quan sát cho rằng những diễn biến này không chỉ khiến tình hình khu vực thêm phức tạp mà còn có thể đặt ra những thử thách mới với lãnh đạo hai nước, sau nỗ lực "ghìm cương" những cái đầu nóng trong chính quyền của mình nhằm cứu vãn tình thế khi tiến trình đàm phán song phương bế tắc từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tới nay.

Trump từ lâu đã tìm cách duy trì bầu không khí tích cực bằng cách gửi thư cho Kim Jong-un và tiết chế các quan chức có quan điểm "diều hâu" trong chính quyền như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Trong hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2, Trump không để Bolton tham gia bữa tối giữa ông với Kim Jong-un. Ông nói riêng với các quan chức Nhà Trắng khác rằng Bolton khó có thể giúp ích trong việc đạt thỏa thuận với Kim Jong-un vì ông này nhìn nhận Triều Tiên với quan điểm "quá tiêu cực".

Ngày 21/3, Bộ Tài chính Mỹ cấm vận hai công ty vận tải Trung Quốc bị cáo buộc giúp Triều Tiên né các lệnh trừng phạt và xem xét ra thêm các biện pháp trong tương lai. Trợ lý Nhà Trắng Robert Blair cảnh báo Bolton rằng Trump chưa được thông báo về biện pháp cứng rắn này và có thể không muốn làm vậy. Bolton đáp rằng ông biết Trump muốn gì và sẽ xử lý vấn đề này, nhưng có vẻ Cố vấn An ninh Quốc gia đã quá tự tin.

Hôm sau, khi được Bolton báo cáo về các lệnh trừng phạt, Trump giận dữ đáp lại rằng ông không muốn làm vậy. Nhà Trắng lâm vào tình huống khó xử là có thể phải hủy bỏ các biện pháp vừa được công bố, khiến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phải can thiệp để bảo vệ các lệnh trừng phạt ra hôm 21/3. Cuối cùng, Trump đồng ý giữ lại vòng trừng phạt này nhưng nhấn mạnh rằng ông không muốn có thêm biện pháp nào trong tương lai.

"Tổng thống Trump quý mến Chủ tịch Kim", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói. "Ông ấy cho rằng không cần phải áp đặt thêm trừng phạt".

Ngày 7/5, Trump nêu vấn đề viện trợ lương thực cho Triều Tiên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc, bất chấp lo ngại từ một số quan chức Mỹ rằng việc đó có thể giảm bớt áp lực lên Triều Tiên.

no luc ghim cuong cap duoi cua trump va kim jong un

Cố vấn Bolton trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 28/1. Ảnh: AFP.

Các phe cứng rắn và ôn hòa ở Washington đang đổ lỗi cho nhau về tình cảnh bế tắc hiện nay trong đàm phán với Bình Nhưỡng. Các học giả bảo thủ hàng đầu tại Quỹ Di sản và Viện Doanh nghiệp Mỹ chỉ trích chính quyền và kêu gọi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế. Ngược lại, những người ôn hòa ủng hộ phương án nới lỏng trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên phi hạt nhân hóa một phần, chứ không nhất quyết yêu cầu nước này từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân ngay lập tức.

Khi được hỏi về mức độ hài lòng với Cố vấn An ninh Quốc gia, Trump nói hôm 9/5 rằng "John rất giỏi. Ông ấy luôn có quan điểm mạnh mẽ, điều đó ổn thôi. Tôi thực sự đã tiết chế John. Tôi có những phụ tá khác ôn hòa hơn ông ấy và tôi là người ra quyết định cuối cùng".

Trong khi đó, lãnh đạo Triều Tiên cũng có những vấn đề nội bộ phải xử lý. Giới phân tích cho rằng điều khiến Kim Jong-un đặc biệt khó chịu là ông bị bất ngờ khi Trump quyết định kết thúc sớm hội nghị ở Hà Nội dù không có thỏa thuận. Trước hội nghị, Kim Yong-chol, quan chức Triều Tiên dẫn đầu nỗ lực đàm phán, đã đưa ra những đánh giá lạc quan, khiến Kim Jong-un tin rằng Trump sẽ chấp nhận thỏa thuận nới lỏng trừng phạt kinh tế để đổi lấy phi hạt nhân hóa một phần.

