Nhiều tàu ngầm Nga đã gặp sự cố nghiêm trọng khi vận hành, gây thương vong lớn và tổn thất khí tài trong 20 năm qua.
Tàu ngầm nghiên cứu của hải quân Nga hôm 1/7 bốc cháy khi đang khảo sát đáy biển khiến 14 người thiệt mạng do ngạt khói, trong đó có hai người từng được trao danh hiệu "Anh hùng Nga", danh hiệu cao quý nhất của nhà nước Nga, 7 người khác là các đại tá hải quân. Đây không phải là lần đầu lực lượng tàu ngầm Nga hứng chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong các sự cố cháy nổ.
Thảm kịch tàu ngầm Kursk xảy ra ngày 12/8/2000, chỉ hơn ba tháng sau khi Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống Nga, là một trong những sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử hải quân Nga.
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình này gặp sự cố khi tham gia "Mùa hè-X", cuộc tập trận lớn nhất của hải quân Nga trong hơn 10 năm. Đợt tập trận có sự góp mặt của hơn 30 tàu chiến, bao gồm soái hạm Peter Đại đế, 4 tàu ngầm tấn công và nhiều biên đội tàu mặt nước.
Trong ngày đầu tập trận, tàu ngầm Kursk phóng thành công một tên lửa Granit mang đầu đạn giả. Hai ngày sau, thủy thủ đoàn chuẩn bị phóng ngư lôi huấn luyện Type-65 nhằm vào tàu Peter Đại đế. Ngư lôi này không mang đầu đạn, được sản xuất và kiểm tra với quy chuẩn chất lượng thấp hơn đạn chiến đấu.
Cuộc điều tra kết luận một vụ nổ xảy ra trong khoang chứa ngư lôi trong quá trình này, dẫn tới cháy lớn và kích nổ toàn bộ vũ khí trên tàu.
Nhóm điều tra hải quân Nga nhận định vụ nổ bắt nguồn từ HTP, dạng cô đọng của hydrogen peroxide, vốn được dùng làm nhiên liệu cho ngư lôi Type-65. Một mối hàn lỗi trên vỏ ngư lôi khiến HTP rò rỉ ra ngoài. Khi tiếp xúc với nước biển và một chất xúc tác, nó nhanh chóng giãn nở với thể tích gấp 5.000 lần ban đầu, tạo ra lượng lớn hơi nước và oxy.
Áp lực từ phản ứng làm thủng bồn nhiên liệu kerosene trên ngư lôi, gây vụ nổ đầu tiên tương đương với 100-250 kg thuốc nổ TNT lúc 11h28 ngày 12/8. Vách ngăn giữa khoang ngư lôi và trung tâm chỉ huy không chặn được sóng xung kích của vụ nổ, do hai khoang được nối bằng ống thông khí mở, khiến 36 người trong khoang chỉ huy thiệt mạng ngay lập tức.
|
|
Xác tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
140 giây sau, ngọn lửa từ vụ nổ đầu tiên kích hoạt 5 đầu đạn ngư lôi trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, gây ra vụ nổ thứ hai tương đương 3-7 tấn TNT, tạo ra lỗ thủng lớn trên vỏ tàu, phá nát ba khoang đầu tiên và khiến Kursk chìm xuống biển. 95 trong tổng số 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng ngay sau hai vụ nổ. Chỉ có 23 người ở khoang số 9 cuối tàu sống sót, nhưng nỗ lực cứu hộ thất bại khiến họ tử vong vì thiếu oxy sau đó vài ngày.
"Tôi thậm chí không biết có một cuộc tập trận lớn đang diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó là Igor Sergeyev gọi điện cho tôi, nói rằng hải quân mất một tàu ngầm nhưng đã tìm thấy nó, khẳng định công việc cứu nạn đang được tiến hành. Ban đầu chúng tôi không biết đã có thảm kịch, mọi việc chỉ trở nên rõ ràng về sau", Tổng thống Putin nhớ lại.
