Nhiều nhà thiết kế Nhật Bản cố cải tiến và giảm giá thành kimono khi trang phục truyền thống này đang xa rời cuộc sống thường nhật của người dân.
Yuichi Hirose giữ một mẩu giấy nến cắt tay để nhuộm màu cho bộ kimono trong một xưởng may lâu đời ở Tokyo. Ảnh: AFP.
Tại một xưởng may lâu đời ở khu phố yên tĩnh thuộc thủ đô Tokyo, người thợ may Yuichi Hirose, 39 tuổi, đang dùng giấy nến được cắt tỉ mỉ để nhuộm màu cho vải, sử dụng kỹ thuật truyền thống để tạo ra những mẫu kimono hiện đại, theo AFP.
Nhu cầu về kimono (trang phục truyền thống của người Nhật) đã giảm đáng kể song một số ít nghệ nhân và doanh nhân như Hirose đang cố gắng hồi sinh trang phục tỉ mỉ và nhã nhặn này.
"Kimono đã trở thành một thứ gì đó xa rời khỏi cuộc sống hàng ngày", Hirose, người tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình sau khi tốt nghiệp đại học, cho biết.
Hirose chuyên về "Edo Komon" - một mẫu kimono được nhuộm bằng giấy nến washi của Nhật Bản có từ thời kỳ Edo (từ giữa thế kỷ 17 tới cuối thế kỷ 19). Đó là một kỹ thuật có truyền thống lâu đời và đòi hỏi những kỹ năng rất cao, nhưng ở thời hiện đại, "chúng tôi cần tạo ra thứ được mọi người công nhận", anh chia sẻ.
Những đổi mới của Hirose bao gồm phát triển những mẫu kimono mới được trang trí họa tiết đa dạng, hiện đại như hình cá mập nhỏ hay thậm chí là họa tiết đầu lâu.
Đối với tiêu chuẩn người Nhật hiện nay, kimono là trang phục dành riêng cho những dịp đặc biệt như đám cưới, mừng thọ, và hầu hết chỉ có phụ nữ mặc. Chúng có thể rất đắt và phụ nữ thường phải thuê các chuyên gia hỗ trợ vì việc mặc kimono rất cầu kỳ.
Ngành công nghiệp kimono hiện đại đạt đỉnh vào năm 1975 với quy mô thị trường 1,8 nghìn tỷ yên (17 tỷ USD), theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Nhưng đến năm 2008, con số giảm xuống còn 406,5 tỷ yên và đến năm 2016 thì chỉ còn 278,5 tỷ yên, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Yano.
"Có rất nhiều trở ngại" khi mua một bộ kimono, Takatoshi Yajima, phó chủ tịch Hiệp hội xúc tiến kimono Nhật Bản và là chủ một xưởng may kimono cho biết. "Nó rất đắt và cũng rất khó mặc, đặc biệt rất khó tự giặt tại nhà. Chúng ta cần may kimono với giá cả phải chăng và dễ mặc. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng sẽ có nhiều hơn nữa khách hàng trẻ mua kimono".
Số lượng khách hàng trong 15 năm qua của Yajima gần đây đã tăng gấp đôi khi anh bán ra nhiều sản phẩm có giá dưới 100.000 yên (930 USD), thấp hơn nhiều giá của một bộ kinono cao cấp. "Ngành công nghiệp sẽ tăng trưởng nếu chúng ta tao ra một thị trường mà nhiều người có khả năng mua một bộ kimono", Yajima nói.
Người mẫu mặc thiết kế kimono của Jatoro Saito tại Tuần lễ thời trang Tokyo 2018. Ảnh: AFP.
Một bộ kimono hoàn chỉnh bắt đầu với đồ lót nagajuban, sau đó kimono được quấn nhiều lớp bên ngoài và được cố định bằng một dải lưng thêu Obi dày và dài. Nhưng ngoài khuôn khổ cơ bản, nhà thiết kế Jotaro Saito cho biết phải có thêm thử nghiệm mới.
