Một số tổng thống Mỹ từng nghĩ đến việc từ chức do áp lực, sức khỏe hay vấn đề gia đình.
Tổng thống Mỹ Trump đối diện nhiều áp lực trong những tuần gần đây. Ảnh: Reuters.
7 tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, Donald Trump đang vùng vẫy trong một thế giới chính trị đầy biến động mà ông không quen thuộc. Khi ông là người đứng đầu doanh nghiệp, ông có thể nói bất cứ điều gì, bất cứ khi nào ông muốn và ra lệnh nhanh chóng. Nhưng khi trở thành tổng thống, những điều ông muốn làm không thể ngay lập tức chuyển thành hành động, ngôn ngữ không trau chuốt của ông có nguy cơ phản chủ.
Tony Schwartz, người giúp ông Trump viết cuốn sách "Nghệ thuật đàm phán" năm 1987 cho rằng ông Trump sẽ sớm từ chức. Ông nhắc đến áp lực từ cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái. Cuối tuần qua, Trump cũng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì ông đã không lên án đích danh những nhóm theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng khi nói về bạo lực tại Charlottesville ngày 12/8.
Mike Purdy, nhà sử học về các đời tổng thống Mỹ, cho biết một số nhà lãnh đạo Mỹ từng nghĩ đến việc từ chức, theo Hill.
Chỉ vài tuần sau lễ nhậm chức năm 1797, tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams tâm sự với vợ rằng "nếu những người thuộc đảng Liên bang (đảng đầu tiên của Mỹ, tồn tại năm 1970 - 1816) muốn chơi khăm, tôi sẽ từ chức và để Thomas Jefferson (người khi đó là phó tổng thống Mỹ) dẫn dắt họ".
Khi Adams bị Jefferson đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1800, ông đã tính đến việc từ chức ngay khi có kết quả. Nếu ông làm như vậy thì Jefferson, với tư cách là phó tổng thống tại nhiệm, sẽ lên thế chỗ Adams cho đến khi chính thức nhậm chức để bắt đầu chính quyền mới.
Tổng thống thứ hai của Mỹ John Adams. Ảnh: Miller Center.
Năm 1862, Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ, mệt mỏi trả lời sau khi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gây sức ép muốn ông từ chức: "Họ muốn loại bỏ tôi và tôi đôi lúc cũng muốn thuận theo ý họ".
Grover Cleveland, tổng thống thứ 22 của nước Mỹ, gần như đi đến giới hạn khi ông liên tục chịu áp lực từ những người muốn được bổ nhiệm vị trí trong chính phủ: "Sự rầy rà, khó chịu từ những người muốn vào chính quyền này lúc nào cũng lơ lửng trên đầu tôi. Tôi muốn từ chức".
Ý định từ chức cũng từng xuất hiện nhiều lần trong tâm trí của Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28 của nước Mỹ. Ông doạ rời Nhà Trắng nếu quốc hội không thông qua luật mà ông muốn. Ông cũng nghĩ đến việc từ bỏ quyền lực sau khi người vợ đầu tiên, Ellen, qua đời. Người vợ thứ hai, Edith, thì muốn Wilson từ chức sau khi ông bị đột quỵ trong nhiệm kỳ thứ hai.
Năm 1960, trong Chiến tranh Lạnh, một máy bay do thám U2 của Mỹ bị bắn rơi ở không phận Liên Xô, khiến Mỹ phải thừa nhận đã bí mật theo dõi Liên Xô. Tổng thống thứ 34 của Mỹ, Dwight Eisenhower, sau đó nói với thư ký rằng: "Tôi muốn từ chức".
Ronald Reagan, tổng thống thứ 40 của Mỹ. Ảnh: reaganfoundation.
Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32 của nước Mỹ, từng nghĩ đến việc rời Nhà Trắng để lãnh đạo Liên Hợp Quốc. Ronald Reagan, tổng thống thứ 40 của Mỹ, đã thề sẽ rời nhiệm sở nếu bác sĩ chuẩn đoán tình trạng sức khỏe tâm thần của ông xấu đi.
Tuy nhiên, không ai trong số các tổng thống trên thực sự rời ghế. Tổng thống Mỹ duy nhất làm việc đó là Richard Nixon, người từ chức năm 1974 vì bê bối Watergate (thân tín của Nixon bị cáo buộc tổ chức vụ đột nhập vào văn phòng của đảng Dân chủ).
Tuy Trump đang đối diện với nhiều áp lực, khả năng ông từ chức có thể còn xa vời vì ông từng bình tĩnh vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ.
Theo Washington Post, trong những năm 1990, ông mắc nợ hơn 900 triệu USD khi 6 công ty bị phá sản và phải trao cho các chủ nợ quyền giám sát chi tiêu của mình. Nhưng ông vẫn tuyên bố thỏa thuận đó là một thắng lợi về tinh thần. Cho dù bị đặt trong tình trạng phải chờ được cấp tiền chi tiêu hàng tháng, Trump vẫn thuyết phục được các ngân hàng rằng bất động sản của mình sẽ có giá hơn khi chúng gắn với thương hiệu Trump.
Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của Trump, chẳng hạn như khi đồng thời phải đối mặt với hỗn độn tài chính và vụ ly dị, một số đối tác kinh doanh tự hỏi làm sao ông vẫn có thể bình tĩnh đi làm mỗi buổi sáng. Nhưng ông Trump không cho thấy bất kỳ dấu hiệu tuyệt vọng nào. "Trump đến văn phòng vào 8h sáng, vest và cà vạt chỉnh chu với sự tập trung cao độ và luôn tiến về phía trước", một cấp dưới kể.
Ngày đăng: 15:23 | 21/08/2017
/ Phương Vũ / VnExpress