Tháng 11 – tháng của những kỷ niệm ngọt ngào về tình thầy trò lại về, và em một cô học trò bé nhỏ ngày nào lại bồi hồi nhớ về thầy.
Em sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của vùng Tây Bắc, lại là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp cận với kiến thức, con chữ cũng gặp phải muôn vàn khó khăn.
Em còn nhớ, ngày mình học cấp 2, cứ mỗi khi trời mưa to là nước suối dâng lên, tràn qua đường khiến những đứa học trò như em không thể nào đến trường được. Những lúc như vậy em ước, giá như mình có thêm đôi cánh để có thể bay ngay đến lớp học, nơi có các thầy cô đang chờ.
Lớn thêm một chút, thay vì học tập tại huyện nhà, em đã quyết tâm theo học một trong những ngôi trường được coi là chuyên của tình. Đi học cách nhà 80 cây số đường rừng nên em cũng rèn cho mình tính tự lập.
Ngày xuống thành phố học tập, em bỡ ngỡ như con chim non rời xa vòng tay che chở của mẹ. Em rụt rè, ít nói và thậm chí sống thu mình lại vì...sợ. Em sợ người lạ, sợ đám đông và dường như cảm thấy mình quá khác xa so với các bạn đồng trang lứa về xuất phát điểm.
Mất một năm lớp 10 để em làm quen với bạn bè, môi trường mới và sang năm lớp 11, thành tích học tập của em cũng bắt đầu được cải thiện dần lên.
Thầy là người truyền cảm hứng cho em (Ảnh minh họa).
Trong cuộc đời học sinh của mình, em đã từng được học tập với rất nhiều các thầy cô giáo. Nhưng có lẽ, thầy giáo dạy bộ môn Lịch sử lớp 11 và lớp 12 để lại trong em nhiều cảm xúc, ấn tượng và kỷ niệm khó phai.
Còn nhớ ngày đó, trường có tổ chức cuộc thi tuyển chọn học sinh giỏi môn Lịch sử. Trong trường có một mình lớp em theo học khối C nên nhiều bạn đăng ký thi. Em cũng mạnh dạn đăng ký dự thi chỉ với suy nghĩ duy nhất đó là cọ xát.
Thế rồi, may mắn đã mỉm cười với em khi em giảnh được giải Ba cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp trường, tiếp tục nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường tham dự kỳ thi cấp tỉnh, rồi cấp quốc gia.
Được thầy hướng dẫn em càng cảm thấy yêu thích môn học này hơn, dù trước đó em không hề có hứng thú. Thầy là người đã truyền cảm hứng cho em, cho em hiểu học lịch sử không hề khô khan, khó nhớ như nhiều người vẫn nghĩ, đó là lý do vì sao em đều rất cố gắng, nỗ lực trong suốt kỳ thi.
Cả khóa khi ấy có hai học sinh thi môn Sử, trong đó người mà thầy kỳ vọng hơn là em. Em nhớ những tập tài liệu về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà thầy đưa để em tham khảo, nhớ những buổi chiều thầy tranh thủ đến trường hướng dẫn cho em thêm các đề thi có thể gặp phải...
Nhưng, đến kỳ thì chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm ấy, em đã khiến thầy thất vọng. Em đã khóc như mưa ngay trên lớp học khi kỳ thi kết thúc vì biết rằng phần bài làm của mình không được thuận lợi.
Khi đó, em nhớ thầy đã xuống bên em, vỗ nhẹ vai và nói “không sao đâu em”. Em biết lời an ủi của thầy nói “không sao” nhưng em cảm nhận được thầy buồn nhiều.
Em vẫn nợ thầy một lời xin lỗi (Ảnh minh họa).
Cho đến nay, đã hơn 7 năm trôi qua kể từ ngày kết thúc cuộc thi đó, em giờ đây cũng đã có một công việc ổn định thế nhưng mỗi lần nghĩ về cuộc thi đó em lại thấy biết ơn thầy nhiều hơn, vì em có thêm được một bài học về sự quyết đoán, tính kiên trì, nhẫn nại.
Bất giác, em chợt muốn quay lại thời ngày xưa để lại được nghe thầy giảng kiến thức về lịch sử nước nhà, lịch sử thế giới và lại được thầy hướng dẫn cặn kẽ từng đề thi... nhưng tất cả chỉ là trong tưởng tượng.
Thời gian đã qua đi sẽ không thể lấy lại được, còn ký ức về thầy, về những bài giảng môn Lịch Sử vẫn mãi in sâu trong tâm trí em. Bao năm qua, em vẫn luôn dõi theo thầy, thầm mong thầy có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục chở những lữ khách qua sông.
Duy chỉ có một điều khi đứng trước mặt thầy em vẫn chưa bao giờ dám nói, đó là một lời xin lỗi tận sâu trong đáy lòng.
Viết cho người thầy đáng kính của em,
Ký tên: Học trò của thầy
Làm sao để nhà giáo thật vui và hạnh phúc trong ngày 20/11
LTS: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình về việc tổ chức ... |
Ông giáo nghèo và chuyến xe chở tuổi thơ đặc biệt ở Sài Gòn
Sau này, khi nhớ về chuyến xe đưa đón mỗi ngày của thầy giáo già, học sinh trường Võ Trường Toản, TP.HCM, hẳn sẽ tủm ... |
Thầy giáo quân hàm xanh ở bản vùng cao Lào Cai
Nhận nuôi các em nhỏ, dạy chữ cho người lớn tuổi, anh Giàng A Trú là thầy giáo đặc biệt của bà con xã Tả ... |
http://www.nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-thay-di-qua-doi-toi-em-no-thay-mot-loi-xin-loi-a346514.html
Ngày đăng: 11:45 | 13/11/2017
/ nguoiduatin.vn