Vào ngày 30-4-1945, Adolf Hitler và người tình Eva Braun đã tự sát trong boongke ở Berlin trước khi Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện. Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) mới đây đã công bố tài liệu mật liên quan đến những giờ khắc cuối cùng của trùm phát xít.
Tài liệu giải mật sau 77 năm
Hôm 29-4, FSB đã giải mật các tài liệu liên quan đến Trung tướng Hans Baur (phi công riêng của Hitler) đồng thời cho biết thêm, hồ sơ vụ án được lưu giữ tại chi nhánh khu vực Novgorod của FSB.
Trung tướng Hans Baur cố thủ trong boongke của mình cho đến những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai. Hồng quân đã bắt được Baur vào ngày 2-5-1945 và đưa ông ta đến Matxcơva để đối mặt với các tội ác chống lại thường dân và tù nhân chiến tranh. Ông ta bị kết án 25 năm tù vào năm 1950, nhưng được trả tự do vào năm 1955. Baur trở về Tây Đức năm 1957 và qua đời năm 1993 ở tuổi 95.
Tài liệu được giải mật của FSB bao gồm hồ sơ bắt giữ Baur được đề ngày 13-12-1945, bản khai viết tay của ông ta ngày 1-10-1945 cũng như lời khai dài 12 trang trong thời gian thẩm vấn từ ngày 19 đến 22-12-1945. “Tôi biết được hầu hết sự kiện chính cho đến khi Đức Quốc xã sụp đổ và đầu hàng hoàn toàn” - viên phi công này khai nhận.
Theo đó, khoảng thời gian cuối cuộc chiến, Hitler làm việc 21 giờ/ngày, từ 9h ngày hôm trước đến 6h hôm sau. Ban đầu, ông trùm phát xít tỏ thái độ lạc quan với các cộng sự thân cận khi lực lượng Đồng minh tiến dần về Berlin. “Hitler đã cho chúng tôi biết vào những ngày đầu tiên của tháng 4, rằng ông ta sẽ ở lại Berlin cho một trận chiến quyết định ở đó. Chúng tôi không thích điều này” - Baur khai. Mặc dù vậy, Baur nói rằng mình luôn chuẩn bị sẵn một phi đội trong trường hợp Hitler đổi ý và rời Berlin.
Cuộc gặp cuối cùng
Trong tài liệu được giải mật, ông Baur mô tả cuộc trò chuyện cuối cùng của ông với Hitler vào ngày 30-4-1945. Ngày định mệnh đó, Adolf Hitler gọi viên phi công của mình vào và nói: “Baur, tôi muốn nói lời từ biệt và cảm ơn anh vì tất cả những năm tháng phục vụ đã qua. Hãy cố gắng rời khỏi đây đi”. “Ông ấy trông rất già và hốc hác. Tay ông ấy run rẩy và tôi thấy rõ ông ấy đã đưa ra quyết định cuối cùng là tự sát” - Baur kể về Hitler. Viên phi công nói rằng khi cố gắng khuyên can Quốc trưởng thì nhận được câu trả lời: “Những người lính của tôi không thể và không muốn cầm cự nữa. Tôi không thể chịu đựng được”.
Hitler tiết lộ với ông Baur rằng, ông ta đã ra lệnh cho binh sĩ phải đốt xác mình và người tình ngay lập tức sau khi chết. Hitler giải thích, sở dĩ ông ta muốn như vậy là do lo sợ sẽ có số phận tương tự nhà độc tài người Ý Benito Mussolini và tình nhân. Sau vụ hành quyết vào tháng 4-1945, thi thể của Mussolini và người tình đã bị đem treo công khai ở Milan.
Cũng theo lời khai của Baur, Hitler muốn tặng ông bức tranh yêu thích của mình - bức chân dung vua Phổ Frederick Đại đế do danh họa Rembrandt vẽ. Cuộc gặp của ông ta với Hitler kết thúc bằng lời nói với Quốc trưởng: “Một thời gian sau, người ta sẽ phải viết trên bia mộ của tôi: Ông ta đã trở thành nạn nhân của các tướng lĩnh dưới quyền”. Sau cuộc trò chuyện, Baur mất vài giờ để thiêu hủy tài liệu và chuẩn bị rời Berlin. Khi quay lại nơi ở của Hitler để lấy bức họa của Rembrandt, viên phi công phát hiện ra mọi thứ đã kết thúc. Xác của Hitler và Braun đã bị thiêu. “Hành lang đầy khói. Vài lính SS chạy lên chạy xuống. Tôi hỏi: “Mọi chuyện đã kết thúc chưa?”, họ trả lời: “Đã xong”. Baur còn nói, một số lính canh đã kể lại cho ông ta rằng thi thể của Hitler và người tình đã được quấn trong chăn, tẩm xăng và thiêu hủy. “Sau đó, tôi được biết rằng Hitler đã tự bắn mình... Ai đó bảo: “Chúng ta cần phải lau sạch những vũng máu…” - ông kể lại.
