Sau vài ngày cố gắng dịch chuyển tàu Ever Given trong vô vọng, các kỹ sư đã dồn nỗ lực vào kỳ siêu mặt trăng đầu tiên trong năm.

Thủy triều dâng cao mỗi khi có trăng tròn hoặc trăng non, xảy ra khi mặt trăng, trái đất và mặt trời thẳng hàng với nhau. Vị trí này giúp tạo ra lực hút lớn hơn đối với trái đất, dẫn đến hiện tượng triều cường, xảy ra hai lần mỗi tháng.

Ever Given, một trong những con tàu lớn nhất thế giới, chắn ngang kênh đào Suez trong bối cảnh diễn ra hiện tượng siêu mặt trăng đầu tiên trong năm, khi đợt trăng tròn trùng với thời điểm mặt trăng ở gần trái đất nhất trên quỹ đạo, có nghĩa là lực hút đối với trái đất còn được khuếch đại hơn nữa. Tuần trăng tròn bắt đầu từ hôm 28/3, giúp mực nước dâng cao hơn gần 46 cm so với mức thủy triều bình thường.

Điều này giúp nhiệm vụ kéo con tàu trọng tải gần 220.000 tấn, dài 400 m, khỏi bờ kênh đào Suez trở nên dễ dàng hơn, mà không cần dỡ nhiều container xuống. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa với việc các kỹ sư phải "chạy đua với thời gian", tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi nhờ kỳ siêu trăng để khai thông tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới.

5834 000 96w2b3 8377 1617189204

Một tàu kéo làm nhiệm vụ giải cứu tàu hàng Ever Given trên kênh Suez của Ai Cập hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Theo các nguồn tin tham gia hoạt động giải cứu tàu, hầu hết quá trình nạo vét cát được tiến hành với sự chú ý về thời điểm nước dâng. Các máy nạo vét nhanh chóng được điều đến khu vực và làm việc suốt ngày đêm.

Lars Mikael Jensen, lãnh đạo phụ trách mạng lưới đường biển toàn cầu của tập đoàn vận tải Maersk, cho biết hôm 29/3 là ngày đặc biệt quan trọng, khi mực nước bắt đầu đạt đỉnh. "Trong vài ngày qua, toàn bộ sức kéo có sẵn đều được bố trí", ông cho biết. Thủy triều có thể mang lại lực nâng cần thiết để đội cứu hộ giải phóng Ever Given.

Giới quan sát cho hay việc bỏ lỡ thời cơ này có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế, bởi khi đó các tàu muốn đi qua kênh đào nối Địa Trung Hải và Biển Đỏ có khả năng phải chuyển hướng, lựa chọn hành trình xa hơn rất nhiều khi vòng qua Mũi Hảo Vọng phía nam châu Phi.

Sea-Intelligence, một nhóm dữ liệu trụ sở tại Copenhagen của Đan Mạch, ước tính việc chuyển hướng các con tàu vòng qua châu Phi, hoặc thông qua kênh đào Panama, sẽ khiến năng suất vận chuyển container của thế giới bị giảm khoảng 6% về dài hạn, bởi các tàu tốn nhiều thời gian hơn cho những hành trình dài hơn.

Trước một trong những phép thử lớn nhất 7 năm cầm quyền, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi yêu cầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) chuẩn bị kế hoạch dự phòng đầy khó khăn, là dỡ các container trên Ever Given xuống nếu nỗ lực giải cứu tiếp tục thất bại. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác đã đề nghị giúp đỡ. Trong khi đó, đội cứu hộ muốn tránh kết cục này bằng bất cứ giá nào.

"Đó thực sự là phương án cuối cùng", Nick Sloane, chuyên gia cứu hộ hàng hải, người từng dẫn dắt quá trình giải cứu du thuyền Costa Concordia bị mắc cạn ở ngoài khơi Italy năm 2012, cho hay.

Thêm vào đó, 7 ngày sau đợt triều cường, mặt trăng sẽ tạo với mặt trời và trái đất thành một góc vuông, làm sức hút của mặt trăng bị giảm bớt, đồng nghĩa với việc thủy triều rút. Khi đó, nỗ lực kéo tàu Ever Given khỏi bờ kênh Suez sẽ tốn thời gian hơn rất nhiều, các chuyên gia cho hay.

