Một nhà báo Pháp từng viết: Bao nhiêu tiền bạc trên thị trường ở phía dưới vĩ tuyến 17 đều lọt vào tay họ Ngô…
Thực vậy, trong 9 năm Diệm làm Tổng thống, anh em họ Ngô đã dùng nhiều “mẹo mực” để vơ vét được một khối tài sản khổng lồ.
Ông linh mục tham lam
Trong gia đình, Ngô Đình Thục là anh của Diệm. Mặc dù đã trở thành một linh mục, được phong giám mục rồi tổng giám mục nhưng ông này vẫn còn chưa hết lòng tham lam. Bởi vậy, khi Diệm lên làm Tổng thống, Thục đã tranh thủ mọi cơ hội để làm giàu.
Đại gia đình của cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Ngô Đình Diệm. Ảnh: Giadinh.net.vn.
Thục cho lập một hội mang tên “Hội Việt Nam viện trợ Cao đẳng giáo dục” để làm bình phong cho các hoạt động kinh tế. Thục bỏ vào đây 1 triệu rưỡi đồng để làm vốn và để đủ số người cổ phần theo luật định, Thục phải mượn tên người khác cho đủ số. Lấy tư cách anh Tổng thống, Thục bảo Bộ Canh nông cấp giấy phép cho Thục khai thác cây rừng tại Định Quán trong 5 năm và đã thu lời được trên 100 triệu bạc. Cùng với đó, số tiền thu về từ các hoạt động áp phe giấy phép xuất nhập cảng bán lại cho Hoa thương ở Chợ Lớn, Thục đã thu được những khoản tiền lớn đủ để xây cất mấy khách sạn cùng 1 biệt thự lớn ở Sài Gòn…
Kiểu làm ăn của Thục là lợi dụng uy quyền của em để “cướp không” tài sản của đất nước. Ông ta giật dây cho Viện đại học Đà Lạt đứng lên thuê chính phủ họ Ngô để khai thác một cơ sở trà tại Lâm Đồng với giá tượng trưng 1 đồng bạc. Có lần, ông ta còn cho người tới ngân hàng Thương Tín vay tiền, lấy cớ là để hỗ trợ cho giáo dục nhưng thực chất là để làm vốn khai thác gỗ lậu để xuất khẩu. Ngân hàng này nhất quyết không cho vay. Chẳng bao lâu sau thì giám đốc ngân hàng bị Diệm dùng áp lực chính trị buộc chuyển công tác khác. Việc này được nhắc trong cuốn Cái chết của anh em nhà Ngô của Nông Huyền Sơn.
Nhờ thế, chẳng mấy chốc, Thục có trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ mà không một đại điền chủ hay nhà tư bản nào ở miền Nam lúc đó có thể sánh được. Theo cuốn Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, số tài sản của Thục gồm 200 mẫu tây đồn điền tại Đăk Lăk được giao cho công ty CHPI làm quản lý kỹ thuật, chia lời 99% cho Thục, 227.717 thước vuông địa ốc đã xây dựng cùng 258 mẫu tây trồng cây kỹ nghệ. Ngoài các tài sản trên, đến thời kỳ cuối của triều đại họ Ngô, số tiền Thục gửi ở các ngân hàng đã lên tới 5.108.705.173 đồng, tương đương với 70 tỷ đồng quan cũ.
Đã rất giàu có nhưng như người đời vẫn nói, lòng tham không đáy. Bởi thế, trong dịp lễ Ngân khánh (kỷ niệm 25 năm ngày Ngô Đình Thục được phong làm Giám mục), Thục bắt phải tổ chức rầm rộ với ban tổ chức gồm toàn những kẻ tai to mặt lớn trong Quốc hội, Chính phủ. Quan trọng nhất là Thục lại tận dụng luôn nó làm một dịp kiếm tiền. Cuốn Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam cho biết: Trong cái dịp lễ này, người ta bắt các nhân vật tham gia phải mua vé với giá 5.000 đồng (giá trị bằng nửa tấn gạo theo thời giá lúc đó).
Bí quyết của cậu Cẩn
Không giống Thục, Ngô Đình Cẩn lại có một lối “làm ăn” riêng biệt. Hai món hàng sở trường của Cẩn là vàng và thuốc phiện. Cẩn thường cho thủ hạ khoác hình thức nhân viên ngoại giao qua lại Lào để mua vàng thoi rồi chuyển về nước bằng “va ly ngoại giao”, mỗi chuyến hàng chục kg. Một trong những tay chân thân tín của Cẩn là Nguyễn Cao Thăng đã được cho xuất ngoại nhiều lần để thực hiện các phi vụ làm ăn.
Về thuốc phiện, quốc lộ 9 nối liền từ Lào tới Đông Hà là con đường hoạt động đặc biệt của Cẩn với các đoàn xe có vũ trang hộ tống. Các cơ quan an ninh và thuế quan đều được mật lệnh phải giúp đỡ cho các đoàn công tác này và không được xét hỏi trong xe có gì. Lào đã trở thành nguồn cung thuốc phiện cho Việt Nam thông qua hai anh em Nhu, Cẩn. Có khác chăng, Nhu với quyền lực cao hơn nên áp tải bằng máy bay còn Cẩn thì bằng ô tô nhưng cả hai đều được quân đội, công an của chế độ bảo vệ rất an toàn.