Kế hoạch được định sẵn
Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Hitler cùng người tình và một số tay chân đã ở dưới hầm ngầm Fuhrerbunker từ tháng 1-1945. Nơi đây được bảo vệ bởi lớp bê tông dày hơn 3m. Đến trưa 29-4, ông trùm phát xít bất ngờ tuyên bố làm lễ cưới với Eva Braun khi bọn họ vẫn đang ở trong boongke trú ẩn, nằm dưới khu vườn Reich Chancellery tại Berlin. Thời điểm đó, xe tăng Nga đã vào trung tâm, nên ở trên mặt đất không còn an toàn nữa. Đáng nói, Hitler từng khăng khăng sẽ không bao giờ kết hôn vì phụ nữ có thể gây ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, khi gặp Eva, người kém 23 tuổi, lần đầu vào tháng 10-1929 khi cô là trợ lý nhiếp ảnh tại Munich, Hitler đã cảm mến và thay đổi ý định. Tư liệu về đám cưới đặc biệt này ghi lại một chi tiết lạ là Hitler thường không uống rượu thì hôm đó đã cầm một ly Hungary với đường, Eva uống champagne. Cộng sự của Hitler bị ấn tượng bởi sự bình thản của Eva. Họ chúc mừng cô ta và có thể thấy mắt người phụ nữ đó sáng lên.
Hitler ăn trưa cùng Eva Braun cách đó vài giờ và 2 thư ký. Khi ăn, Hitler ra lệnh không ai được nói đến những vấn đề khó khăn, nan giải. Tuy nhiên, trong bữa ăn hôm đó, bỗng nhiên Hitler lại nói: “Dù còn sống hay đã chết, ta cũng không bao giờ rơi vào tay kẻ thù. Ta muốn hỏa thiêu thi thể ngay sau khi chết để không ai có thể tìm thấy di hài của ta. Cách tốt nhất để tự sát đó là bắn vào miệng. Khi hộp sọ vỡ chúng ta sẽ không cảm nhận được bất cứ đau đớn nào và chết ngay lập tức”. Nghe vậy, Eva vô cùng kinh hoàng nói: “Em muốn là một xác chết xinh đẹp. Em sẽ uống thuốc độc. Em sẵn sàng chết nhưng không muốn chết trong đau đớn”.
Sau đám cưới, các đơn vị Hồng quân chỉ còn cách hầm ngầm 500m. Hitler đọc cho thư ký 2 bản di chúc, gồm di chúc cá nhân và di chúc chính trị, trong đó trao quyền tối cao cho Đô đốc Denitz và quyền Thủ tướng cho Goebbells. Lúc này, hầm ngầm đã mất liên lạc với bên ngoài và không thể biết điều gì đang diễn ra trên mặt đất. Chiều 30-4, tướng Krebs báo cáo: “Quân Nga đã tiến đến sát cửa Bộ chỉ huy đế chế”. Hiểu rằng sẽ không có lối thoát nào và sẽ bị Hồng quân bắt sống, Hitler quyết định kết liễu cuộc đời.
Khoảng 16h30, cấp dưới mở cửa phòng thì nhìn thấy Hitler nằm trong một góc phòng, sau ghế đi-văng, lọ thuốc độc xyanua dưới chân. Ông ta được cho là đã tự sát bằng cách tự bắn vào đầu mình. Còn Eva Braun ngồi ở một góc khác với khuôn mặt trắng bệch. Cả hai đều đã chết. Chỉ 2 ngày sau, Đức Quốc xã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh, đồng nghĩa Thế chiến thứ hai kết thúc và điều này cũng chấm dứt giấc mơ của Quốc trưởng về một “đế chế 1.000 năm”.
Trong nhiều năm, câu chuyện tự sát của Hitler là chủ đề tranh cãi. Năm 2009, các nhà nghiên cứu Mỹ khẳng định mảnh sọ được trưng bày trong một cuộc triển lãm ở Moscow không phải của Hitler. Vasily Hristoforov - người đứng đầu cơ quan lưu trữ của FSB khi đó đã bác bỏ tuyên bố này và nói rằng, cuộc điều tra pháp y của Liên Xô đã xác thực tro cốt là của Hitler. Tro cốt của Hitler được chôn cất tại Magdeburg (Đức) vào năm 1946, nhưng Liên Xô lo ngại nơi này có thể trở thành thánh điện của những người theo chủ nghĩa phát xít, vì vậy họ đã bí mật khai quật ngôi mộ vào năm 1970 và hủy những thứ bên trong.
Ngày đăng: 09:50 | 08/05/2022
/