Năm 1957, Liên Xô hạ thủy Lenin - tàu phá băng nguyên tử đầu tiên trên thế giới, đánh dấu kỷ nguyên thống trị của loại tàu này trên biển Bắc Băng Dương.

Không chỉ có số lượng tàu phá băng đông đảo về số lượng, ngang bằng với lượng tàu của tất cả các cường quốc khác cộng lại, Nga hiện tại còn sở hữu hạm đội tàu phá băng nguyên tử duy nhất trên thế giới với năng lực đủ sức tung hoành ngang dọc biển Bắc Băng Dương trong suốt cả năm.

Tàu phá băng Lenin

Những thế lực 'đáng gờm' ở Bắc Cực: Đội tàu phá băng nguyên tử độc nhất của Nga - 1
Tàu phá băng Lenin – tàu phá băng nguyên tử, cũng là tàu mặt nước nguyên tử đầu tiên trên thế giới.

Ngay từ khi Liên Xô làm chủ công nghệ hạt nhân từ năm 1949, các nhà lãnh đạo nước này đã hướng tầm nhìn xa hơn tới việc ứng dụng nguồn năng lượng tiềm tàng này vào những mục đích phi sát thương.

Song hành cùng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại Obninsk, ngày 20/11/1953, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ra quyết định nghiên cứu chế tạo con tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên dùng cho mục đích phá băng, đảm bảo thông suốt cho tuyến đường vận tải biển Bắc liên tục trong vòng 6 – 8 tháng, và nếu có thể là 12 – 14 tháng. Đây là con số bất khả thi nếu sử dụng tàu phá băng chạy bằng năng lượng truyền thống.

Con tàu đầu tiên cũng đồng nghĩa với mọi thứ phải bắt đầu từ đầu, ngay cả loại thép chuyên dụng dùng làm thân tàu AK-27 và AK-28 cũng được nghiên cứu mới tại viện luyện kim Prometheus nổi tiếng.

Hơn 500 nhà máy trên toàn lãnh thổ Liên Xô đã cùng tham gia vào việc chế tạo con tàu này, chế tạo ra 76 loại cơ cấu kỹ thuật và 150 thiết bị cơ khí hoàn toàn mới để phục vụ nó, có thể kể đến bao gồm: Nhà máy Kirov - sản xuất tuốc bin chính, nhà máy cơ điện Kharkov – sản xuất nồi hơi, nhà máy Electrosila, Leningrad – sản xuất động cơ điện… Việc thiết kế con tàu cũng được giao cho các công trình sư giàu kinh nghiệm như Vasily Neganov hay Igor Afrikantov – đều là những kỹ sư thiết kế với trên dưới 20 năm trong nghề thiết kế tàu biển, đặc biệt là tàu phá băng.

Những thế lực 'đáng gờm' ở Bắc Cực: Đội tàu phá băng nguyên tử độc nhất của Nga - 2
Hiện nay tàu phá băng Lenin được neo đậu vĩnh viễn tại cảng Murmansk với tư cách bảo tàng, tượng đài văn hóa đại diện cho công cuộc chinh phục Bắc Cực của người Nga.

Ngày 5/12/1957, tàu phá băng Lenin được hạ thủy với chiều dài 134 mét, giãn nước 16.000 tấn, trang bị 3 lò phản ứng hạt nhân OK-150 với công suất 90 MW mỗi lò (sau này chúng được thay bằng 2 lò phản ứng OK-900 với công suất 171 MW mỗi lò) và có thể hoạt động liên tục trong suốt 12 tháng. Với mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ từ 18 – 22 kg Uranium-235 cho mỗi chu kỳ hoạt động 1 năm liên tục như vậy, con tàu mang tên lãnh tụ Lenin đã chứng minh ưu thế vượt trội của năng lượng nguyên tử so với nhiên liệu tàu biển truyền thống.

