Theo cơ quan công an, những người sử dụng văn bằng "mua thần tốc" từ ĐH Đông Đô đều có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Vụ việc về đường dây chạy bằng cấp thần tốc ở ĐH Đông Đô đã bị phanh phui, hiệu trưởng và 3 cán bộ của trường này đã bị khởi tố, song hàng trăm tấm bằng “mua” này đang nằm ở đâu là điều nhiều người rất tò mò.
Thực tế, có cầu thì mới đẻ ra cung.
Kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bước đầu cũng cho thấy xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dân cần có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ (nâng lương, nâng ngạch, thăng hạng, thi tuyển vào biên chế…), Trường ĐH Đông Đô đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy cho các học viên theo học.
Người sử dụng văn bằng được xác định đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành, phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ.
Họ được tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Mức phí cho những tấm bằng này thông qua “cò giáo dục” dao động từ 50 - 150 triệu/học viên.
Theo thống kê của cơ quan công an, trong khóa học 2016-2018 đã có khoảng 400 hồ sơ văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh được đào tạo theo hình thức trên.
Rõ ràng đường dây tiêu cực được sinh ra một phần từ những người muốn có trong tay một tấm bằng đại học chỉ vỏn vẹn học và thi trong vài ngày.
Cơ sở 1 Trường ĐH Đông Đô. Ảnh: Thanh Hùng. |
Người "mua bằng" có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội đưa hối lộ
Nói về hướng xử lý có thể đối với các trường hợp mua bằng, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng các học viên học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường này sẽ chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là những người không tham gia thi tuyển, không tham gia học tập... mà bỏ tiền ra để được nhận bằng tốt nghiệp. Đây là hành vi sai phạm của cả học viên lẫn cán bộ nhà trường. Hành vi này phải xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ đã cấp.
Nhóm thứ hai là các học viên tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung, chương trình của Bộ GD-ĐT, đã thi tốt nghiệp. Những học viên này phải được đảm bảo quyền lợi, phải được xem xét cấp bằng theo đúng quy định.
“Những học viên này tham gia thi tuyển, học tập đào tạo là hoàn toàn công khai, ngay tình, đúng thủ tục, quy trình giáo dục, họ không biết được những sai phạm khác của cán bộ nhà trường. Những học viên tham gia thi thật, học thật như vậy có đến hàng trăm người. Bởi vậy Trường ĐH Đông Đô và Bộ GD-ĐT phải xem xét phân loại và sớm cấp bằng cho các học viên chân chính”, ông Cường nói.
Ngoài ra, trong những người đã bỏ tiền ra “mua bằng” mà người nào biết rõ là bằng cấp giả nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì còn có thể bị xử lý về tội sử dụng tài liệu giả theo quy định tại điều 341 Bộ luật hình sự.Theo ông Cường, trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi, nhận thức chủ quan của những người đã bỏ tiền ra để “mua bằng”. Nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định những đối tượng đã bỏ tiền ra mua bằng có hành vi: trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn để người này thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền nhằm cấp bằng trái pháp luật thì người này có thể bị xem xét xử lý về tội đưa hối lộ (khi hành vi thỏa mãn các dấu hiệu theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Trách nhiệm chứng minh những sai phạm và xem xét các dấu hiệu của hành vi sai phạm có thỏa mãn tội danh nào trong bộ luật hình sự hay không thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Còn trong trường hợp những người này không nhận thức được đó là bằng cấp giả, chưa sử dụng vào mục đích lừa dối các cơ quan chức năng boặc các cơ quan tiến hành tố tụng xác định bằng cấp đó không phải là tài liệu giả thì hành vi này sẽ không bị xử lý hình sự mà có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính và thu hồi số tiền đã bỏ ra để mua bằng cấp, giấy tờ giả đó.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;...” |
Thanh Hùng
Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị bắt, Bộ Giáo dục có vô can trong kiểm soát đào tạo văn bằng 2?
Hàng năm, Bộ GD-ĐT vẫn kiểm tra việc sử dụng văn bằng tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô dù ... |
Những sai phạm của Đại học Đông Đô trước khi hiệu trưởng bị khởi tố
Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô vì liên quan đến nhiều sai phạm ... |
Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị bắt
Ông Dương Văn Hoà cùng ba cán bộ khác thuộc trường Đại học Đông Đô bị cáo buộc "giả mạo trong công tác". |
Ngày đăng: 01:02 | 06/08/2019
/ vietnamnet.vn