Việc nhiều nền kinh tế trên thế giới vừa đồng loạt tăng lãi suất cơ bản được xem là giải pháp nhằm kìm hãm lạm phát phi mã cao đang tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô cũng như cuộc sống người dân, song biện pháp được xem là cực chẳng đã này lại tiềm ẩn những nguy cơ, hệ lụy khó lường.

Những nguy cơ trước làn sóng tăng lãi suất toàn cầu ảnh 1

Làn sóng tăng lãi suất trên thế giới có thể khiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, tác động tiêu cực đến đời sống người dân kể cả ở các nước phát triển

Cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cảnh báo cho rằng, việc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất cơ bản sẽ gây thêm nhiều rủi ro cho nền kinh tế các nước cũng như kinh tế toàn cầu. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương công bố lãi suất ở mức cao nhất kể từ năm 1970 tới nay.

Trước làn sóng tăng lãi suất đang bao phủ các nền kinh tế khắp thế giới, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với lạm phát cao và tăng trưởng suy giảm. Trong đó có những nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động tới việc tình trạng lạm phát phi mã, cũng là nhân tố cản trở tăng trưởng của các nền kinh tế.

Thoạt đầu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tác động nặng nề tới nền kinh tế nên nhiều nước đã thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, hạ lãi suất, đưa tiền mặt ra hỗ trợ người dân. Đòn bẩy tài chính này nhằm góp phần giúp kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục nhanh hơn nhưng lại dẫn đến hệ lụy lạm phát tăng cao.

Lạm phát càng tăng cao hơn khi chịu thêm tác động từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine khiến lượng thực, năng lượng không chỉ khan hiếm, đứt gãy nguồn cung mà còn tăng giá cao. Tất cả điều đó tạo áp lực mạnh đẩy lạm phát tăng cao ở hầu khắp các nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ.

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua tăng lãi suất để hút tiền về, đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa. Trong động thái được thế giới dõi theo sát sao, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, là ngân hàng Trung ương Mỹ) vào ngày 22-9 vừa qua đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Đây là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất (sau 2 lần tăng liên tiếp cùng 0,75 điểm % trước đó) nhằm hạ nhiệt lạm phát ở nước Mỹ, hiện ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.

Thế giới gần như phản ứng tức thì sau quyết định tăng lãi suất cơ bản của Mỹ. Từ châu Á đến châu Âu, một loạt ngân hàng trung ương trong ngày 22-9 công bố quyết định tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đã đồng loạt tăng lãi suất cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%. Theo đó, lãi suất cơ bản của Philippines hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8-2019, trong khi đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Ngân hàng Trung ương Indonesia tăng lãi suất cơ bản đề kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ, điều được cho nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.

Tại châu Âu, các ngân hàng trung ương Na Uy và Thụy Sĩ cũng có bước đi tương tự. Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản lên mức 2,5%. SNB khẳng định việc tăng lãi suất là cần thiết để đối phó với sức ép lạm phát gia tăng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, lên 2,25%. Đây sẽ là lần thứ 2 trong 2 tháng liên tiếp, BoE điều chỉnh tăng lãi suất với “bước nhảy” lớn nhất kể từ năm 1995.

Đi trước FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào đầu tháng 9 này đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng 20 năm trước. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ hai chỉ trong vài tuần qua nhằm đối phó với lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, lên tới lên 9,1% trong tháng 8 vừa qua.

Nhiều hệ lụy từ làn sóng tăng lãi suất

Nhìn nhận về làn sóng tăng lãi suất tại nhiều nền kinh tế thế giới hiện nay, WB cho rằng, việc ngân hàng trung ương các nước đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng có thể sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái sâu hơn. Do đó, theo định chế tài chính này, các nước cần tham khảo cách thức các nền kinh tế tiên tiến đã cùng hạ giá đồng USD vào giai đoạn 1985-1987 để có thể đưa ra sự phối hợp nhằm giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

 

Nhiều ý kiến quan ngại việc tăng lãi suất trên diện rộng, song thiếu sự phối hợp và tính toán các tác động tới nhu cầu toàn cầu có thể dẫn tới các tổn hại không đáng có đối với nền kinh tế thế giới. Việc tăng lãi suất và thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa lại có nhiều tác động tiêu cực, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Việc Mỹ tăng lãi suất cũng đã thúc đẩy đồng USD tăng giá, dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỉ giá ở nhiều quốc gia, khu vực. Chỉ số đồng USD tăng mạnh nhất trong 38 năm qua: tăng 19% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2021; nhiều đồng tiền phá giá ở mức báo động: đồng euro giảm 11,8%, bảng Anh giảm 15,5%, yên Nhật giảm 24,3%, nhân dân tệ giảm 10,2%...

Theo WB, tổng cộng 74 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới trong năm 2022 sẽ phải thanh toán 35 tỷ USD tiền vay nợ, tăng 45% (10,9 tỷ USD) so với số tiền họ đã trả vào năm 2020. Các chuyên gia của WB cho biết, các quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm 2022 sẽ phải tăng mạnh các khoản thanh toán cho các chủ nợ, với khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang cần tái cơ cấu nợ.

WB cảnh báo, thế giới đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng nợ do thực tế là các quốc gia dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 đã vay tiền không phải từ các tổ chức quốc tế mà từ thị trường vốn. Chủ tịch WB David Malpass cho rằng, sự gia tăng mạnh mẽ các khoản thanh toán xảy ra vào thời điểm các nước nghèo không có đủ nguồn lực để trả nợ và vấn đề nợ hiện nay có thể khiến các quốc gia phải mất nhiều thập kỷ phát triển mới bù đắp được.

Chủ tịch WB David Malpass nhận định, việc tăng lãi suất có thể khiến tăng trưởng toàn cầu vốn đang chậm lại đáng kể và có thể chậm hơn nữa khi nhiều nước rơi vào suy thoái. Người đứng đầu một trong những định chế tài chính lớn nhất thế giới này bày tỏ nỗi lo rằng, những xu hướng này có thể kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Chủ tịch WB thúc giục các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm sang thúc đẩy sản xuất, thay vì giảm tiêu dùng thông qua tăng lãi suất. Trong khi đó, có những ý kiến cho rằng, FED là cơ quan đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, FED cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với phần còn lại của thế giới. Ngay với Mỹ, việc tăng lãi suất cũng dễ dẫn tới suy thoái và điều này có thể khiến thêm 3 triệu người Mỹ mất việc làm.

https://www.anninhthudo.vn/nhung-nguy-co-truoc-lan-song-tang-lai-suat-toan-cau-post518221.antd

Ngày đăng: 09:56 | 28/09/2022

Hoàng Tuấn / ANTĐ