Một nhà báo đặt tôi viết về vụ việc bắt các cựu quan chức Bệnh viện Bạch Mai, nói về cảm nghĩ của tôi trên tư cách một bác sĩ.
Tôi đã từ chối vì quá gấp, và cũng e ngại nếu trên tư cách một bác sĩ để nói về những đồng nghiệp của mình. Nhưng trong thâm tâm, từ khi nghe chuyện nâng khống giá robot hỗ trợ điều trị phẫu thuật thần kinh xảy ra ở Bạch Mai, tôi đã thấy rất buồn. Ai không đau đớn khi những người hôm trước mình vẫn gặp gỡ thường xuyên nay lại rơi vào vòng lao lý. Ai không buồn khi cái tên Bạch Mai lại bị nhắc đến như nơi có bộ máy tham nhũng, bóc lột những đồng tiền của người bệnh?
Tôi muốn bắt đầu bằng hai câu chuyện tưởng như không hề liên quan. Đó là Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Tôn Đức Thắng. Một trường học mất người đứng đầu và một nơi người cựu đứng đầu bệnh viện bị bắt giữ. Các cán bộ nhân viên và học viên của hai đơn vị, số lượng cũng tương đương nhau, là những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Cơ chế hoạt động của họ đều là tự chủ với trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu rất lớn, có thể ví như các "thuyền trưởng" thực thụ. Lái tàu sai hay đúng hướng, trong tay họ cả. Vậy nên, khi hai thuyền trưởng bị ngã ngựa, công luận mới hiểu được những gì đã và đang diễn ra bên trong hai đơn vị này.
Cho dù có bao biện vì bất cứ lý do gì, cán bộ nhân viên của hai đơn vị này, hơn ai hết, đều hiểu ít nhiều những việc diễn ra trong nội bộ mình. Vậy nhưng sau bao tháng ngày biết được những bất công, phi logic trong các hoạt động tài chính, tổ chức nhân sự của tổ chức mà không một ai lên tiếng. Tôi không tin họ không lên tiếng vì cùng được hưởng lợi từ những "kẽ hở" của luật pháp. Những miếng bánh béo bở chắc chắn chỉ rơi vào một nhóm người rất nhỏ có chức có quyền. Còn số đông kia, họ không lên tiếng là do một nỗi sợ luôn hiện hữu ở trên đầu các nhân viên thấp cổ bé họng: sợ "trù dập".
Phải chăng nỗi sợ này là đặc trưng của người lao động chúng ta? Sau bao nhiêu năm sống dưới thời bao cấp, với suy nghĩ cuộc sống của mình đã có người khác lo, không cần quan tâm đến chuyện chung, cố sống hiền lành, khuôn phép để được bình an. Tâm lý ấy được "di truyền" đến các thế hệ tiếp theo.
"Thủ thường" luôn là lời căn dặn của bố mẹ, thầy cô. Kết quả là những bất công diễn ra hàng ngày trong cuộc sống đều được tặc lưỡi cho qua với cái lắc đầu chán nản "đời là thế, ai lên rồi cũng vậy mà thôi". Thậm chí còn có những ý nghĩ tiêu cực hơn khi cho rằng đấy là chuyện của người khác, may quá không ảnh hưởng gì đến mình, may quá không rơi vào mình và gia đình mình.
Tâm lý vừa sợ vừa vô cảm ấy theo tôi chính là căn nguyên của rất nhiều các bất công của xã hội hôm nay, là nguyên nhân chính làm chậm sự phát triển của đất nước. Không thể đổ tất cả cho thể chế vì trong mọi cương lĩnh hành động của các tổ chức chính trị xã hội thì đấu tranh cho cái đúng, phanh phui các hiện tượng tiêu cực hay đề cao sự tốt đẹp, tiến bộ luôn được nhắc đến không dưới một lần.
Hệ thống giáo dục không đề cao tính phản biện là một nguyên nhân sâu xa của nỗi sợ này. Tôi đã từng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về triết lý giáo dục của Việt Nam, chúng ta đừng chọn những từ đao to búa lớn mà hãy xin ba chữ cho nền giáo dục Việt Nam, đó là "không nói dối".
Vấn đề tự chủ trong y tế, giáo dục là một đề tài tôi xin phép sẽ sớm quay lại trong một bài viết khác. Nhưng khả năng rất cao đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến hậu quả đáng buồn ngày hôm nay. Không ai phủ định xu thế tất yếu cần xóa bỏ bao cấp, nhưng tự chủ, xã hội hóa mà biến tài sản công, thương hiệu công sau nhiều năm gây dựng lại thành sở hữu của một vài cá nhân là nỗi lo lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Một thương hiệu hơn 100 năm Bạch Mai biến thành bệnh viện tự chủ. Lo kiếm đủ tiền để nuôi quân là việc quá dễ dàng nhưng vai trò "rường cột" của nền y tế với việc chữa trị cho những bệnh nhân khó khăn, nghèo khổ mà hiệu quả kinh tế chắc chắn không có sẽ ra sao? Ngược lại, một đại học non trẻ như Tôn Đức Thắng, tự chủ là hướng đi bắt buộc. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên can thiệp vào việc xây dựng hành lang pháp lý và thanh kiểm tra. Việc vận hành bộ máy phải tuân theo cơ chế thị trường với chất lượng sản phẩm đầu ra là thước đo có giá trị nhất.
Một đất nước muốn "sánh vai với các cường quốc" không thể không có nền khoa học kỹ thuật vượt trội. Với nỗi sợ bao trùm những nhà khoa học, thiếu tính phản biện, không tôn trọng chân lý của sự thật bất biến... đích đến của chúng ta còn xa lắm.
Cuối cùng, quay trở lại hai vụ việc, chúng ta không thể không nhắc đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của cả hai đơn vị này. Những bất cập hay khó khăn chắc chắn đã đến tai các vị lãnh đạo cấp cao hơn, nhưng vì những lý do công chúng không thể biết được mà họ đã không có các biện pháp để chấm dứt hay thay đổi hiện trạng. Phải chăng họ cũng sợ? Nhưng chắc rằng nỗi sợ của họ không giống như "dân thường". Họ sợ khi mọi việc phanh phui, hệ thống đang ổn định, mang lại bổng lộc và danh tiếng bị phá vỡ?
Hai ngành an sinh xã hội quan trọng, ngành y và ngành giáo của tôi, đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Chúng tôi muốn thay đổi, nhưng chắc không thể trong ngày một ngày hai và cũng không thể chỉ một nhóm người trong chúng tôi làm được. Chỉ tin và hy vọng rằng, chúng ta còn rất nhiều những nhà giáo, y bác sĩ nhiệt tâm với nghề.
Nguyễn Lân Hiếu
Nỗi sợ
Tháng Ba năm 2017, một người cha đến dự buổi toạ đàm về việc nên im lặng hay lên tiếng trước nạn xâm hại tình ... |
Ngày đăng: 07:54 | 29/09/2020
/ vnexpress.net