Sau khi những nỗ lực ban đầu thất bại, giám đốc SCA Osama Rabie yêu cầu triển khai các máy nạo vét để đào cát xung quanh Ever Given, giúp tàu kéo lôi nó ra khỏi bờ kênh từng chút mỗi khi thủy triều lên. Đến ngày 26/3, SCA đã hoàn thành khoảng 87% công việc nạo vét mà họ đánh giá là cần thiết để giải phóng "siêu tàu hàng", loại bỏ khoảng 17.000 m3 cát và bùn.

"Chúng tôi phải đào sâu để giải phóng con tàu. Không có gì sẽ được xoay chuyển cho tới khi công việc này hoàn thành", một người tham gia hoạt động giải cứu tuần trước cho hay, trong bối cảnh áp lực về thời gian ngày càng tăng.

Bước tiến này giúp chân vịt và bánh lái của Ever Given hoạt động trở lại vào tối 26/3, làm tăng triển vọng con tàu có thể được đội tàu kéo giải thoát. Tuy nhiên, hy vọng tan biến khi thủy triều hàng ngày rút xuống, trong lúc mũi tàu vẫn nằm bên trong bờ kênh.

5842 6 1195 1617070073 1145 1617189204

Kích thước tàu hàng khiến kênh Suez tê liệt nhiều ngày. Bấm vào ảnh để xem chi tiết. Đồ họa: Tạ Lư.

Hôm 27/3, 12 tàu kéo được huy động để tiếp tục nỗ lực giải cứu. Khi đó, các máy nạo vét đã loại bỏ được khoảng 27.000 m3 cát và đào tới độ sâu hơn 18 m xung quanh con tàu. Tới tối 28/3, siêu mặt trăng giúp mực nước dâng cao 2 m, cao hơn khoảng 48 cm so với thủy triều hôm 23/3. Cơ hội thành công tốt nhất của đội cứu hộ đã đến.

Vào 2h sáng 29/3 theo giờ địa phương, hoạt động giải cứu được hỗ trợ thêm bởi Alp Guard, một tàu kéo gắn cờ Hà Lan với sức kéo 285 tấn, nhiều hơn đáng kể so với những tàu khác đang làm việc xung quanh Ever Given, như con tàu Baraka 1 tại Suez chỉ có sức kéo 160 tấn.

Những ngày miệt mài đào và nạo vét trước đó bắt đầu được đền đáp, khi các tàu kéo nổ máy giữa điều kiện thủy triều dâng. Mũi tàu Ever Given được kéo rời khỏi bờ đông của kênh đào Suez vào khoảng 5h sáng, còn đuôi tàu dịch chuyển khoảng 100 m từ bờ phía tây vào bên trong kênh.

"Chúng tôi đã làm việc với tàu kéo trong 4 ngày. Khi tàu kéo lớn đến, đuôi tàu ngay lập tức được giải phóng khỏi bờ", Wessam Hafez, một hoa tiêu trưởng kỳ cựu tại kênh đào Suez, cho hay.

Hai tàu kéo được bố trí bên phải của đuôi tàu Ever Given, trong khi các tàu khác đẩy từ phía đối diện. Một số tàu kéo khác từ từ kéo mạn trái phía trước của Ever Given về trung tâm của kênh đào, dần dần đưa mũi "siêu tàu hàng" khỏi bờ kênh.

Ánh Ngọc (Theo WSJ)

Bắt đầu điều tra vụ tàu hàng chắn kênh Suez Bắt đầu điều tra vụ tàu hàng chắn kênh Suez
Tàu đầu tiên đi qua kênh Suez sau sự cố Tàu đầu tiên đi qua kênh Suez sau sự cố
Dù kênh Suez được thông, chuỗi cung ứng vẫn sẽ tắc nghẽn nhiều tháng Dù kênh Suez được thông, chuỗi cung ứng vẫn sẽ tắc nghẽn nhiều tháng

Ngày đăng: 15:30 | 01/04/2021

/ vnexpress.net