Làm việc liên tục hơn 20 tiếng mỗi ngày trong nắng nóng để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, truy vết "các F", nhiều nhân viên y tế Bắc Ninh đã ngất xỉu vì kiệt sức.
Hơn 1h sáng 14/5, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Thủy cùng hơn chục đồng nghiệp mới được đặt lưng sau một ngày cật lực xét nghiệm lần hai cho gần 15.000 dân. Vừa thiu thiu, chị choàng tỉnh vì chuông báo tin nhắn. CDC tỉnh "dội về" 6 trường hợp dương tính mới. Xã Mão Điền, huyện Thuận Thành đang là tâm dịch với trên 160 ca dương tính trong 10 ngày qua.
Chị Thủy búi tóc, gọi thêm một số đồng nghiệp cùng bắt đầu quy trình truy vết. Những giọng nói có điểm chung là khàn đặc, không ngừng vang lên trong trạm y tế. "May mắn là giờ này gọi xuống thôn vẫn đang có người trực, nhiệt tình cùng chúng tôi truy vết", nữ trạm phó 50 tuổi chia sẻ.
Truy vết xong "các F" của 6 người này, chị buông điện thoại, ngước lên, nắng sớm mai chói lòa trước mắt. Lại một đêm trắng trong nhiều đêm chị đã trải qua, từ khi dịch bùng phát ở đây. Làng quê thuần nông bên dòng sông Đuống đã bị phong tỏa từ 8/5. Cuộc chiến bên trong vẫn đang nóng rực như chảo lửa.
Nhân viên y tế từ khắp nơi được huy động về Mão Điền lấy mẫu xét nghiệm toàn dân trong đêm 7/5. Ảnh: Lê Thị Nhung. |
Hôm 5/5, Mão Điền ghi nhận ca dương tính đầu tiên. Chỉ sau một ngày, địa phương này đã ghi nhận thêm gần chục ca mới. Chỉ thị xét nghiệm toàn dân của xã được ban hành ngay trong đêm 7/5.
Mão Điền có 14.000 dân với 8 thôn, nên việc phải truy vết nhanh, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm là áp lực rất lớn. Tối đó, 100 nhân viên y tế từ các bệnh viện công và tư trong tỉnh được huy động về đây hỗ trợ. Từng đoàn người bước xuống xe trong bộ đồ bảo hộ trắng xóa. "Lúc đó tôi ngổn ngang nỗi lo không hoàn thành mục tiêu, không phối hợp nhịp nhàng, lo không thể ổn định trật tự vì dân quá đông", nữ nhân viên y tế với 24 năm công tác ở Mão Điền, giãi bày.
Nhưng khi vào việc, họ nhanh chóng tìm ra cách "giao tiếp" với nhau qua bảng tên trên áo, qua ánh mắt và những cái gật đầu. Cảm giác tay đau, chân mỏi và họng khô khốc của mọi người bị nhấn chìm trước guồng công việc. Tới hơn 4h sáng, nhóm của chị Thủy hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với các tổ khác, trong đêm 7/5, 10.700 mẫu dịch hầu họng đã được vận chuyển về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh để làm xét nghiệm.
Ngủ ít, đi nhiều, nói không ngừng... song điều khiến chị Thủy thấy khó khăn, mệt mỏi nhất lại là lúc "chưa bắt được các F". Sáng 14/5, tổ của chị phát hiện có một người từng đi khám tiểu đường hôm 6/5 tại Trung tâm y tế Thuận Thành, có liên quan tới ổ dịch 6 người vừa phát hiện. Từ sáng đến trưa, 4 nhân viên của trạm gọi người đàn ông này tư vấn, giải thích về việc cần thiết phải đi cách ly mà ông không hợp tác, giọng thậm chí còn mắng át cả nhân viên y tế.
"Chúng tôi đang định làm biện pháp mạnh hơn thì đầu giờ trưa bác ấy ra lên xe đi cách ly tập trung. Rõ ràng bác ấy vẫn ra như lịch hẹn, nhưng lại cố tình làm khó, khiến chúng tôi vô cùng căng thẳng", chị Thủy chia sẻ.
Là nhân viên của Trung tâm y tế huyện Thuận Thành chi viện cho ổ dịch Mão Điền, y sĩ Lê Thị Nhung cho biết chưa bao giờ trải qua những ngày căng thẳng và kiệt sức vừa qua. "Hình ảnh dịch cứ nghĩ chỉ có trong phim Hàn Quốc, chứ chưa bao giờ nghĩ ngoài đời thường", chị nói.
Nhung nhận nhiệm vụ tại đây tối 7/5. Đầu đêm chị lấy mẫu ở trung tâm y tế xã này. 2h sáng lại nhận nhiệm vụ sang xã bên cạnh lấy gấp cho 24 trường hợp F1. Xong nhiệm vụ quay về, chị tiếp tục lấy mẫu cho những người dân vẫn đang chờ ở sân Mão Điền. Lúc ngơi tay đã là 4h32 phút sáng. "Tắm gội xong là 5h đúng. Tôi chìm vào trong cơn mộng mị với mái tóc còn ướt", chị kể.
Sau chiến dịch xét nghiệm, số ca dương tính tăng lên chóng mặt, hàng chục ca mỗi ngày. Chị Nhung bám trụ địa bàn tham gia vào đội truy vết, lập danh sách báo lên cấp trên theo giờ.
