Những người mắc Covid-19 nhưng không xuất hiện triệu chứng có thể truyền virus cho những người khỏe mạnh và khiến nỗ lực kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.
Hồi tháng 2, truyền thông Trung Quốc xôn xao trước trường hợp một nữ bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào trong suốt hơn 1 tháng. Do không biết mình mang virus, cô gái này lây bệnh cho 5 người thân.
Theo SCMP, đây có thể chỉ 1 trong hơn 43.000 trường hợp "mang bệnh thầm lặng" ở Trung Quốc tính tới cuối tháng 2.
Những người này không xuất hiện triệu chứng bệnh tức thì. Tình trạng này được gọi là "nhiễm bệnh không có triệu chứng". Họ được cách ly và theo dõi nhưng không được thống kê vào danh sách 80.000 ca mắc Covid-19 ở tại Trung Quốc vào thời điểm đó.
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể ước đoán về nguy cơ lây lan virus của các bệnh nhân "mang bệnh thầm lặng" trên. Một bệnh nhân mắc Covid-19 thường xuất hiện triệu chứng bệnh trong 5 ngày, có dù thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 3 tuần.
Các trường hợp "giấu triệu chứng" này đang làm phức tạp thêm các kế hoạch đối phó với Covid-19 ở nhiều quốc gia.
Một trở ngại khác là các nước đếm số ca nhiễm bệnh khác nhau. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại tất cả những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đều được xác nhận là mắc Covid-19 bất kể họ có xuất hiện triệu chứng hay không. Hàn Quốc cũng đi theo khái niệm tương tự.
Nhưng Trung Quốc thay đổi cách đếm số bệnh nhân vào ngày 7/2. Họ chỉ tính những người có triệu chứng là các trường hợp nhiễm bệnh dù sau đó đã đổi lại cách tính tới 2 lần.
Mỹ, Anh, Italy không kiểm tra những người có triệu chứng, ngoài các nhân viên bị phơi nhiễm thời gian dài với virus.
Việc Hàn Quốc và Trung Quốc quyết định xét nghiệm bất cứ ai tiếp xúc gần với bệnh nhân, bất kể người đó có triệu chứng hay không có thể là một trong những lý do khiến họ phần nào kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh. Hong Kong cũng đang tính xét nghiệm cho các du khách tới thành phố này ngay cả khi họ không có triệu chứng.
Ở thái cực ngược lại, tại Âu-Mỹ, các quốc gia không mạnh tay và quyết liệt trong việc xét nghiệm đều đang chứng kiến mức tăng chóng mặt của các ca nhiễm.
"Không phải người Mỹ nào cũng cần xét nghiệm. Khi bạn tới bệnh viện xét nghiệm, bạn sẽ phải dùng thiết bị bảo hộ, khẩu trang, găng tay, vốn được ưu tiên cho nhân viên y tế đang chăm sóc những người nhiễm virus", Anthony Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ nói trong cuộc họp báo hôm 11/3.
Giới chức y tế bang New York, California mới đây công bố các hướng dẫn mới. Theo đó, sẽ không có chuyện xét nghiệm trên diện rộng mà ưu tiên cho các nhân viên y tế và các trường hợp bệnh nghiêm trọng để tiết kiệm các bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ. Nhiều địa phương khác cũng có quyết định tương tự.
"Vào thời điểm khẩu trang và thiết bị bảo hộ đang trở nên khan hiếm, mỗi khi làm xét nghiệm không cần thiết cho một người, chúng ta đang tước đi công cụ sinh tồn của các nhân viên làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt", Demetre Daskalakis, một quan chức y tế New York cho hay.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác đang dần thay đổi quan điểm hạn chế xét nghiệm khi số ca nhiễm nhảy vọt từng ngày.
Giới chức Anh đang xem xét nâng số trường hợp xét nghiệm trong ngày lên 25.000 người so với mức 4.000/ngày như hiện tại. Pháp cũng dự tính tăng mạnh số lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 thêm nhiều lần thay vì mức 5.000 trường hợp/ngày hiện nay.
Ở Italy, thị trấn Vò, gần Venice dường như khống chế thành công sự lây lan virus nhờ chiến lược xét nghiệm với toàn bộ 3.300 dân.
Ngày càng có thêm nhiều nghiên cứu đặt câu hỏi về tuyên bố trước đó của WHO rằng việc lây truyền virus khi không có triệu chứng là cực kỳ hiếm. Một báo cáo của phái đoàn WHO sau chuyến đi tới Trung Quốc ước tính số các bệnh nhân "mang bệnh thầm lặng" chỉ chiếm 1 đến 3% các ca bệnh.