Trong suốt 30 năm hoạt động, tàu phá băng nguyên tử Lenin chạy được tổng cộng 654 nghìn hải lý (1,16 triệu km, tương đương gần 3 lần khoảng cách từ Trái Đất tới mặt trăng), trong đó quãng đường chạy phá băng là 563,6 nghìn hải lý (1,04 triệu km). Năm 1989, tàu Lenin được nghỉ hưu và được buông neo vĩnh viễn tại Murmansk, biến thành bảo tàng, di sản văn hóa của nước Nga với tư cách “người khổng lồ nguyên tử” đầu tiên trong công cuộc chinh phục Bắc Cực của loài người.

Arktika và Taymyr

Sau thành công của tàu Lenin, Liên Xô tiếp tục chế tạo hàng loạt 8 chiếc tàu phá băng nguyên tử khác với kích cỡ lớn cùng tính năng hoàn thiện hơn gồm 6 chiếc tàu lớp Arktika (Bắc Cực) và 2 chiếc chuyên hoạt động vùng nước nông thuộc lớp Taymyr (đặt theo tên bán đảo Taymyr – một vùng lãnh thổ Nga nằm gần Bắc Cực).

Những thế lực 'đáng gờm' ở Bắc Cực: Đội tàu phá băng nguyên tử độc nhất của Nga - 3
Con tàu “50 năm chiến thắng”, 1 trong 2 con tàu phá băng nguyên tử Arktika của Liên Xô còn phục vụ cho đến ngày nay.

Những con tàu thuộc lớp Arktik và Taymyr đều nằm trong số những con tàu phá băng lớn nhất thế giới với lượng giãn nước từ 21.000 (Taymyr) cho đến 23.000 tấn (Arktika). Trong khi tàu Arktika có mớn nước 11 mét thì lớp Taymyr chỉ có mớn nước 7,5 mét, đủ để hoạt động ở các vùng biển nông gần bờ hay thậm chí là trong các con sông.

Khi hoạt động ở chế độ phá băng, lò phản ứng OK-900A trên tàu lớp Arktika chỉ tiêu thụ khoảng 200 gam nhiên liệu uranium mỗi ngày, cho phép nó có thể hoạt động liên tục ít nhất 14 năm cho đến kỳ thay nhiên liệu. Cả hai lớp tàu Arktika và Taymyr đều được thiết kế với khả năng hoạt động liên tục không cần tiếp tế nhu yếu phẩm trong ít nhất 7 tháng rưỡi.

Do thời gian hoạt động liên tục trên biển dài ngày, những con tàu phá băng trên không những được thiết kế tối ưu cho việc phá băng, dẫn đường mà nó còn được trang bị nhiều tiện nghi không kém các du thuyền phục vụ du lịch khác. Ví dụ trên tàu Artika có 155 phòng ở cho thủy thủ đoàn, hầu hết đều là phòng đơn riêng tư, ngoài ra nó còn có phòng ăn sĩ quan, nhà ăn, một sảnh hòa nhạc, rạp chiếu phim, 2 nhà tắm hơi, bể bơi, phòng tập thể hình, thư viện, lớp học, hiệu làm tóc, phòng chụp ảnh và xưởng sửa chữa những thiết bị gia dụng.

Về mặt phục vụ y tế, trên tàu cũng được trang bị một bệnh viện với đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp với phòng mổ, phòng chụp X-quang, phòng thí nghiệm hay khu điều trị vô trùng.

Những thế lực 'đáng gờm' ở Bắc Cực: Đội tàu phá băng nguyên tử độc nhất của Nga - 4
Tàu phá băng Taymyr với mớn nước chỉ 7,5 mét có thể hoạt động dễ dàng ngay cả trong những con sông.

Hiện nay 4 chiếc tàu phá băng nguyên tử, 2 chiếc lớp Taymyr (Taymyr, Vaygach) và 2 chiếc lớp Arktika (Yamal, 50 Let Pobedy – 50 năm chiến thắng) vẫn đang phục vụ trong hạm đội tàu phá băng của Nga. Không chỉ làm nhiệm vụ mở đường cho các đoàn tàu hàng qua tuyến đường biển phương Bắc, chúng còn được sử dụng phục vụ cho những chuyến du lịch, thám hiểm Bắc Cực đắt tiền với chi phí lên đến 25 – 30.000 đô la mỗi người cho 1 hành trình kéo dài 15 ngày.