Thảm họa tàu ngầm Kursk là một trong những sự cố gây thương vong nhiều nhất trong lịch sử tàu ngầm quân sự thế giới, chỉ xếp sau vụ chìm tàu USS Thresher của Mỹ năm 1963 làm 129 người thiệt mạng. Đây cũng là một trong nhiều sự kiện thúc đẩy cải cách toàn diện trong quân đội Nga, nhằm khôi phục tiềm lực quốc phòng và khả năng sẵn sàng chiến đấu trong thế kỷ 21.
Thảm kịch tiếp theo diễn ra trên K-152 Nerpa, tàu ngầm hạt nhân tấn công thuộc Đề án 971 Shchuka-B. Ngày 8/11/2008, con tàu ra khơi thử nghiệm ở Thái Bình Dương và gặp sự cố lúc 20h30 ở vùng biển ngoài khơi thành phố Vlapostok. Trên tàu lúc đó có tổng cộng 208 người, gồm 81 quân nhân và 127 nhân viên dân sự.
Trong sự cố này, hệ thống chữa cháy trên tàu bị kích hoạt bất ngờ, khóa kín hai khoang ở mũi tàu và xả ra hỗn hợp khí dập lửa, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 21 người bị thương. Đây được đánh giá là thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất của Nga sau vụ chìm tàu ngầm Kursk.
Những người sống sót cho biết các nạn nhân hoàn toàn bị bất ngờ, không được báo động kịp thời do hệ thống còi báo động chỉ vang lên sau khi khí dập lửa đã tràn vào khoang tàu. Một số người không kịp đeo thiết bị cung cấp dưỡng khí và chết ngạt.
|
|
Tàu ngầm Nerpa khi còn trong biên chế hải quân Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Hai ngày sau, hải quân Nga khẳng định sự cố bắt nguồn từ "hoạt động bất thường" của hệ thống dập lửa trên tàu Nerpa, cho rằng hệ thống chữa cháy đã tự kích hoạt mà không có sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, đến ngày 13/11, các nhà điều tra tuyên bố một thủy thủ đã bật hệ thống cứu hỏa "khi chưa được phép và không có lý do chính đáng".
K-152 Nerpa sau đó được Ấn Độ thuê trong 10 năm với chi phí khoảng 670 triệu USD. Tàu được bàn giao ngày 30/12/2011 sau một loạt thử nghiệm và mang tên INS Chakra trong biên chế hải quân Ấn Độ. Tháng 10/2017, INS Charka bị thủng một lỗ lớn ở khoang chứa hệ thống định vị thủy âm (sonar) khi vào cảng Visakhapatnam. New Delhi tiêu tốn khoảng 20 triệu USD để sửa chữa hư hại.
Ngày 29/12/2011, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Ekaterinburg thuộc Đề án 667 BDRM bốc cháy khi đang bảo dưỡng trên ụ nổi tại nhà máy đóng tàu ở thành phố Murmansk. Vụ cháy kéo dài 9 giờ, ngọn lửa bốc cao tới 10 m và khiến ít nhất 7 người bị thương.
Các quan chức Nga khi đó cho biết không có nguy cơ rò rỉ phóng xạ do lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã ngừng hoạt động và mọi vũ khí đều được tháo dỡ. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin năm 2018 thừa nhận tàu Ekaterinburg vẫn còn đầy đủ 16 tên lửa đạn đạo tầm xa R-29RM Shtil, mỗi quả mang 4 đầu đạn hạt nhân vào thời điểm xảy ra vụ cháy.
Trước cuộc không kích Syria, tàu ngầm Nga đã bí mật bám theo tàu ngầm Anh
Một tàu ngầm của Nga được cho là đã bám đuôi một tàu ngầm khác của Anh trước khi cuộc không kích tại Syria diễn ... |
Tranh cãi về tuyên bố tàu ngầm hạt nhân Nga áp sát căn cứ hải quân Mỹ
Giới phân tích tỏ ý nghi ngờ việc hải quân Mỹ không phát hiện được tàu ngầm hạt nhân Nga đến gần căn cứ của ... |
Duy Sơn (Theo Drive)
Ngày đăng: 08:59 | 04/07/2019
/ https://vnexpress.net