Năm 2018, nước ta hứng chịu 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều trận lũ dữ, sạt lở đất ập xuống trở thành nỗi kinh hoàng đối với người dân khắp các địa phương từ Nam ra Bắc.
Trong năm 2018, thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền của cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 22 đợt không khí lạnh và gió mùa đông bắc, 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng trên diện rộng; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; 43 đợt lũ trong đó có 14 trận lũ quét, sạt lở đất; lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam Bộ.
Tính đến 20/12, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Trong đó, các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa... là những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Lũ quét, sạt lở đất tại Lai Châu
Trong đợt mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Lai Châu là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đến nay, vẫn còn những nạn nhân bị vùi sâu dưới lớp bùn đất, chưa được tìm thấy.
Trận mưa lớn kéo dài từ 23 - 26/6 với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm được xem là trận lũ lịch sử trong hơn 50 năm qua tại Lai Châu và Hà Giang gây ra sạt lở đất và lũ quét kinh hoàng.
Tính đến sáng 27/6, tại Lai Châu đã có 15 người chết; 10 người mất tích; 11 người bị thương. Trong đó thiệt hại lớn nhất vẫn là huyện Sìn Hồ với 11 người chết, 6 người mất tích. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính lên tới khoảng 314 tỷ đồng.
Gia đình bà Vũ Thị Mai Phương (bản Chu Va 2, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu) bị thiệt hại nặng nề khi chồng bà cùng trại cá tầm trị giá hàng chục tỷ đồng bị lũ cuốn trôi. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Người dân và lực lượng chức năng cuốc đất tìm kiếm người mất tích bản Nậm Há, xã Noong Hẻo (Sìn Hồ, Lai Châu) do sạt lở đất. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Trong đoàn người cào bùn tìm kiếm thi thể, anh Lò Văn Sinh (SN 1976, bản Nậm Há, xã Noong Hẻo, Sìn Hồ, Lai Châu) cho rằng, đây là trận lũ lịch sử ở huyện Sìn Hồ vì chưa bao giờ anh chứng kiến trận lũ quét nào đáng sợ đến thế.
Anh Sinh cho biết, mấy ngày trước, Sìn Hồ có mưa liên tục, nước từ đỉnh núi theo con suối nhỏ đổ xuống thung lũng chảy mạnh và đục hơn bình thường.
Đến trưa 24/6, khi anh Sinh đang câu cá ở ao cách chân núi khoảng 500m thì nghe thấy tiếng động lớn. Anh nhìn lên thì thấy cả quả núi phía trước mặt đổ sụp xuống thung lũng.
Anh Lò Văn Xanh dùng đôi bàn tay trần bới đất đá tìm vợ con.
"Thấy vậy, tôi vội chạy lên ngọn đồi gần đó. Chỉ sau 5 phút, núi lở san phẳng các ngôi nhà, ao cá và cả những đám ruộng bậc thang, tất cả chỉ còn lại 1 bãi đất đá ngổn ngang", anh Sình cho hay.
Theo Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, mưa lớn chính là yếu tố kích hoạt tại các sườn dốc cao, địa hình đất có tính chất mềm, tơi, tạo ra rãnh sói khiến bùn và đá nhỏ, từ trên các sườn dốc đổ xuống tạo thành lũ quét ở phía dưới.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng, Chống thiên tai cho biết, nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sạt lở đất là do diễn biến phức tạp của thời tiết và do tác động của con người. Cụ thể như hành động của những hộ dân sống gần khu vực sông suối cố tình san bằng một góc đồi để làm nhà ở, mở đường đi một cách không tính toán… Ngoài ra, công tác quản lý, phòng chống thiên tai của chúng ta cũng chưa đảm bảo yêu cầu.
Yên Bái hứng chịu 2 cơn bão
Cơn bão số 3 đổ bộ tỉnh Yên Bái hồi tháng 7 khiến 29 người chết và mất tích. Về tài sản, có trên 3.870 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có gần 300 nhà bị sập trôi hoàn toàn; trên 2.000 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; hàng loạt tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc… Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng.
Nước lũ ùn ùn đổ về Nghĩa Lộ, Yên Bái. (Ảnh cắt từ clip)
Trận lũ và sạt lở đất sáng 20/7 tràn qua đã vùi lấp 6 ngôi nhà của người Thái tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), làm 11 ngôi nhà bị hư hỏng, 3 người chết và mất tích.