Ngoài những món thu lợi lớn là vàng và thuốc phiện, Cẩn còn độc quyền buôn bán nhiều món hàng khác như gạo, quế. Vì miền Trung là xứ đất đai cằn cỗi, không sản xuất đủ lương thực, thường phải mua từ miền Nam để bổ sung. Cẩn đã thao túng thị trường lúa gạo miền Trung bằng tổ chức “Trung Nam Mễ cốc công ty” chuyên chở gạo từ Sài Gòn về bán giá chợ đen cho dân, đồng thời chèn ép các thương gia không cho họ kinh doanh mặt hàng này. Nếu ai muốn làm thì phải nộp tiền cho Cẩn. Người ta nói rằng chỉ riêng số tiền thu của các thương gia trong vụ này cũng hàng chục triệu đồng.
Về quế, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi – là hai tỉnh sản xuất quế lớn nhất, Cẩn bắt dân chúng ở đây phải bán cho thuộc hạ của hắn với giá chỉ bằng 1/10 giá thị trường mà dân phải buộc lòng bán. Vì Cẩn giữ độc quyền xuất cảng ra nước ngoài, nếu không bán cho thuộc hạ của hắn thì cũng chẳng ai dám mua quế cho dân.
Bởi những hoạt động kinh tế kiểu ăn chặn, ăn cướp đó, Cẩn mau chóng trở thành một tay đại phú với tài sản hàng tỉ bạc. Những thủ hạ của Cẩn cũng nhanh chóng phất lên, kiếm hàng chục triệu bạc một năm, có biệt thự, xe hơi, tiền gửi ngân hàng…
Ai là kẻ giàu nhất?
Tuy Thục và Cẩn đã giàu có nhưng khối tài sản của họ chưa thấm tháp gì so với tài sản của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Cặp vợ chồng ông cố vấn, ngoài việc buôn bán ma túy và kinh doanh sòng bạc để lấy tiền phục vụ cho mạng lưới gián điệp thì còn nhiều phương pháp “làm tiền” rất phong phú mà toàn những chiêu siêu lợi nhuận.
Chân dung Trần Lệ Xuân.
Theo cuốn Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, riêng trong năm 1955, vợ chồng Nhu đã cắt xén ngay một lúc 22 triệu dollar trong số tiền viện trợ. Vụ này sau bị một nhà báo tố cáo làm lùm xùm một thời gian trên công luận khiến Washington phải triệu cả đại sứ Mỹ ở Sài Gòn về xét hỏi.
Nguồn viện trợ Mỹ là một cái mỏ để vợ chồng Nhu đào với mỗi lần thu được hàng triệu dollar. Lệ Xuân cũng như hai người anh, em chồng, rất tham lam; không bỏ qua một cơ hội kiếm tiền nào. Lợi dụng quyền thế của gia đình, Lệ Xuân và tay chân tổ chức những vụ buôn lậu lớn lao vàng ngọc, giấy bạc… trên đường bay Sài Gòn – Hong Kong.
Một hoạt động khác nữa là xuất cảng cao su do Lệ Xuân phụ trách và đám thủ hạ ở Nha thương cảng thi hành mỗi lần đem lại cho Lệ Xuân hàng trăm triệu Frances. Số tiền này được che mắt bằng cách chuyển cho 300 sinh viên ma ở Pháp qua sự sắp đặt gian lận của tòa đại sứ Việt Nam cộng hòa ở Pháp trong nhiều năm liền. Tất cả những tiền bạc mà vợ chồng Nhu thu được từ các hoạt động bất chính ấy đều được gửi vào các ngân hàng ở Thụy Sĩ, Pháp, Italia, Anh…
Sau khi anh em họ Ngô bị diệt, dân chúng vẫn kháo nhau về sự giàu có của vợ chồng Nhu nhưng con số cụ thể bao nhiêu thì khó nói chính xác. Tuy vậy, trong bài báo Pháp nhan đề “Phong kiến và mại bản ở miền Nam Việt Nam” được trích dẫn trong cuốn Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, ký giả nói: “ Đứng đầu là đệ nhất phu nhân mà số tiền bạc đã gửi ở ngoại quốc đã lên đến hàng tỷ, được công nhận vào hàng ngũ tỉ phú quốc tế sắp hạng thứ tư, không kém gì các ông vua dầu hỏa, xe hơi… ở Mỹ”.
Nghi vấn “hòn máu tội lỗi” của Ngô Đình Diệm
Chuyện Diệm không quan hệ mật thiết với người phụ nữ nào có thể vì nguyên nhân khác: đó chính là đứa con rơi mà ... |
Cuộc đời Ngô Đình Diệm (Kỳ cuối): Những cuộc điện đàm cuối cùng
Sau khi Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn lần lượt bị hạ sát theo những cách khác nhau, nhóm tướng lĩnh ... |
Ngày đăng: 08:34 | 26/03/2019
/ http://danviet.vn