Huyền thoại Arktika trở lại

Liên Xô sụp đổ khiến ngành đóng tàu của nước Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không những bị các khó khăn chất chồng về kinh tế, họ còn gặp rất nhiều vướng mắc về chính trị khi nhiều thành phần quan trọng của ngành đóng tàu, như các nhà máy chế tạo động cơ được bố trí ở Ukraine, nay đã trở thành quốc gia hầu như không còn khả năng hợp tác khiến rất nhiều dự án chế tạo tàu biển, đặc biệt là các loại tàu có giãn nước lớn phải bỏ dở hoặc chậm tiến độ trầm trọng.

Tuy nhiên, ngành đóng tàu phá băng nguyên tử vẫn không bị bỏ bê và nước Nga đã quyết định khôi phục lại cái tên Arktika với đề án 22220.

Những thế lực 'đáng gờm' ở Bắc Cực: Đội tàu phá băng nguyên tử độc nhất của Nga - 5
Tàu phá băng Sibir thuộc đề án 22220 (lớp Arktika mới) đang hoàn thiện.

Lớp tàu Arktika mới có kích cỡ và năng lực phá băng vượt trội so với các tàu lớp Arktika và Taymyr của Liên Xô cũ. Nó có giãn nước đầy tải hơn 33,5 nghìn tấn, với khả năng phá được lớp băng dày tới 3 mét ( so với giãn nước 21-23 nghìn tấn và khả năng phá băng tối đa dày 2,1 mét của 2 lớp tàu cũ). Năm 2013, chiếc tàu đầu tiên của lớp này là Arktika được đặt ky và dự tính sẽ được hoàn thành và đi vào biên chế năm 2017.

Tuy nhiên, do khủng hoảng chính trị tại Ukraine, đồng nghĩa với việc Nga bị cắt nguồn cung động cơ tuốc bin khí từ Nhà máy tuốc bin Kharkov khiến việc chế tạo loại động cơ này phải chuyển sang Trung tâm Nghiên cứu Krylov. Sau 25 năm, lần đầu tiên Trung tâm Krylov mới phát triển lại loại động cơ tuốc bin này và đã giúp tàu Arktika kịp đi vào phục vụ vào ngày 21/10/2020.

Con tàu Arktika, cùng tên với con tàu phá băng Liên Xô 50 năm trước đã đánh dấu sự trở lại của nước Nga trong lĩnh vực đóng tàu phá băng nguyên tử. Nó có khả năng hoạt động liên tục 7 năm liền trước khi phải thay nhiên liệu hay 6 tháng không cần tiếp tế nhu yếu phẩm. Nhờ mức độ tự động hóa cao, mặc dù có giãn nước gấp rưỡi các tiền bối nhưng số thủy thủ đoàn tàu Arktika chỉ có 75 người, bằng một phần ba thủy thủ đoàn trên các tàu lớp cũ.

Không ngừng phát triển

Sau khi tàu Arktika đi vào phục vụ, Nga tiếp tục khởi đóng thêm 2 tàu phá băng thuộc đề án 22220 khác là Sibir và Ural. Cả hai con tàu này đều đã hạ thủy và đang trên con đường hoàn thiện để đi vào phục vụ trong năm 2021 hoặc 2022. Đây là những con tàu phá băng nguyên tử duy nhất, lớn nhất và hiện đại nhất thế giới. Tuy vậy, nước Nga vẫn chưa có ý định dừng lại với thiết kế này, họ vẫn tiếp tục nghiên cứu và triển khai những dự án lớn hơn và tham vọng hơn.

Nga - Trung "đồng sàng dị mộng" ở Bắc Cực Nga - Trung "đồng sàng dị mộng" ở Bắc Cực

Dù là đối tác ngày càng thân thiết, Nga tỏ ra cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực.

Nga khôi phục khu thử nghiệm vũ khí đặc biệt ở Bắc Cực Nga khôi phục khu thử nghiệm vũ khí đặc biệt ở Bắc Cực

Quân đội Nga khôi phục trở lại cơ sở thử nghiệm vũ khí ở vùng Bắc Cực, sau thời gian ngừng hoạt động khi Liên ...

Ngày đăng: 09:00 | 06/07/2021

/ vtc.vn