"Nhiều người nghĩ kimono là trang phục lạc hậu, lỗi mốt và không đổi mới. Thật sai lầm khi cho rằng kimono không thay đổi khi mọi thứ đều thay đổi. Kimono không lạc hậu. Mặc một bộ kimono là điều tuyệt vời và thú vị nhất", nhà thiết kế đến từ Kyoto bày tỏ.
Tại tuần lễ thời trang Tokyo hồi tháng ba, Saito đã trình bày bộ sưu tập kimono cho nam và nữ, kết hợp họa tiết, màu sắc truyền thống và độc đáo.
"Tôi muốn giới thiệu kimono như một trang phục mà mọi người thực sự cảm thấy hào hứng", anh hy vọng.
Và trong khi nhu cầu về kimono giảm đi ở người Nhật thì dịch vụ cho du khách nước ngoài thuê kimono lại đang bùng nổ. Theo Viện Nghiên cứu Yano, lợi nhuận được kỳ vọng sẽ tăng lên khi ngày càng có nhiều khách du lịch tới Nhật Bản và tìm kiếm trải nghiệm văn hóa.
Kahori Ochi phục vụ khoảng 500 khách nước ngoài mỗi năm tại cửa hàng cho thuê kimono ở khu vực Harajuku thời thượng của thủ đô Tokyo. Họ chỉ phải trả 9.000 yên (80 USD) để mặc một bộ kimono giá 300.000 yên (2.750 USD).
"Kimono là một phần trong văn hóa Nhật Bản, tôi thực sự muốn trải nghiệm", Ruby Francisco, một du khách người Hà Lan thuê một bộ kimono xanh nhạt ở cửa hàng của Ochi cho hay.
"Nó rất đặc biệt, tôi cảm thấy thật vinh dự khi mặc", du khách 33 tuổi cho biết, nói thêm rằng cô sẽ đăng tải những bức ảnh mình mặc kimono lên mạng xã hội cho bạn bè xem.
Mặc kimono khá cầu kỳ và mất thời gian nên khách hàng thường nhờ người trợ giúp. Ảnh: AFP.
Mẹ của Ochi là chủ một cửa hàng bán kimono cao cấp nhưng cô không định đi theo hướng đó.
"Mẹ tôi nói rằng kinh doanh kimono là mạo hiểm và không ổn định", cô nói, chia sẻ thêm rằng cửa hàng của mẹ cô gặp khó khăn sau nền kinh tế bong bóng kết thúc vào đầu những năm 1990.
Ochi từng nghĩ kimono chẳng có gì đặc biệt nhưng đã thay đổi quan điểm này sau một mùa hè ở Na Uy, nơi mọi người đều khen ngợi bộ kimono của cô. Cô quyết định tới làm việc ở cửa hàng của mẹ dù không được trả lương.
Bây giờ việc kinh doanh của Ochi đang phát triển mạnh và cô hy vọng Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy nhu cầu về kimono tăng lên khi du khách đổ về Nhật Bản.
"Tuy nhiên, mục đích của tôi không phải là mở rộng kinh doanh. Tôi chỉ hy vọng sẽ gặp được nhiều người muốn hiểu văn hóa Nhật Bản", Ochi chia sẻ.
Thích món sushi, nên biết những điều này!
Sushi là món ăn truyền thống của người Nhật, và đã trở nên thực phẩm phổ biến trên thế giới. |
Người Nhật bị triệt sản nửa thế kỷ trước: Loại bỏ trẻ \'hạ cấp\'
Đạo luật từ thập niên 1940-1990 ở Nhật Bản nhằm tạo ra một thế hệ người Nhật "ưu việt" hơn đã cướp đi cơ hội ... |
Những người từng bị ép triệt sản ở Nhật Bản
Luật Ưu sinh tồn tại gần 50 năm khiến 16.500 người Nhật bị ép triệt sản nhằm loại bỏ khả năng sinh ra những đứa ... |
Huyền Lê
Ngày đăng: 19:30 | 05/05/2018
/ https://vnexpress.net