Người dân cho biết lúc đầu dòng nước chỉ chảy rất nhỏ, sau chảy thành nhiều đợt, 5 phút sau nước dâng lên nhiều hơn. "Thấy nguy hiểm, tôi liền hô hoán bà con chạy thoát thân, 1 tiếng sau, lũ ống xuất hiện cao tới cả chục mét ụp tới khiến một loạt ngôi nhà bị cuốn đi", người dân ở Yên Bái chia sẻ.
Tiếp đó đến tháng 8, cơn bão số 4 lại tiếp tục ảnh hưởng đến Yên Bái gây thiệt hại nặng nề hoa màu, tài sản.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 kéo dài từ đêm 16 – 18/8, tại Yên bái đã có lũ quét và sạt lở đất làm 130 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 3 nhà ở xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn bị trôi hoàn toàn; 124 nhà bị ngập; sạt lở taluy gây hư hỏng tài sản ở huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ; 3 nhà ở huyện Trạm Tấu cần phải di dời để đảm bảo an toàn.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Viện Địa chất, đất đá tại Yên Bái bị phong hóa rất mạnh, sản phẩm phong hóa bở rời kém kết dính. Lượng mưa kéo dài trong cả tháng 6 sang đầu tháng 7 làm cho đất đá, lớp phủ rất dễ bị bão hòa, sạt lở.
Toàn bộ thung lũng bị sạt lở, đất đá dồn xuống lòng suối, chất đống lại như 1 cái đập tự nhiên. Nước dâng lên tới độ cao 6m, trên bờ là 2m. Khi tiếp tục mưa, đập tự nhiên bị vỡ, nó trôi đi hỗn hợp nước, bùn và đá.
Ngập lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội)
Do ảnh hưởng của mưa lớn từ ngày 18/7, nhiều xã trong huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị ngập úng nặng kéo dài. Ngập lụt trong hơn nửa tháng, đã khiến cho hàng nghìn hộ dân phải di tản khỏi nơi ở, tài sản hoa màu, chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề.
Có 6.097 khẩu thuộc 3635 hộ bị ngập, phải sơ tán nơi ở để tránh ngập lụt, hơn 1.000 ha lúa bị thiệt hại, hàng trăm con gia súc bị chết... là những thiệt hại trong những sự cố tràn đê vào nhà các hộ dân ở Chương Mỹ.
Vào ngày 29/7, mực nước tại đê sông Bùi dâng cao, hàng trăm chiến sĩ cùng người dân xã Thanh Bình được huy động đắp bao cát ngăn nước tràn đê. (Ảnh: Phạm Chiểu)
"Năm ngoái vỡ đập, nước tràn về nhanh, nhà tôi mất một con lợn sề và đàn vịt. May mắn, năm nay, nước về chậm hơn. Lúc đầu chúng tôi di chuyển đàn lợn xuống bếp, nhưng nước dâng ngập cả bếp nên đành phải cho chúng lên nhà. Dù nước rút nhưng chúng tôi vẫn lo môi trường ô nhiễm, đàn lợn con dễ bị bệnh lắm", bà Doãn Thị Vy (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ.
Theo cơ quan khí tượng, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, ngày 18-21/7 lưu vực sông Bùi mưa rất to, tới 300-400 mm. Ngày 27-29/7, khu vực này tiếp tục hứng lượng mưa gần 400mm.
Mưa to trong thời gian ngắn khiến nước từ thượng nguồn sông Bùi từ Hòa Bình đổ về vùng thấp hơn là Chương Mỹ, kết hợp với mưa tại chỗ khiến các xã vùng trũng như Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến ngập sâu.
Theo nhiều chuyên gia thủy văn, khả năng thoát lũ của sông Bùi phụ thuộc vào sông Đáy và Hoàng Long (Ninh Bình). Do nước sông Bùi đổ ra sông Tích và từ đây dẫn ra sông Đáy. Nước sông Đáy đổ ra sông Hồng và Hoàng Long. Tuy nhiên, 2 con sông này thoát chậm nên mực nước sông Bùi rút chậm.
Khánh Hòa liên tiếp chịu ảnh hưởng 2 cơn bão mạnh
Những ngày cuối tháng 11, hoàn lưu cơn bão số 8 khiếnTP Nha Trang (Khánh Hòa) xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất. Tính đến 19/11, cơ quan chức năng ghi nhận có 14 người chết, 4 người mất tích ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ sạt lở sáng 25/11 ở xã Phước Đồng. (Ảnh: Thanh Hải)
Sự cố vỡ hồ bơi trên đỉnh Hòn Xện kèm theo lũ quét đã tàn phá khu vực tổ dân phố 1 (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) khiến 4 người trong gia đình thầy giáo thiệt mạng, là vụ việc thương tâm trong trận thiên tai tại Khánh Hòa vừa qua.
