Michael Scott Moore, nhà báo bị cướp biển Somalia bắt cóc suốt hai năm rưỡi, từng có ý định tự tử do quá tuyệt vọng.
Nhà báo Michael Scott Moore. Ảnh: AP.
"Vào thời điểm đó, mọi thứ vô cùng tuyệt vọng", NPR hôm qua dẫn lời nhà báo người Mỹ Michael Scott Moore, đề cập tới hai năm rưỡi bị cướp biển Somalia bắt giam từ năm 2012 đến 2014. Ông đã kể về thử thách đầy gian nan của mình trong cuốn hồi ký "Sa mạc và Biển cả" vừa được xuất bản.
Tháng 1/2012, Moore tới Somalia nhằm tìm kiếm tư liệu phục vụ cho việc viết cuốn sách về lịch sử cướp biển ở vùng Sừng châu Phi, nhưng bị một nhóm cướp biển bắt cóc ở Galkayo.
Nhóm cướp biển ban đầu đòi 20 triệu USD tiền chuộc, nhưng sau nhiều năm thương lượng, số tiền giảm xuống 1,6 triệu USD. Cuối cùng mẹ của Moore ở California đã quyên góp đủ tiền để giải cứu con trai mình.
Nhà báo 49 tuổi cho biết việc để mẹ thương lượng với cướp biển không nằm trong dự định của ông.
"Bà ấy rõ ràng đang run rẩy sợ hãi và chờ đợi cuộc gọi. Nói cách khác, bà ấy biết tôi đã bị bắt cóc. Cuộc gọi đến khoảng một tuần sau khi tôi bị bắt cóc và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tới nhà tôi", Moore kể lại.
Những ngày bị cầm tù
Nhóm cướp biển ban đầu giam Moore trên đất liền, sau đó chuyển ông xuống một chiếc thuyền câu cá ngừ neo đậu trên biển. Vào một đêm, More nảy ra ý định trốn thoát bằng cách nhảy xuống biển.
Do có kinh nghiệm lướt sóng, Moore đã chú ý tới các dòng chảy, và ông rất hăng hái khi nhảy từ boong tàu xuống biển trong đêm tối. Ông cho rằng động cơ cũ kỹ của chiếc thuyền câu khiến nhóm cướp biển không thể ngoặt lại để truy đuổi.
Tuy nhiên, tên chỉ huy đã cho thả một chiếc xuồng cao su xuống để truy tìm Moore. Nhận ra mình có thể bị tàu hàng đâm phải bất cứ lúc nào khi lênh đênh giữa biển, Moore quyết định chấp nhận trở lại tàu cướp biển, sau khi bị chúng dùng đèn pha phát hiện và ném cho ông một chiếc phao cứu hộ.
Mọi chuyện dần ổn định với Moore sau khoảng một tháng, và ông được chuyển giam trong một ngôi nhà trên đất liền. Khi biết mình sẽ không phải di chuyển trong thời gian dài, nhà báo nói với nhóm cướp rằng ông muốn một tấm thảm tập yoga. Moore đã cố tập yoga trước mặt chúng để đánh lạc hướng, nhưng chúng không bao giờ rời mắt khỏi ông và luôn có ít nhất 7 tên lính gác.
"Lần đầu tiên tôi tập yoga, tất cả chúng nhìn qua cửa và cười, nhưng sau đó lại cùng tập với tôi. Một số tên nhận thức được việc thiếu luyện tập cơ thể khi ở trong nhà tù nên đã lấy những miếng bìa các tông ra làm thảm tập tạm thời và bắt đầu làm theo một số tư thế. Tôi đã có lớp học của riêng mình", Moore kể lại.
Một tên cướp biển Somalia có vũ trang đi tuần dọc bờ biển thành phố cảng Hobyo, Somalia, vào năm 2010. Ảnh: AFP.
Ý định tự tử
Cha của Moore từng tự sát bằng súng và điều này khiến ông tổn thương trong thời gian dài. Ông cảm thấy việc bị bắt tại Somalia là lỗi của bản thân nên từng muốn hành động tương tự cha mình. Hơn nữa, vũ khí luôn xuất hiện xung quanh ông, thậm chí những tên cướp từng bỏ súng trường AK trên sàn nhà.
