Trung Quốc hai ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV nội địa, nhưng điều đó không có nghĩa là Yu Jiahui sẽ về nước.
"Bay về bây giờ không hợp lý lắm", Yu, 26 tuổi, làm việc cho một công ty hàng không vũ trụ tại Đức, nói. "Vé máy bay quá đắt và nguy cơ lây nhiễm trong quá trình di chuyển là rất cao".
Kể từ khi Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc đầu tháng 12/2019, hơn 240.000 người đã bị nhiễm nCoV và hơn 10.000 người đã chết trên toàn cầu. Trung Quốc tuyên bố đã kiềm chế được dịch, trong khi WHO tuyên bố châu Âu là "tâm dịch toàn cầu" mới.
Đối với 35 triệu người Trung Quốc đang học tập hoặc làm việc ở nước ngoài, khủng hoảng y tế toàn cầu khiến họ phải đắn đo suy nghĩ nên ở lại hay về nước.
Hành khách hạ cánh tại sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải ngày 17/3. Ảnh: SCMP. |
Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với hơn 15.000 ca nhiễm và hơn 40 người chết. Nhưng Yu đã ra quyết định. "Tôi nghĩ rằng không đi đâu cả là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh dịch ngày càng nguy hiểm", anh nói. "Công ty của tôi sắp tạm đóng cửa, tôi đã hạn chế ra ngoài".
Yu không phải là người duy nhất lựa chọn ở lại. Stephen, nghiên cứu sinh 25 tuổi tại Đại học Cranfield ở Anh, cũng có quyết định tương tự.
"Đại dịch ít ảnh hưởng đến tôi hơn tôi tưởng, vì trường của tôi nằm ở khu vực nông thôn ít dân", anh nói. "Nếu bay về Trung Quốc thì rủi ro còn cao hơn vì nhiều người nhiễm nCoV có thể tìm đường về nước để chữa trị".
Dominic Huang, 25 tuổi, nghiên cứu sinh ngành hóa học lượng tử tại Đại học Sheffield ở miền bắc nước Anh, nói rằng anh nhận thức được độ nguy hiểm của Covid-19, nhưng nó chỉ tác động hạn chế đến cuộc sống hàng ngày. Huang vẫn có thể học tập mà không phải đến phòng thí nghiệm.
"Trường tôi đã hủy tất cả lớp bình thường từ ngày 16/3 và chuyển sang giảng dạy trực tuyến", anh nói. "Tôi không có kế hoạch trở về vì tôi cũng không muốn tạo thêm gánh nặng cho đất nước".
Huang đề cập đến làn sóng ca nhiễm "ngoại nhập" mà Trung Quốc đang đối mặt. Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 228 ca ngoại nhập, nhiều người trong số họ là công dân Trung Quốc từ nước ngoài trở về.
Jason Ren, nha sĩ Trung Quốc làm việc ở đông nam nước Mỹ, nói rằng mặc dù không có kế hoạch về nước tránh dịch, anh lo ngại rằng nếu khủng hoảng thêm trầm trọng, hệ thống y tế Mỹ có thể sụp đổ, dẫn đến bất ổn xã hội. Mỹ ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm với 200 người tử vong.
Trong khi đó, phiên dịch viên Chen gấp rút trở lại Bắc Kinh sau khi hoàn thành chuyến công tác ở Kiev, Ukraine. Chen cho biết theo lịch trình, cô dự kiến trở lại Bắc Kinh ngày 18/3, nhưng sau khi Ukraine thông báo đóng biên giới trong ít nhất hai tuần kể từ 16/3, cô đã đổi vé và bắt chuyến bay cuối cùng rời khỏi đất nước vào tối hôm đó, mặc dù cô phải mất thêm vài ngày quá cảnh ở Dubai và Singapore.
"Di chuyển như vậy khá tốn thời gian và có nguy cơ bị lây nhiễm trên đường đi", cô nói. Chen cũng lo lắng về điều cô đối mặt khi trở lại Bắc Kinh. "Tôi khá lo khi tôi đọc được quy định vài ngày trước rằng tất cả hành khách đến Bắc Kinh phải cách ly và tự trả chi phí".
Bắc Kinh yêu cầu người từ nước ngoài vào thành phố phải cách ly 14 ngày tại khách sạn được chỉ định và phải thanh toán chi phí. "Tôi vốn sống một mình trong căn hộ ở Bắc Kinh, nhưng nếu không được tự cách ly ở đó, tôi không chắc có đủ khả năng lo liệu chi phí cách ly hay không".
Trong khi đó, đối với Yi Ming, 27 tuổi, học tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Quốc gia ở Ireland, quyết định về nước là một điều dễ dàng.
"Trường đã bắt đầu giảng dạy trực tuyến và chúng tôi có thể gửi tất cả bài tập qua mạng, vì vậy tôi quyết định trở về Trung Quốc dù giá vé cao gấp nhiều lần so bình thường", anh nói.
Yi sẽ mặc đồ bảo hộ trong suốt hành trình. Anh trang trí nó bằng hình vẽ cờ Trung Quốc, cờ Ireland, y bác sĩ chống dịch và một số món ăn anh yêu thích. Yi hy vọng nó sẽ giúp anh an toàn.
Phương Vũ (Theo SCMP)
Ngày đăng: 08:51 | 21/03/2020
/ vnexpress.net