Người làm nghề mua hàng nước ngoài theo đơn của khách hàng Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử sẽ bị siết chặt quản lý theo luật mới.
Na Wang, một daigou Trung Quốc đang lựa chọn các sản phẩm ngũ cốc ăn sáng của Australia theo đơn của khách hàng Trung Quốc tại một siêu thị ở Sydney năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Luật mới hạn chế một số sản phẩm nước ngoài xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, theo Global Times.
Daigou là thuật ngữ chỉ người mua hàng thuê trong tiếng Trung Quốc. Họ thường thay mặt những người bán hàng online ở Trung Quốc đặt mua sản phẩm ở nước ngoài theo yêu cầu đặc biệt. Một số người còn phát triển nhóm mua hàng riêng, thuê người làm việc cho mình.
Daigou đã trở thành một trong những cách phổ biến nhất để người tiêu dùng Trung Quốc mua được sản phẩm nước ngoài. Dù nó là gì, sản xuất ở đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại trong tay và vuốt một cái, là họ đã hoàn thành một giao dịch mua bán.
Ước tính có một triệu người trên thế giới làm daigou, theo BBC. Khi ngành kinh doanh này bùng nổ, một số quốc gia như Australia thậm chí còn mở những quầy hàng đặc biệt phục vụ "khách cá nhân mua hàng cho người Trung Quốc".
Đa số daigou ở Trung Quốc là người Trung Quốc, ra nước ngoài mua hàng về theo đơn đặt hàng của khách nội địa, hoặc bán các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có không ít người nước ngoài ở Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này.
Daigou Hàn Quốc
Kim Sang-jin, công dân Hàn Quốc, là một trong những daigou ngoại quốc ở Trung Quốc. Anh mở dịch vụ thương mại điện tử này qua Taobao, sàn mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc năm 2015, và sau đó mở rộng hoạt động sang WeChat, đối thủ của Taobao.
Kim chủ yếu bán hàng thương hiệu Hàn Quốc. Anh quyết định nhảy vào ngành daigou sau khi nhận ra nhu cầu mua sắm sản phẩm nước ngoài tăng mạnh ở Trung Quốc.
"Tôi đọc được một cuốn sách về Trung Quốc và năng lực tiêu dùng của người Trung Quốc, khiến tôi cảm thấy cực kỳ hứng thú", Kim tâm sự. Ở Hàn Quốc cũng có những sàn thương mại điện tử trực tuyến như Gmarket hay Coupang, nhưng "chúng khác hẳn những sàn ở Trung Quốc".
"Taobao, WeChat và JD chiếm phần lớn thị phần ở thị trường Trung Quốc. Nhưng ở Hàn Quốc, thị phần thương mại điện tử không nhiều", Kim giải thích.
So với daigou Trung Quốc mua hàng Hàn Quốc cho khách hàng ở Trung Quốc, Kim cho biết anh có lợi thế là công dân Hàn Quốc. Điều này khiến khách hàng tin tưởng anh hơn, vì "chúng tôi là những người Hàn Quốc thực thụ, bán sản phẩm đúng mác Hàn Quốc".
Daigou Pháp
Asma, một cô gái người Pháp, cũng nhảy vào lĩnh vực daigou khi vừa tốt nghiệp.
"Ngay khi học xong hai năm tiến tu ở Trung Quốc, tôi bắt đầu bán mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da của Pháp", Asma kể lại.
Cô giải thích sau khi tốt nghiệp không tìm được công việc lý tưởng, nhưng sau khi phát hiện nhu cầu khổng lồ của người Trung Quốc về mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc da của Pháp, Asma quyết định bước vào nghề daigou. Cũng giống như Kim, cô nghĩ rằng daigou bán sản phẩm từ quê hương mình đáng tin hơn.
Một chàng trai người Benin làm daigou ở Trung Quốc, mua các sản phẩm Trung Quốc và bán lại cho khách hàng ở quê hương. Ảnh: VCG. |
Luật thương mại điện tử mới ở Trung Quốc quy định cá nhân hoặc công ty kinh doanh thương mại điện tử trên bất kỳ sàn giao dịch trực tuyến nào đều phải đăng ký ở cả quốc gia bán hàng và mua hàng, cũng như trả thuế. Sàn bán hàng trực tuyến có nhiệm vụ giám sát người bán.
Luật này giúp đảm bảo quyền lợi của khách hàng, bảo vệ họ không mua phải sản phẩm hàng nhái, hàng rởm. Nhưng nó cũng làm tăng giá sản phẩm nhập khẩu hay xuất khẩu.
"Có thể tôi sẽ thôi nghề daigou nếu phải đóng thuế theo luật", một daigou Trung Quốc có tên Guan nói.
Bước vào kỷ nguyên mới
Hilda, một daigou Trung Quốc sống ở Hàn Quốc, ủng hộ luật mới. "Hiện có quá nhiều hàng nhái, hàng giả kém chất lượng do daigou bán trên WeChat. Đã tới lúc phải siết chặt quản lý thị trường", cô nói.
Asma cũng ủng hộ luật mới. "Điều này có lợi cho tôi", cô nói. "Thị trường daigou ở Trung Quốc quá lớn, cần hệ thống quản lý tốt hơn".
Kim cũng giống Asma. "Ở Hàn Quốc, chúng tôi bán hàng phải đăng ký", anh nói, nhấn mạnh dù luật chưa có quy định cụ thể cho daigou, nhưng đội của Kim đã chuẩn bị sẵn sàng.
"Liệu daigou có biến mất hoàn toàn theo luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc? Chúng tôi có ý kiến ngược lại" là bài viết trên 36kr.com, một trang tin tức kinh doanh Trung Quốc.
Bài báo nói rằng theo luật mới, có thể một số daigou cá nhân sẽ bị xóa sổ, trong khi daigou lớn và trung bình, những người có lượng khách hàng cố định và hoạt động như một công ty sẽ phát triển hơn khi luật mới có hiệu lực.
Mua hàng qua mạng, cô gái trẻ bị shipper cưỡng bức
Mặc dù được anh shipper hứa hẹn sẽ chịu trách nhiệm, thế nhưng cô Trương không chấp nhận. |
1.001 tình huống ‘dở khóc dở cười’ khi mua hàng online
Không ai có thể phủ nhận tính tiện lợi của mua sắm online, tuy nhiên hình thức này đôi khi cũng mang lại những tình ... |
Ngày đăng: 11:49 | 24/10/2018
/ VnExpress