Đến nay, chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Covid-19 sẽ sớm chấm dứt tại Mỹ.
Trên khắp nước Mỹ, từ các bãi biển Florida đến những dãy núi ở California, từ các sòng bạc đến các công viên quốc gia, những đám đông vẫn tụ tập bất chấp yêu cầu tự cô lập và ngừng tụ tập ngày càng khẩn thiết khi khi virus corona lan rộng khắp đất nước và cuộc sống thường ngày gần như đảo lộn ở Mỹ.
Những đám đông này, họ là những kẻ thách thức và hoài nghi. Họ là những người muốn chống đối các nhà chức trách hoặc những người mắc chứng sợ không gian kín. Đôi khi "những kẻ chống đối" vô tình là những quan chức đứng chen chúc trong phòng họp của Nhà Trắng, những người làm trái với những điều họ tuyên bố.
Họ là tất cả những người đã bác bỏ các lời kêu gọi cô lập vì thấy nhiều vui thú hơn là rủi ro trong việc ra đường. Họ tự tin với hệ miễn dịch của mình. Như trong những thời kỳ khủng hoảng ở các quốc gia khác, họ đã vô tình phơi bày mối quan hệ giữa các cá nhân và xã hội và trách nhiệm của chúng ta với những người khác.
“Mắc virus thì mắc virus”, một người tới Florida để tận hưởng những ngày nghỉ nói trong một cuộc phỏng vấn được chia sẻ rộng rãi trên truyền hình. “Dù thế nào tôi sẽ không để chuyện này ngăn tôi tiệc tùng".
(Người này sau đó đã xin lỗi vì "không ý thức được tính nghiêm trọng của lời nói và hành động của tôi").
Dưới áp lực gia tăng, cả từ xã hội và chính phủ, những đám đông ngày một bớt dần. Nhưng tác động của những đám đông này trong việc lan truyền virus thì chẳng ai biết rõ.
Những người ra đường nhiều nhất chủ yếu là những người trẻ tuổi, họ được tạm thời giải thoát khỏi trường học và công việc và có lẽ còn chưa quen với khái niệm “trách nhiệm xã hội”. Nhưng cũng không thiếu người trung niên vẫn ra đường vì tin rằng nơi những nơi ít ỏi còn mở cửa đã được vệ sinh kỹ để tránh bệnh tật.
Một số người không muốn hủy bỏ các kế hoạch dài hạn như đám cưới. Những người khác chỉ muốn ra ngoài trời, chỉ để thấy họ không phải những người duy nhất.
Đối với một số người khác, việc tụ tập không phải một lựa chọn, và do yêu cầu của những ông chủ quan tâm tới việc lợi nhuận sụt giảm hơn những con virus.
Và trong khi nhiều cửa hàng tạp hóa, trạm xăng và nhà hàng mang thức ăn về vẫn mở cửa, định nghĩa về “những ngành kinh doanh thiết yếu” dường như là tùy cách hiểu của người dân.
Ở Rhode Island, một trong các cơ sở kinh doanh được nêu tên công khai vì phớt lờ yêu cầu giữ khoảng cách xã hội là Wonderland, một câu lạc bộ thoát y, nơi khách hàng vẫn tới để chiêm ngưỡng những điệu nhảy nổi tiếng vào tuần trước.
GameStop, chuỗi cửa hàng trò chơi điện tử, đang nhận nhiều phản đối từ các nhân viên của mình vẫn để hàng nghìn cửa hàng của mình bất chấp yêu cầu đóng cửa của chính quyền địa phương. Lý do, theo chia sẻ của một nhân viên hãng, là vì hãng này tin họ là “doanh nghiệp bán lẻ thiết yếu”.
Tesla, nhà sản xuất ô tô điện hạng sang có trụ sở tại California dường như đang thách thức yêu cầu đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh không quan trọng của chính quyền khi để 10.000 công nhân nhà máy tiếp tục làm việc. Dù vậy, Tesla sau đó cho biết họ sẽ tạm ngưng hoạt động, bắt đầu từ ngày 23/3.
Và tại vùng Midwest, Uline, một nhà phân phối vật liệu đóng gói và vật tư công nghiệp lớn đã duy trì hoạt động tại các nhà máy suốt cả tuần, bất chấp các khiếu nại của nhân viên, gồm cả những người đang làm việc chỉ cách nhau một lớp ngăn ca bin ở trung tâm chăm sóc khách hàng đông kín người.
“Không có gì thực sự thay đổi”, một nhân viên nói. “Chuyện này thật sự điên rồ".
Các nhân viên của Uihlein Family, chủ sở hữu công ty gia đình trị giá 5,8 tỷ USD và là một trong những nhà tài trợ tài chính lớn nhất cho đảng Cộng hòa, đã nhận được một email hôm 19/3, nội dung là lời cảm ơn những nỗ lực của họ và rằng “Nhà Trắng đã gọi chúng ta hai lần với những đơn đặt hàng lớn”.
Cùng ngày, một người quản lý tại trung tâm tiếp nhận cuộc gọi của hãng vận chuyện Uline đã gửi tin nhắn cho các nhân viên của mình.
“Nếu bạn, hoặc các thành viên trong gia đình, bị cảm lạnh/dị ứng - hoặc bất cứ thứ gì ngoài Covid-19”, tin nhắn ghi, “thì làm ơn đừng nói với đồng nghiệp. Làm như vậy, bạn đang gây ra sự hoảng loạn không cần thiết trong văn phòng".
Số ca nhiễm và chết vì nCoV tại Mỹ tăng kỷ lục trong một ngày, lên lần lượt gần 55.000 và gần 800. Giới chức Mỹ lo ngại số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn con số được công bố. Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ cho biết số người chết vì tai nạn giao thông tại nước này năm 2019 là khoảng 38.800.
Các biện pháp phong tỏa, cách ly và "cách biệt cộng đồng" để chống Covid-19 được thiết lập ở hầu hết các bang của Mỹ, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đình trệ đột ngột. Tuy nhiên, chuyên gia y tế cảnh báo còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV tại Mỹ để phục hồi nền kinh tế bởi có thể khiến nCoV lây lan.
Theo kết quả cuộc thăm dò của Ipsos/Axios, 74% dân Mỹ được hỏi đã ngừng tham gia các cuộc tụ họp đông người, 48% cho biết đã hủy các kế hoạch du lịch. Nhiều sân bay của Mỹ trống trải vì lượng hành khách giảm sút. Khoảng 176 triệu dân Mỹ, tương đương 54% dân số, đã và sẽ chịu ảnh hưởng bởi lệnh yêu cầu ở nhà nhằm ngăn Covid-19.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống
Ngày đăng: 15:42 | 25/03/2020
/