Nhưng theo dữ liệu mật của chính phủ Trung Quốc mà SCMP tiếp cận được, số ca mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng có thể chiếm tới 1/3 ca bệnh.
Trong lá thư gửi tới Tạp chí quốc tế về Các bệnh truyền nhiễm hồi tháng 2, nhà dịch tễ học tới từ Đại học Hokkaido Hiroshi Nishiura cho biết dựa trên nghiên cứu của ông và cộng sự, tỷ lệ công dân Nhật Bản mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng được di tản khỏi Vũ Hán là 30,8%, tương đương với thống kê của chính phủ Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc - quốc gia xét nghiệm gần 300.000 trường hợp có liên hệ chặt chẽ với các mắc Covid-19, hơn 20% các ca bệnh không có triệu chứng cho tới khi họ xuất viện.
"Hiện nay, Hàn Quốc có tỷ lệ các trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác, có thể là do các xét nghiệm rộng rãi của chúng tôi", Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho hay.
Một nguồn tham khảo khác tới từ du thuyền Diamond Princess. Trong 712 người được xác nhận mắc bệnh trên tàu, 334 người không có triệu chứng, tương đương 46%.
Một báo cáo của EU dự đoán tỷ lệ các ca mắc Covid-19 không biểu hiện triệu chứng ở Italy có thể ở mức 44%. Nhưng ngoài thị trấn Vò, rất ít khu vực tại Italy xét nghiệm cho những người không có triệu chứng.
WHO nói rằng các ca "mang bệnh thầm lặng" dường như không phải là yếu tố chính trong các chuỗi lây lan dịch hiện nay. Nhưng một số nhà khoa học không cho là vậy.
Tại một cuộc họp của công ty công nghệ sinh học đa quốc gia Biogen Inc (Mỹ), 3 nhân viên mắc Covid-19 nhưng không có dấu hiệu bệnh đã vô tình gieo rắc virus cho 72 người.
Một nghiên cứu chung của các chuyên gia Trung Quốc, Mỹ, Anh ước tính các ca bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là nguồn lây nhiễm cho 79% các trường hợp được ghi nhận trước khi Vũ Hán phong tỏa hôm 23/1.
Một nghiên cứu riêng biệt của các nhà khoa học từ Đại học Texas tại Austin tin rằng số người chưa phát triển các triệu chứng lây truyền virus cho khoảng 10% trong tổng số 450 trường hợp họ nghiên cứu ở 93 thành phố tại Trung Quốc.
Theo nghiên cứu được đăng tải trên medRxiv, các nhà dịch tễ học đã kiểm tra 91 ca mắc Covid-19 ở Singapore và thấy rằng 48% trong số họ bị lây bệnh từ những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tại một ổ dịch 135 ca bệnh ở tỉnh Thiên Tân, Trung Quốc, 62% bệnh nhân bị nhiễm virus từ những người mắc bệnh mà không có triệu chứng rõ ràng.
Giáo sư Ho Pak-leung tới từ Đại học Hong Kong cho biết số virus mà các bệnh nhân không có triệu chứng mang trong mình tương đương với những người có triệu chứng.
"Tất nhiên, thật khó để nói họ ít lây truyền virus hơn khi họ không ho. Nhưng cũng có những giọt bắn khi họ nói", ông Ho cho hay.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Đại học Hong Kong cho biết có bằng chứng rõ ràng về việc những người nhiễm bệnh có thể truyền virus trước khi xuất hiện các triệu chứng.
"Có rất nhiều báo cáo về việc lây truyền virus khoảng 1-2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng", ông này cho hay.
Một số nhà khoa học cho biết việc những người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng lan truyền virus cho những người khác khiến dịch bệnh này khó kiểm soát hơn hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Bởi trong các trường hợp mắc SARS hay MERS, việc truyền virus tiền giai đoạn xuất hiện triệu chứng không đóng vai trò quan trọng.
Theo Jeffrey Shaman, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia, các ca bệnh thầm lặng vô tình trở thành những người "tạo điều kiện" cho sự lây lan và là tác nhân chính trong dịch Covid-19.
Các chuyên gia tin rằng hiểu biết hơn về các trường hợp không có triệu chứng có thể dẫn tới những điều chỉnh trong chính sách y tế công cộng.
"Bệnh nhân 17" âm tính 2 lần với virus corona, nhiều ca khác có kết quả khả quan |
Mỹ sử dụng kit xét nghiệm virus corona cho kết quả sau 45 phút |
Phó Tổng thống Mỹ và phu nhân không nhiễm virus corona |
Ngày đăng: 08:32 | 24/03/2020
/ vtc.vn