Kim Yong-chol là cựu trùm tình báo theo chủ trương cứng rắn với Mỹ. Ông đã khiến các nhà đàm phán Mỹ bực bội với thái độ lạnh lùng và những yêu cầu khó lay chuyển, hai quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Hồi tháng 4, Kim Jong-un đã loại bỏ ông này khỏi Ban công tác Mặt trận Thống Nhất, cơ quan chuyên về hoạt động tình báo, ngoại giao và hoạch định chính sách liên Triều.

no luc ghim cuong cap duoi cua trump va kim jong un

Kim Yong-chol tại Mỹ tháng 6/2018. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, ông trao nhiều quyền lực hơn cho Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, người đã đưa ra những đánh giá thận trọng hơn về tình trạng đàm phán. Bà hiện có ghế trong Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.

Bà Choe và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã tháp tùng ông Kim Jong-un đến cuộc họp với Tổng thống Nga Putin tại Vlapostok ngày 25/4, trong khi Kim Yong-chol vắng mặt. Những thay đổi này dường như thể hiện ông Kim đang thay thế nhóm quan chức tình báo cứng rắn đã làm phật lòng các nhà đàm phán Mỹ bằng các nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm thương lượng hơn.

"Choe Son-hui hiểu người Mỹ và bà ấy đã có hàng thập niên kinh nghiệm", Joel Wit, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson cho biết. Bà Choe đã tham gia các cuộc đàm phán 6 bên với Mỹ và các quốc gia khác vào thời chính quyền George W. Bush. "Bà ấy sẽ đưa ra được các nhận định tốt".

Các cố vấn của Kim Jong-un gần đây cũng tăng cường công kích các quan chức có quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trump. Bà Choe cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bolton đã tạo ra bầu không khí thù địch và hoài nghi, mặc dù Trump và Kim có quan hệ tốt.

Một cố vấn Mỹ không bị Bình Nhưỡng chỉ trích là đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên Steve Biegun. Ông được nhiều nhà ngoại giao coi là hy vọng tốt nhất để tạo ra đột phá, nhưng đang gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý của Bình Nhưỡng.

Kể từ khi Triều Tiên thay đổi nhân sự, Biegun đã đề nghị họp với Choe nhưng không nhận được phản hồi. Wit cho rằng Triều Tiên không phản ứng có thể do họ đang cân nhắc ai là đối tác đàm phán phù hợp với Biegun. "Họ đang tư duy xem nên để bà Choe hay một người nào khác làm việc với ông ấy".

Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu thể hiện Triều Tiên không quan tâm đến việc đàm phán với bất cứ ai ngoài Trump.

"Theo quan điểm của Kim Jong-un, Trump là người duy nhất có thể chấp nhận một thỏa thuận tốt", Sue Mi Terry, học giả Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói. "Bất kỳ lãnh đạo nào cũng sẽ tiến hành nỗ lực ngoại giao từ dưới lên trên, tức là cấp quan chức trước rồi mới đến lãnh đạo. Nhưng Trump thích quy trình từ trên xuống và ông ấy sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình".

"Đó là lý do Kim Jong-un muốn làm việc trực tiếp với Trump và cũng là điều khiến nhiều nhà phân tích lo lắng rằng Trump sẽ bị 'hớ' nếu quá mong muốn đạt được thỏa thuận", Terry nói thêm.

Phương Vũ (Theo Washington Post)

no luc ghim cuong cap duoi cua trump va kim jong un Liên tiếp phóng tên lửa, Kim Jong-un thử thách lòng kiên nhẫn của Trump

Hai vụ thử tên lửa tầm ngắn liên tiếp của Triều Tiên dường như là hành động thăm dò phản ứng của Mỹ để tính ...

no luc ghim cuong cap duoi cua trump va kim jong un Donald Trump thẳng tay, Trung Quốc cứng giọng: Thế giới căng thẳng, lo ngại

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên một mức cao mới sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% ...

Ngày đăng: 21:36 | 10/05/2019

/ https://vnexpress.net