Cụ ông 67 tuổi không người thân thích tại Bảo Sơn, Thượng Hải, qua đời tại nhà mà không ai biết, cho tới khi thi thể ông phân hủy. 

nhung nguoi gia trung quoc chet trong co doc
Cảnh trong phim The Loner năm 2017, kể về cuộc đời của một phụ nữ đơn độc ở Bắc Kinh. Ảnh: Cinemaescapist.

Chỉ đến cuối tháng 7, hàng xóm của người đàn ông không vợ con này mới phát hiện mùi lạ và báo cảnh sát, dù cửa nhà ông không bao giờ khóa. Trước đó một tháng, một cụ bà ngoài 70 sống một mình tại Nam Kinh được phát hiện chết bên cạnh bồn tắm khi một nhân viên công tác xã hội tới thăm theo lịch.

Hai trường hợp này đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc, nơi những người cao tuổi theo truyền thống thường sống cùng và được con cháu chăm sóc. Hiện chưa có con số chính thức về số người già sống neo đơn tại Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem xét tới nhu cầu của nhóm người này khi dân số già hóa.

Chính phủ Trung Quốc dự đoán tới năm sau, nước này sẽ có 255 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 17,8% tổng dân số. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như tuổi thọ của người dân cao hơn, trong khi chính sách một con và những thay đổi về kinh tế khiến tỷ lệ sinh thấp hơn. Các chuyên gia cho biết gần một nửa số người già Trung Quốc trên 60 tuổi không có con cái hoặc không sống cùng các con.

"Truyền thống văn hóa của chúng ta là người cao tuổi sống cùng con cháu và qua đời trong một đại gia đình. Chúng ta đang ở trong thời kỳ tỷ lệ sinh giảm và quy mô gia đình bị thu hẹp, vai trò của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi bị xem nhẹ, trong khi mạng lưới an sinh xã hội cho lứa tuổi này chưa hoàn thiện", Zhu Qin, chuyên gia tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải, cho hay.

"Dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Trung Quốc đang trải qua những gì xảy ra tại Nhật Bản 30 năm trước. Điều đó mang đến cho chúng ta nhiều kinh nghiệm bổ ích", Zhu nói.

Tại khu Yuer ở Thượng Hải, 22% trong tổng số 2.000 cư dân là người trên độ tuổi 60. Một trong số đó là bà Shen Ming, 69 tuổi. Chồng bà Ming qua đời vì ung thư hồi tháng trước. Bà cho biết không giống như những thế hệ trước đó, nhiều người cao tuổi Trung Quốc hiện nay chọn cách sống một mình.

"Cha mẹ và con cái có lối sống và thói quen khác nhau. Sống cùng con cái thường dẫn tới xung đột", bà Ming nói. Bà có hai người con cũng đang sống tại Thượng Hải, nhưng họ phải đi làm và chăm sóc con cái nên vài tuần mới ghé thăm bà một lần.

Giống nhiều người cao tuổi Trung Quốc khác, bà không muốn sống trong nhà dưỡng lão. Một nguyên nhân là do nhà dưỡng lão gần nhất thu phí hơn 5.000 Nhân dân tệ (707 USD) một tháng.

"Hầu hết người già tôi biết trong khu không muốn đến nhà dưỡng lão. Họ bảo như vậy giống như ngồi chờ chết, nhưng tôi thì nghĩ khác. Tôi sẵn sàng đi nếu phí không quá cao", bà Ming nói.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết có khoảng 30.000 tổ chức chăm sóc người cao tuổi trên khắp đất nước, cung cấp 7,46 triệu giường năm ngoái. Con số này tương đương 30 chỗ trong nhà dưỡng lão trên mỗi 1.000 người ngoài 60 tuổi ở Trung Quốc.

Một vấn đề khiến tình hình trở nên đáng quan ngại hơn là ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc mất đứa con duy nhất. Các chuyên gia dự đoán hơn một triệu gia đình Trung Quốc đã lâm vào tình cảnh này và mỗi năm có thêm 76.000 gia đình tương tự.

Người con duy nhất của bà Li Jufen mất vì ung thư năm 2017. Bà Li cho biết nhiều khả năng bà sẽ vào sống trong nhà dưỡng lão trong tương lai. "Tôi từng nghĩ về khả năng chết cô độc tại nhà. May mắn là tôi có đủ lương hưu và khoản tiết kiệm để vào viện dưỡng lão. Tôi cũng chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình", bà Li nói.

Dù chính sách một con đã được thay đổi, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc gần đây vẫn ở mức thấp. Năm ngoái, nước này có 15,23 triệu ca sinh, thấp nhất kể từ năm 2014. Chuyên gia Zhu cho rằng số người già trong dân số Trung Quốc sẽ tăng tới đỉnh điểm vào năm 2030. "Vậy nên trong thập kỷ tới, điều quan trọng là cung cấp các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi".

Chính quyền Thượng Hải đã thực hiện các biện pháp kiểm tra người cao tuổi sống một mình qua điện thoại hoặc các chuyến thăm tại nhà định kỳ. Ông Zhu cho rằng các biện pháp này nhằm tránh việc người cao tuổi qua đời trong cô độc. "Việc người cao tuổi sống một mình là điều không thể tránh khỏi trong các giai đoạn của cuộc đời. Điều quan trọng là họ cần nhận được hỗ trợ từ xã hội và hành động từ chính quyền", Zhu nói.

Bà Shen là tình nguyện viên trong tổ dân phố có nhiệm vụ kiểm tra tình hình của người cao tuổi trong khu vực. "Công việc tình nguyện khiến tôi vui. Có rất nhiều người khác sống một mình như tôi, nếu tôi không gặp họ trong một, hai ngày, tôi sẽ hỏi hàng xóm về tình trạng của những người này", bà Shen nói.

Thu Hương (Theo SCMP)

nhung nguoi gia trung quoc chet trong co doc Người đàn ông Mỹ đi khắp 50 bang cắt cỏ cho người già

Rodney Smith Jr, ở Alabama, đã đi qua 50 bang của nước Mỹ cắt cỏ miễn phí cho người già neo đơn, người tàn tật ...

nhung nguoi gia trung quoc chet trong co doc Dịch vụ chăm sóc thông minh cho người già nở rộ ở Trung Quốc

Thị trường chăm sóc người già bằng các công nghệ thông minh đang hình thành ở Trung Quốc, nơi có 250 triệu người trên 60 ...

nhung nguoi gia trung quoc chet trong co doc Người già Trung Quốc đua lập di chúc để tránh chia tài sản cho dâu rể

Tỷ lệ thuận với các cặp đôi đưa nhau ra tòa, người già Trung Quốc cũng thi nhau lập di chúc để tránh tài sản ...

Ngày đăng: 08:47 | 21/08/2019

/ vnexpress.net