"Suốt thời gian dài, ngày nào tôi cũng nghĩ mình có nên tự tử hay không. Mẹ đang trải qua khó khăn để đưa tôi ra ngoài, hoặc có thể ai đó đang lên kế hoạch và mạo hiểm mạng sống để cứu tôi. Tôi cho rằng tự tử có thể giải quyết tất cả và kết thúc vấn đề", Moore chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà báo đã quyết tâm sống sót sau khi củng cố lại tinh thần. Ông quyết định tha thứ cho đám lính gác và những kẻ gây hại cho mình. Một điều tích cực khác Moore nhận được là ông có bút và giấy để viết và không nghĩ về ý định tự tử.
Được trả tự do
Cuối cùng Moore cũng được trả tự do với khoản tiền chuộc 1,6 triệu USD mà mẹ ông quyên góp từ gia đình, bạn bè và tạp chí mà ông làm việc.
"Mọi thứ đến rất đột ngột và tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi không hề tin rằng mình sắp tự do, thậm chí khi nhóm cướp biển nhiều lần nói với tôi điều đó. Chúng từng nói thế cả trăm lần rồi, nên tôi không còn tin nữa", Moore cho biết.
Anh kể lại rằng một chiếc xe tới vào giữa ngày hôm đó, dấu hiệu khá bất thường. Nhóm cướp biển nói anh sẽ được đưa tới sân bay, còn chúng chỉ bàn giao anh cho những người Somalia khác. Điều này khiến Moore nghĩ rằng mình sắp bị bán cho băng đảng khác, thậm chí đó có thể là nhóm khủng bố khét tiếng al-Shabaab.
"Nhưng lần này tôi được đối xử theo cách khác, không bị nhốt trên xe với những gã trang bị súng trường. Đó chỉ là những phiên dịch viên nói tiếng Anh, không có nhiều vũ khí. Người Somalia tiếp nhận tôi đã gọi điện cho người đàm phán phụ trách vụ việc. Cả hai đều có vẻ phấn khởi và thực sự hạnh phúc", Moore kể lại.
"Họ nói rằng \'Michael, anh sẽ tới sân bay và phi công của anh tên là Derek\'. Sau đó tôi biết rằng mình sẽ tự do và thấy nhẹ nhõm hơn. Đó là những cảm xúc theo trình tự, nên sự phấn khích của tôi không quá đột ngột", Moore chia sẻ.
Cướp biển Somalia hoành hành trong phạm vi gần bờ biển nước này, tấn công các tàu và bắt cóc nhiều người. Tuy nhiên, hoạt động của chúng đã suy giảm trong những năm gần đây, chủ yếu do các công ty vận tải tăng cường biện pháp đề phòng và có sự hiện diện của các tàu chiến quốc tế.
Ánh Ngọc
Chấn động vụ cướp biển “thảm sát” ngư dân ở Nam Mỹ
Tổng thống Guyana (quốc gia ở Nam Mỹ) David Granger lên án “vụ thảm sát” của cướp biển nhằm vào ngư dân hồi tuần trước ... |
Vụ án góp phần xóa sổ nạn cướp biển ở Đại Tây Dương
Bọn hải tặc đầu sỏ luôn là những “khuôn mặt đen” khét tiếng nhất, cũng như bị người đời căm ghét nhất ở bất cứ ... |
Phát hiện bất ngờ về tàu của cướp biển khét tiếng nhất thế giới
Các chuyên gia mới tìm thấy một số mẩu giấy trong một cuốn sách trên con tàu Queen Annes Revenge hé lộ sở thích của ... |
Lạc trôi ở quần đảo thiên đường trong Cướp biển vùng Caribbean
Thành công vang dội của loạt phim ăn khách Cướp biển vùng Caribbean không chỉ nâng cao vị thế đốn tim người hâm mộ của ... |
Ngày đăng: 21:45 | 31/07/2018
/