Yang trở về Cổ Lâu để chăm sóc mẹ và dự định dưỡng già tại đây giống bà, tuy nhiên khu phố của anh sắp bị cải tạo.
Vào những buổi chiều đầy nắng, Yang thường đưa mẹ, người phụ nữ 90 tuổi phải ngồi xe lăn, đi dạo dọc theo con kênh gần nhà tại khu phố Cổ Lâu lịch sử nằm giữa lòng thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, một địa điểm đầy cổ kính và yên bình.
Cổ Lâu, nơi được mệnh danh là trái tim của Bắc Kinh xưa, là một trong những khu vực hiếm hoi còn tồn tại hệ thống hẻm quanh co cổ kính, hay còn gọi là hồ đồng. Yang và mẹ sống tại hẻm Yu'er, ngay gần phố đi bộ nổi tiếng Nanluogu Xiang, cách Tháp Trống và Chuông một quãng ngắn.
Nhiều gia đình thuộc tầng lớp lao động vẫn sống tại Yu'er. Họ chuyển tới đây vào giữa thế kỷ 20, với nhiều căn nhà không có hệ thống đường ống nước đạt tiêu chuẩn. Thay vào đó, cư dân sử dụng các phòng tắm công cộng.
Cửa hàng bánh bao tại một con hẻm ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 10/2017. Ảnh: Reuters. |
Yu'er nằm trong dự án cải tạo 4 con hẻm gần Nanluogu Xiang, có tên Tứ Hồ Đồng. Quá trình thực hiện dự án đang được tăng tốc với thời hạn hoàn thành là cuối năm. Điều này khiến mong muốn an hưởng tuổi già tại Yu'er của Yang trở nên xa vời.
Dự án Tứ Hồ Đồng là một phần của chiến dịch trên phạm vi toàn thành phố, nhằm làm đẹp và hiện đại hóa Bắc Kinh. Các công việc bao gồm phá bỏ những công trình trái phép, cải tạo để đảm bảo khả năng tiếp cận và an toàn phòng cháy chữa cháy, với mục tiêu giảm dân số của thủ đô xuống 23 triệu người vào năm 2020.
Những khu dân cư cũ kỹ đều đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ. Vài tháng trước Thế vận hội Mùa hè 2008 ở Bắc Kinh, các khu phố Tiền Môn và Đại Sách Lan ở phía nam Tử Cấm Thành bị phá hủy và thay thế bằng một khu thương mại hào nhoáng. Đại Sách Lan vẫn là điểm đến phổ biến với du khách, nhưng đông đảo người dân địa phương bày tỏ tiếc nuối khi nhìn thấy "bản sao hiện đại và vô hồn" của Bắc Kinh cổ.
Đây không phải lần đầu tiên người dân Cổ Lâu cảm thấy lo lắng. Hồi năm 2010, khu vực này từng đứng trước nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn để nhường đất cho dự án Thành phố Văn hóa Thời đại Bắc Kinh, một khu phức hợp bảo tàng và thương mại dưới lòng đất. Kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Bắc Kinh và nhiều đơn vị khác, khiến chính quyền thủ đô phải hoãn vô thời hạn.
Dự án Tứ Hồ Đồng không cần phá hủy và chuyển đổi trên quy mô lớn như đề xuất hồi năm 2010. Tuy nhiên, với việc dỡ bỏ nhà trái phép và xây dựng các công trình vững chắc, dễ tiếp cận hơn, giá bất động sản chắc chắn tăng. Những con hẻm không bị thay thế bằng trung tâm thương mại sầm uất hoặc nhà chọc trời, nhưng các căn nhà được cải tạo có thể bị biến thành không gian giải trí, câu lạc bộ tư nhân hoặc nhà ở đắt đỏ.
Nhiều cư dân lâu năm tại những con hẻm tự hỏi làn sóng hiện đại hóa có ý nghĩa gì với họ. Zhou, cụ ông gần 70 tuổi, lớn lên ở Yu'er cùng cha mẹ và 6 anh chị em trong ngôi nhà một gian. Ông chuyển tới sống ở tỉnh Cát Lâm hồi năm 1969, sau đó trở về Bắc Kinh vào những năm 1990. "Rất nhiều nơi từng không phải là thành phố giờ đây trở thành đô thị. Quá trình phát triển vẫn tiếp tục", Zhou nói.
Ông Zhou cùng chó cưng bên ngoài căn nhà ở hẻm Yu'er, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Guardian. |
Cụ ông hiện sống cùng chó cưng trong căn nhà cũ, nơi từng là chỗ nương thân của 9 người. Khác với khu nhà gia đình Yang đang sinh sống, khu vực của ông Zhou sẽ không bị phá hủy hoàn toàn. Ông và các hàng xóm có thể quay lại đây sống sau khi quá trình cải tạo hoàn thành.
Một số người nhận được đề nghị chuyển tới các căn hộ trong những khu chung cư cao tầng ở ngoại ô thành phố, hoặc lấy khoản tiền bồi thường tương ứng với diện tích ngôi nhà hiện nay của họ. Hơn 400 trong số 662 hộ gia đình đã đăng ký chuyển đi. Họ hài lòng với việc dọn tới chỗ cư trú mới có chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, những người còn lại cảm thấy bị đe dọa. Việc thay đổi phong cách sống khi đã ở độ tuổi xế chiều vô cùng khó khăn. Họ đã sống trong ngôi nhà một gian suốt cuộc đời và lưu luyến cảm giác thân mật trong những con hẻm.
Hơn nữa, nhiều người không thể chuyển ra ngoài ngay cả khi muốn vậy. Yang lo sợ tình trạng sức khỏe của mẹ mình quá kém để di chuyển. Trong khi đó, ngôi nhà của Zhou không đứng tên ông, bởi gia đình của ông làm giấy tờ nhà trong khoảng thời gian ông ở Cát Lâm.
Ngay ngoài cửa nhà Zhou là cây đinh hương già có từ thời gia đình ông còn quây quần bên nhau. Cụ ông hồi tưởng lại những lúc cha mẹ mắng đám bạn của ông khi họ hái trộm những bông hoa trắng thơm.
"Một nửa cây đã chết. Nhưng phần còn lại vẫn sống", ông vừa nói vừa chỉ tay vào những bông hoa trên cây.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)
Ngày đăng: 09:59 | 08/10/2019
/ vnexpress.net