Zimbabwe đã gặp nhiều khó khăn về kinh tế với những chính sách gây tranh cãi của cựu tổng thống Robert Mugabe.
Cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: bulawayo24. |
Trong 37 năm cầm quyền, cựu tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe được nhiều người tôn trọng và ngợi ca, nhưng ông cũng là một trong những nhà lãnh đạo châu Phi gây tranh cãi nhiều nhất.
Ông Mugabe được bầu làm thủ tướng đầu tiên của nước Zimbabwe vào năm 1980, sau khi trải qua nhiều năm ngồi tù vì hoạt động chính trị. Ông được nhiều người ca ngợi như anh hùng giải phóng dân tộc. Ông và Ngoại trưởng Anh khi đó là Peter Carrington cùng được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Sau khi trở thành Tổng thống Zimbabwe năm 1987, ông đã quyết định thực hiện kế hoạch 5 năm, bắt đầu từ năm 1989. Trong quá trình này, ông nới lỏng mức giá cho nông dân, cho phép họ tự định giá và cũng xây dựng phòng khám và trường học cho người dân. Vào cuối giai đoạn 5 năm này, nền kinh tế đã có sự thay đổi tích cực về mặt sản xuất, khai thác mỏ và nông nghiệp.
"Ông ấy có lập trường dân túy, có nghĩa là ông ấy muốn lợi ích tốt nhất dành cho người dân chứ nhưng không nhất thiết là nền kinh tế", ông Funmi Akinluyi, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại châu Phi, nhận xét.
Khi các thành tựu chính trị của ông Mugabe dần phai mờ, những người chỉ trích cáo buộc ông sử dụng bạo lực và tham nhũng để duy trì quyền lực của mình. Ông luôn bác bỏ mọi hành động sai trái.
Sai lầm trong việc quản lý ngành nông nghiệp là bước ngoặt dẫn đến thảm hoạ kinh tế. Mục đích của việc cải cách ruộng đất là chấm dứt hàng thập kỷ niên sở hữu trang trại của các chủ đồn điền da trắng - điều mà nhiều người coi là bất công thời thuộc địa.
Đạo luật ban hành năm 1992 cho phép ông Mugabe ép các chủ đất từ bỏ tài sản và phân phối lại. Năm 1993, ông Mugabe đe doạ trục xuất những chủ đất da trắng phản đối các quy tắc này. Đến năm 2000, chiến dịch của ông Mugabe đã buộc 4.000 chủ trang trại da trắng từ bỏ đất. Sản lượng nông nghiệp của Zimbabwe giảm sút mạnh mẽ.
"Đất nước ngay lập tức lâm vào cảnh thiếu lương thực", "Akinluyi nhớ lại. Tình trạng canh tác kém và đợt khô hạn kéo dài hai năm đã dẫn đến nạn đói tồi tệ nhất của đất nước trong 60 năm.
Khi người dân thiếu thốn nhu yếu phẩm, ngân hàng trung ương đẩy mạnh việc in tiền để tài trợ nhập khẩu. Kết quả là lạm phát phi mã. Vào giai đoạn đỉnh điểm, cứ 24 giờ giá hàng hóa lại tăng gấp đôi. Các nhà kinh tế học của viện Cato ước tính lạm phát hàng tháng đạt mức cao nhất là 7,9 tỷ % trong năm 2008. Thất nghiệp tăng vọt, các dịch vụ công sụp đổ.
Để giải quyết lạm phát Zimbabwe đã từ bỏ đồng tiền của mình vào năm 2009, thực hiện giao dịch bằng USD, đồng rand của Nam Phi và 7 loại tiền tệ khác.
Nhiều người dân Zimbabwe rời bỏ đất nước để sống ở các quốc gia lân cận. Ước tính ba triệu người Zimbabwe ở nước láng giềng Nam Phi. Việc thấy một cựu giáo viên Zimbabwe làm bồi bàn tại một nhà hàng ở Johannesburg là điều rất bình thường. Hàng chục nghìn người Zimbabwe ở Anh. 13 triệu người ở lại Zimbabwe đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp ước tính hơn 80%, theo AP.
