Khi còn bé, Ryu Hee-jin được học biểu diễn bài hát yêu nước, ca ngợi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Sau đó, cô nghe nhạc pop Mỹ và Hàn Quốc.

nhung nguoi dao tau trieu tien bi nhac k pop hap dan
Ryu Hee-jin tập nhảy tại một studio ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Washington Post.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, Ryu chơi gayageum, nhạc cụ dây truyền thống của Triều Tiên tương tự đàn tam thập lục, tại một trường nghệ thuật ở Bình Nhưỡng. Năm 2015, ở tuổi 23, cô đào tẩu sang Hàn Quốc.

"Khi nghe nhạc Triều Tiên, tôi không thấy có cảm xúc", cô nói. "Nhưng khi nghe nhạc Mỹ hay Hàn Quốc, nó thực sự khiến tôi phấn khích. Ca từ rất tươi mới và gợi liên tưởng. Khi những đứa trẻ nghe được nhạc này, nét mặt của chúng lập tức thay đổi".

Thực tế, K-pop (nhạc Hàn Quốc) đang có tác động ngày càng lớn đối với đời sống ở Triều Tiên. Rất nhiều người đào tẩu Triều Tiên cho biết âm nhạc là một trong những yếu tố lôi cuốn họ, theo Lee Kwang-baek, chủ tịch Nhóm Truyền thông Thống nhất Hàn Quốc (UMG).

Sự du nhập của K-pop dần trở thành một xu thế khi mà tỷ lệ sở hữu điện thoại tại Triều Tiên đang gia tăng cùng tình hình giao thương nhộn nhịp tại biên giới Trung - Triều.

Một cuộc khảo sát đối với 200 người đào tẩu Triều Tiên do UMG thực hiện và công bố hồi tháng 6 cho thấy 90% số người được hỏi có xem các bộ phim, chương trình truyền hình và nghe nhạc nước ngoài khi còn ở trong nước.

Ryu là một trong rất nhiều người đào tẩu chia sẻ rằng K-pop và nhạc pop phương Tây "mở mắt" cho họ. Trong phòng riêng của mình ở thủ đô Bình Nhưỡng, Ryu thỉnh thoảng thức cả đêm chỉ để lén nghe đi nghe lại một bản nhạc.

"Chúng tôi được dạy rằng người Mỹ là sói và người Hàn Quốc là con rối của họ", Ryu cho hay. "Nhưng khi nghe nhạc của họ, bạn thực sự phải công nhận họ".

Những người đào tẩu Triều Tiên hiện sống tại Hàn Quốc đã quá hiểu sức ảnh hưởng của tin tức và văn hóa nước ngoài đối với đời sống xã hội tại quê nhà. Những dự án như "Ổ đĩa Tự do" được lập ra để tuồn USB chứa các bộ phim Hollywood và chương trình truyền hình Mỹ cùng những bộ phim truyền hình hay video ca nhạc Hàn Quốc vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, những đơn vị kinh doanh tư nhân đang ngày càng phát triển mới là động lực tạo ra thay đổi mạnh mẽ nhất, với các video được những thương nhân qua lại từ Trung Quốc đưa hàng loạt vào Triều Tiên.

Sự lôi cuốn của K-pop không chỉ nằm ở ca từ hay giai điệu các bản nhạc mà còn được thể hiện qua phong cách thời trang hay kiểu tóc của những nghệ sĩ biểu diễn. "Điều tôi muốn làm là nhuộm tóc và mặc váy ngắn, quần jean", Kang Na-ra, 22 tuổi, cho hay.

Kang, người từng là ca sĩ tại một trường nghệ thuật ở Bình Nhưỡng, đào tẩu năm 2014 để có thể "tự do thể hiện bản thân hơn". Cô đã nỗ lực tham gia thị trường giải trí Hàn Quốc nhưng thừa nhận rằng phong cách hát tại Hàn quá khác biệt. Giờ đây, cô thành công với vai trò một diễn viên, chủ yếu thể hiện vai người Triều Tiên trong các bộ phim Hàn Quốc.

Han Song-ee mới 10 tuổi khi cô lần đầu tiên xem nhóm nhạc Baby V.O.X biểu diễn trong một "buổi hòa nhạc thống nhất" ở Bình Nhưỡng hồi năm 2003. Ban đầu, Han thấy sốc và kỳ lạ khi xem các nghệ sĩ Hàn Quốc nhưng sau khi nghe nhạc của họ, Han lại thấy chúng "khá thú vị".

Cô nhanh chóng bị cuốn hút. Cha Han từng vô cùng giận dữ với mẹ cô khi bà bắt chước kiểu tóc của Baby V.O.X. Sau đó, Han và bạn bè bắt đầu mặc những chiếc quần sặc sỡ giống ban nhạc Hàn Quốc Girls' Generation, nhưng chỉ tại khu họ sống, không phải ở trung tâm thành phố.

nhung nguoi dao tau trieu tien bi nhac k pop hap dan
Han Song-ee kiểm tra điện thoại di động trước khi bắt đầu một chương trình phát thanh ở Seoul. Ảnh: Washington Post.

Han đào tẩu năm 2013 và nay là một vlogger nổi tiếng ở Seoul, nơi cô cũng thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình phát thanh hay truyền hình. Han cho biết ước mơ của cô là cha mẹ có thể xem những chương trình mà cô tham gia.

Năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự một chương trình biểu diễn ca nhạc ở Bình Nhưỡng gồm các màn biểu diễn của những ca sĩ gạo cội cũng nghệ sĩ K-pop trẻ, trong đó có ban nhạc nữ được yêu mến ở Hàn Quốc Red Velvet. Chương trình được phát sóng trên khắp Hàn Quốc nhưng chỉ xuất hiện ngắn gọn trong chương trình tin tức ở Triều Tiên.

Một phụ nữ Triều Tiên đào tẩu hồi năm ngoái cho biết video buổi hòa nhạc được chia sẻ bí mật tại thị trấn quê nhà cô ở gần biên giới Trung Quốc. "Chúng tôi chỉ có thể lén xem bản ghi lậu của buổi hòa nhạc bởi tiêu thụ ấn phẩm âm nhạc Hàn Quốc vẫn là một hành vi phạm tội có thể khiến bạn ngồi tù", cô nói.

Những ngày này, Ryu đang học để lấy bằng quản trị kinh doanh nhưng vẫn mơ được tham gia thị trường giải trí Hàn Quốc hay xa hơn nữa là đến Hollywood, Mỹ.

"Thật khó tin khi nhìn lại quãng đường tôi đã đi được", cô chia sẻ. "Âm nhạc Hàn Quốc thực sự đóng vai trò trung tâm giúp dẫn lối cho tôi trong hành trình của mình".

nhung nguoi dao tau trieu tien bi nhac k pop hap dan Trận chiến Taejon: Quân đội Mỹ chặn đứng đà thắng lợi của Triều Tiên
nhung nguoi dao tau trieu tien bi nhac k pop hap dan Triều Tiên nói vụ thử tên lửa mới của Mỹ "nguy hiểm"
nhung nguoi dao tau trieu tien bi nhac k pop hap dan Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun không làm Đại sứ tại Nga

Ngày đăng: 14:11 | 22/08/2019

/ vnexpress.net