"Khi tôi đang ăn cơm, nghe một tiếng nổ lớn như bom, rồi đá tảng cùng nước chảy mạnh như thác đổ theo sau. Hoảng hốt, tôi hô hoán vợ, con cùng bà con lối xóm tháo chạy ra khỏi nhà tìm hướng thoát thân", một người dân sống nơi đây kể lại.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc phát triển kinh tế xã hội ở núi Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) rất mạnh, nhà cửa đã được xây dựng ven chân núi, chính bởi vậy khi xảy ra sạt lở, hậu quả rất lớn.
Việc phát triển kinh tế xã hội khu vực này đã không lồng ghép với phòng chống rủi ro thiên tai nên khi thiên tai xảy ra, hậu quả rất lớn.
Nguyên nhân thứ hai, do lượng mưa quá lớn ngoài sức tưởng tượng và ngoài khả năng dự báo, chỉ 12 tiếng mà tổng lượng mưa đạt 300mm, mưa xảy ra ở địa hình hẹp dốc khiến nước, đất đá trôi nhanh theo các khe suối đổ xuống chân núi, nơi có nhà cửa san sát. Theo các chuyên gia dự báo, đây là mưa cực đoan nên rất khó lường trước.
Khi những thiệt hại do trận bão trước chưa kịp khắc phục thì đến 25/11, do ảnh hưởng bão số 9, TP Nha Trang (Khánh Hòa) xuất hiện mưa lớn khiến nhiều tuyến phố như: Quốc lộ 1, Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ... chìm trong biển nước.
Bão số 9 còn gây sạt lở nghiêm trọng tại thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng làm giao thông bị chia cắt, hàng trăm người dân tháo chạy tán loạn.
Miền Bắc hứng chịu đợt rét đậm, rét hại kỷ lục 10 năm Những ngày cuối năm 2018, đợt rét đậm, rét hại được coi là khắc nghiệt nhất trong vòng 10 năm tấn công các tỉnh miền Bắc.
Từ ngày 28/12, không khí lạnh tăng cường mạnh và ảnh hướng đến toàn bộ Bắc Bộ và một phần Bắc Trung Bộ, trời chuyển rét, vùng núi có rét đậm.
Đặc biệt, từ ngày 29 và 30/12, khu vực Bắc Bộ chuyển sang rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ giảm sâu xuống khoảng 8-11 độ C, vùng núi chỉ từ 4-7 độ C, vùng núi cao xuống dưới 3 độ C.
Những khu vực cộ cao trên 1.500m nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và có khả năng xuất hiện mưa tuyết và băng giá.
“Đợt không khí lạnh này là đợt mạnh nhất mùa đông năm nay và có thể so sánh với những đợt kỷ lục của các năm trước. Xấp xỉ gần bằng với đợt rét đậm rét hại ở khu vực Bắc Bộ trong năm 2008”, chuyên gia thời tiết nhận định.
Ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết – Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết điều đáng ngại của đợt không khí lạnh này là nó sẽ kéo dài cho đến ngày 3-4/1/2019 với khả năng băng giá sẽ kéo dài.
“Nguy cơ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cây trồng vật nuôi và sức khỏe con người là rất lớn, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Chúng tôi khuyến cáo người dân, đặc biệt là người dân ở vùng núi cần phải có biện pháp đảm bảo sức khỏe, giữ ấm, nhất là với trẻ nhỏ và người già. Ngành nông nghiệp cần có biện pháp phòng chống, bảo vệ mùa màng, cây trông và vật nuôi ngày từ bây giờ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng và thiệt hại", ông Năng khuyến cáo.
Đối với khu vực Hà Nội, ông Trần Quang Năng cho biết: “Đợt không khí lạnh này sẽ gây mưa và rét hại ở Hà Nội trong những ngày tới với nhiệt độ thấp nhấp có thể xuống dưới 10 độ C. Tại Đà Nẵng cũng có mưa to đến rất to, đặc biệt từ ngày 29 đến 31/12 còn TP.HCM tiếp tục có mưa dông trong 2-3 ngày tới, sau đó giảm dần”.
Thiên tai làm 218 người chết và mất tích, gây thiệt hại 20.000 tỷ Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng thiệt hại do thiên tai năm 2018 giảm so ... |
Cảnh báo về "trận đại chiến" với thiên tai Trong tương lai không quá xa, thiên tai sẽ không xảy ra một lần một vụ mà có thể nhiều vụ cùng lúc do tác ... |
Ngày đăng: 19:06 | 30/12/2018
/ https://vtc.vn