Ngành công nghiệp của Zimbabwe được ước tính hoạt động dưới 30% công suất. Ngành du lịch "thoi thóp". Ngành mỏ của Zimbabwe vẫn tiếp tục hoạt động, với các mỏ kim cương, bạch kim, vàng và chrome, nhưng những lời đe dọa thường xuyên của ông Mugabe về việc quốc hữu hoá đã làm nản lòng phần lớn đầu tư nước ngoài.
Ông Mugabe đã sử dụng quân đội để tiếp quản mỏ kim cương Marange, được phát hiện vào năm 2009. Mỏ bị quốc hữu hóa, công ty Anh và Trung Quốc bị đẩy ra ban lãnh đạo. Tuy nhiên, theo AP, rất ít lợi nhuận từ mỏ kim cương này đi vào kho bạc nhà nước. Mugabe, gia đình ông và các đồng minh thân thiết nhất bị cáo buộc đã tích lũy được khối tài sản tầm cỡ thế giới.
Mạng lưới tình báo sâu rộng của ông Mugabe cũng khiến cho nhiều người e ngại. Hàng trăm người ủng hộ phe đối lập đã thiệt mạng hoặc biến mất trong các chiến dịch bầu cử.
Một "vết sẹo" gây tranh cãi nặng nề khác dưới thời Mugabe là chiến dịch của Lữ đoàn 5 được người Triều Tiên đào tạo đã đàn áp một nhóm phiến quân nhỏ ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Joshua Nkomo. Năm 1983 - 1985, ước tính 10.000 - 20.000 người thuộc dân tộc thiểu số ở Ndebele bị quân đội miền nam Zimbabwe giết, theo AP.
Vào những năm 1980, ông Mugabe có lối sống không phô trương nhưng điều đó thay đổi sau cuộc hôn nhân với Grace Mugabe. Họ đã xây dựng biệt thự 25 phòng ngủ với ngói ngọc lam nhập khẩu từ Trung Quốc. Với quần áo, giày dép và trang sức hàng hiệu, cựu đệ nhất phu nhân được đặt biệt danh "Gucci Grace".
Sự xa hoa của gia đình ngày càng được thể hiện rõ. Bà Grace đã khởi kiện một người buôn kim cương tại Lebanon, nói rằng bà đã trả tiền cho anh ta để mua viên kim cương 100 carat nhưng anh ta chỉ đưa cho bà kim cương 30 carat. Con trai của hai ông bà đăng lên mạng xã hội video đổ rượu sâm banh lên đồng hồ gắn kim cương của mình.
Sự phẫn nộ của người Zimbabwe đi đến giới hạn vào tuần trước, vài ngày sau khi quân đội quản thúc ông Mugabe. 1,6 triệu người ở thủ đô Harare xuống đường biểu tình để yêu cầu tổng thống lâu năm rời ghế. Cuối cùng, ông Mugabe từ chức ngày 21/11 sau khi quốc hội khởi động thủ tục luận tội.
"Mugabe có thể đã có ảnh hưởng lớn ở châu Phi, nhưng cách ông ấy ngã xuống từ đỉnh quyền lực có thể là lời cảnh báo cho tất cả những ai muốn học theo ông ấy", cây bút Andrew Meldrum của AP viết.
Đối thủ đáng gờm khiến Tổng thống Mugabe phải rút lui
Sau 37 năm cầm quyền, Tổng thống Mugabe đã phạm sai lầm lớn nhất, khiến sự nghiệp chính trị của ông đi vào hồi kết, ... |
Châu Phi và thế giới đón mừng \'cuộc từ chức lịch sử\' ở Zimbabwe
Cộng đồng quốc tế đã chào mừng quyết định từ chức của Tổng thống Robert Mugabe với thái độ tích cực và kêu gọi một ... |
Tổng thống từ chức, người Zimbabwe ăn mừng suốt đêm
Ngay sau khi có thông tin nhà lãnh đạo 93 tuổi từ chức sau gần 4 thập kỷ nắm quyền, người dân Zimbabwe vỡ òa ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhung-vet-seo-cua-zimbabwe-duoi-thoi-mugabe-3674004.html
Ngày đăng: 15:06 | 22/11/2017
/ vnexpress.net