Ngày 9/5, chị nhận nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân tới các khu cách ly. Dưới trời nắng nóng trên 35 độ C, nữ y sĩ 43 tuổi đột ngột gục xuống như cây chuối đổ, ngất xỉu sau chuyến đi thứ 6. Đồng nghiệp dìu vào phòng, cởi vội bộ quần áo bảo hộ, khẩu trang, chị nôn thốc tháo. Nằm được một lúc, nữ y sĩ tỉnh dần, được mọi người cho uống một cốc nước bù điện giải. Mồ hôi chưa ráo, chị lại tiếp tục công việc.
Chị Nhung ướt sũng người và kiệt sức không thể cởi được bộ đồ bảo hộ, sau đó nôn và ngất đi hôm làm việc 9/5. Ảnh: Nguyễn Hướng. |
Hôm đó, chị Nhung không phải là người duy nhất kiệt sức đến ngất xỉu. Một y tá cũng đổ gục giống chị. Ngày hôm sau, hai nhân viên y tế khác ở đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Trong những phút hiếm hoi được nghỉ ngơi, những "nữ chiến binh áo trắng" đùa rằng, giờ không ai dám cởi bỏ khẩu trang lên hình nữa, vì cơ thể ai cũng bị ngứa ngáy, đầy mụn nhọt.
Chồng của y sĩ Nguyễn Thị Hướng, một nhân viên của trạm không kìm được nước mắt nói: "Qua video gọi về, nhìn mặt cô ấy tái nhợt, thất thần, kêu vì nóng quá mà khắp cơ thể ngứa ngáy, nổi mụn. Lòng tôi quặn thắt". Vợ anh nhận nhiệm vụ cách nhà hai cây số nhưng đã 10 ngày, bốn bố con xa mẹ và chưa biết lúc nào đoàn tụ.
Nhiều địa phương khác trong tỉnh Bắc Ninh, các nhân viên y tế cũng đang dốc toàn lực chống dịch. Tối 7/5, chị Nguyễn Thị Lương, bác sĩ bệnh viện huyện Tiên Du, xếp quần áo lên đường làm nhiệm vụ. Hôm trước, chồng chị là một bác sĩ bệnh viện Phổi Bắc Ninh cũng đã vào tâm dịch. Cậu con trai bốn tuổi ngơ ngác: "Sao mẹ lại khóc?". "Đi lần này, không biết khi nào mẹ về được với con", chị cố kìm nén, đáp.
Phút chia tay yếu lòng nhanh qua khi vừa đến viện chị đã cùng 20 đồng nghiệp lên xe cứu thương, đến xã Hiên Vân để lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho hơn 5.000 người. Trùm người trong bộ đồ bảo hộ, chưa đầy một giờ đồng hồ, cả cơ thể Lương ướt sũng. Lấy thông tin bệnh nhân, lấy mẫu dịch họng cho cả trăm người trong buổi sáng khiến chị lả đi.
"Từ nửa đêm tới 12h trưa hôm sau mới được cởi bộ đồ bảo hộ. Lúc cởi đồ, cảm giác như vừa từ bể bơi trèo lên. Mặt đỏ, mắt đỏ vì mất nước. Ai nấy lả đi vì đói. Chưa có cơm ăn, chúng tôi luộc trứng ăn tạm", nữ bác sĩ 30 tuổi nói. Ngày hôm đó, 3 rưỡi sáng Lương và đồng nghiệp mới được ngả lưng.
Các nhân viên y tế huyện Tiên Du tranh thủ ngả lưng sau đêm trắng 13/5 lấy mẫu cho công nhân ở huyện Yên Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Bệnh viện huyện Tiên Du trở thành bệnh viện dã chiến số 1 của Bắc Ninh. Chị Lương cùng với đồng nghiệp được điều động đi khắp các địa phương trong tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm. Ca làm việc của chị thường kéo dài hơn 20 tiếng, chỉ nghỉ lúc ăn trưa, ăn tối. "Chúng tôi chẳng còn tính được ngày hay đêm. Cứ phút nào có thể ngả lưng là nằm xuống, chẳng kể sạch hay bẩn", Lương nói.
Hai vợ chồng đều ở tuyến đầu nên Lương chẳng biết khi nào có thể gọi điện. Họ chỉ có thể nhắn vội cho nhau bằng một câu "Mệt lắm không?" rồi chẳng thể đợi được tin phản hồi, đã tiếp tục cuốn vào công việc.
Tối 14/5, từ vòng ngoài của bệnh viện dã chiến, chị được điều động vào vòng trong - nơi sẽ trực tiếp điều trị cho 86 bệnh nhân dương tính. "Tôi chỉ mong hai vợ chồng bình an, dịch qua nhanh để về với con", chị nói.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thuỳ Dương, chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Các cán bộ y tế tỉnh có tới 70% là nữ, nhiều người con vẫn còn nhỏ. Làm việc với cường độ cao, sự hy sinh, vất vả không thể kể hết nên rất nhiều người đã ngất tại chỗ vì kiệt sức".
Dương Nga
Bắc Ninh khẩn cấp giãn cách xã hội toàn huyện Yên Phong từ 14h hôm nay
Sau khi ghi nhận thêm 11 ca dương tính SARS-CoV-2, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thực hiện giãn cách xã hội với huyện Yên ... |
Bắc Ninh ghi nhận thêm 31 ca dương tính SARS-CoV-2
Trong vòng 24 giờ Bắc Ninh ghi nhận thêm 31 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca trong toàn tỉnh lên 162 ca, trong ... |
Ngày đăng: 18:00 | 15/05/2021
/ vnexpress.net