Tiếng nhạc sôi động trong hộp đêm khiến nhóm bạn trẻ thêm hào hứng. Thứ ánh sáng lấp lánh từ trần nhà chiếu xuống, cùng những ly cocktail thu hút họ từ phút đầu tiên. Mọi thứ thật tuyệt cho đến khi một cô gái ngã quỵ xuống vì đau đớn. Sợ hãi và hoảng hốt, cô nhận ra một mũi kim tiêm vừa cắm thẳng vào mình. Những vụ tấn công bí ẩn bằng kim tiêm đã len lỏi vào châu Âu như thế.

Ai là nạn nhân?

10h tối ngày 14-4, "đêm tiệc sinh viên" ở Grenoble, Pháp bắt đầu. Zoe Stoppaglia vui vẻ trò chuyện với vài người bạn tại quán bar, rồi chọn một ly vang và khiêu vũ cùng bạn bè, theo cách mà một nữ sinh viên tuổi 20 thường tận hưởng. Nhưng vào khoảng 1h sáng, cô đột nhiên cảm thấy rất khó chịu. Stoppaglia ra ngoài để hít thở, nhưng lại càng choáng váng hơn, tới mức quỵ xuống vỉa hè. Bên cạnh cô, trên mặt đất, một chàng trai cũng đang gặp triệu chứng tương tự.

ảnh 1.jpg -0

Đối tượng của các vụ tấn công bằng kim tiêm chủ yếu là phụ nữ. Ảnh: Paudal      

Họ vội vã tìm cách đến phòng cấp cứu vì nghi ngờ mình bị đánh thuốc mê. Song, xét nghiệm cho thấy cả hai đều âm tính với loại thuốc gây mê nguy hiểm GHB. Đêm đó, một cơn đau buốt lạnh chạy dọc chân phải của Stoppaglia và lan lên vùng thắt lưng. Ngày hôm sau, bác sĩ phát hiện ra một vết tiêm ở ngay sau hông cô, dù cô chưa từng điều trị gì gần đây. Mũi tiêm cho thấy Stoppaglia đã bị tấn công. "Họ nói với tôi rằng nguy cơ phơi nhiễm từ mũi tiêm là rất thấp và tôi đã gặp quá nhiều tác dụng phụ. Nhưng ngay cả khi kết quả xét nghiệm ổn, tôi sẽ luôn tự hỏi liệu có thứ gì đó đã được tiêm vào cơ thể mình hay không. Và nếu đúng như vậy, thì chính xác nó là gì?", Stoppaglia hoang mang.

Trong nhiều tuần qua, theo Le Monde, số lượng đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng Pháp ngày càng tăng, với cả nữ giới và nam giới đều là nạn nhân của những vụ tiêm chích giấu mặt, khi thì ở quán bar, lúc lại ở hộp đêm hay trong buổi hòa nhạc. Những người bị đâm, chủ yếu là phụ nữ, thường xuất hiện vết bầm tím với mũi tiêm hiện rõ sau vụ tấn công, cùng triệu chứng choáng váng nặng. Cơ quan cảnh sát quốc gia Pháp cho biết, 302 người đã nộp đơn khiếu nại chính thức về những vết kim tiêm. Cảnh sát đã lập tức vào cuộc, nhưng đáng tiếc, vẫn chưa nghi phạm nào bị bắt.

Cách đó cả nghìn cây số, Lizzie Wilson, một giảng viên trẻ tại Anh, run rẩy kể câu chuyện của chính mình. Lizzie đang trò chuyện cùng nhóm bạn trong quán bar đông đúc tại Nottingham, Anh, thì bất ngờ cảm thấy như bị kim châm ở lưng. Mười phút sau, những phản ứng đầu tiên xuất hiện, Lizzie rơi vào trạng thái choáng váng, buộc những người bạn phải lập tức đưa vào viện với nghi ngờ cô bị ngộ độc. Lizzie trải qua hàng giờ đồng hồ trống rỗng và mất cảm giác ở chân. Cô đã nghe tới vấn nạn đâm kim tiêm từ lâu, nhưng không nghĩ mình cũng trở thành nạn nhân. "Không ai đáng phải rơi vào tình cảnh này. Cơ bản, điều khó chịu nhất là bạn không kể quản trị được cảm giác của mình", Lizzie chia sẻ với New York Times. Những vụ việc tương tự liên tục xảy ra từ đầu năm 2021 với khoảng 1.000 trường hợp bị tấn công bằng kim tiêm xảy ra trên khắp nước Anh chỉ trong tháng 10-2021 - cũng là thời điểm sinh viên quay trở lại trường sau thời kỳ phong tỏa kéo dài vì COVID-19.

Báo cáo của Quốc hội Anh đưa ra hồi tháng 4 vừa qua nhấn mạnh, tình trạng này thậm chí có xu hướng tăng đột biến, với khoảng 1.300 vụ tấn công được báo cáo trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng vẫn còn thiếu dữ liệu để đánh giá mức độ vấn đề. "Không ai hiểu chính xác mức độ nghiêm trọng của sự gia tăng các vụ tấn công, cho dù là do uống rượu, ma túy hay kim tiêm, và không ai biết nguyên nhân khiến thủ phạm làm điều đó", báo cáo viết. Các cuộc điều tra được cho là vẫn đang tiến hành, nhưng cho đến nay, khuôn mặt của kẻ tấn công vẫn nằm trong bóng tối.

Những mũi tiêm "không động cơ"

Trong các vụ tấn công bằng kim tiêm, kịch bản thường là: nạn nhân đang đi chơi với bạn bè tại hộp đêm thì cảm thấy buồn nôn sau khi uống một lượng nhỏ rượu. Nạn nhân, phần lớn là phụ nữ, sẽ bất tỉnh và được bạn bè đưa về nhà hoặc đến bệnh viện. Ngày hôm sau, nạn nhân khó nhớ những gì đã xảy ra. Sau khi kiểm tra cơ thể, nhiều người phản ánh đã tìm thấy vết kim châm, vết xước hoặc vết bầm tím, theo Psychology Today. Các nạn nhân, thay vì im lặng, đã chia sẻ hình ảnh các mũi tiêm lên mạng xã hội, với lo ngại rằng họ có thể đã bị tiêm ma túy hoặc chất kích thích vào cơ thể với ý đồ xấu.

"Sự lo lắng và tức giận mà giới trẻ cảm thấy vào thời điểm này là có thật", Fiona Measham, giảng viên tội phạm học tại Đại học Liverpool nhận định. Bà cho rằng nguy cơ bị tấn công bằng kim tiêm là rất thấp, và nguy cơ bị lây nhiễm do bơm kim tiêm là rất khó xảy ra, nhưng không phải là không thể. Trong khi đó, Giáo sư Adam Winstock thuộc Trung tâm khảo sát Thuốc toàn cầu nói với BBC rằng việc có thể tiêm chất kích thích vào da, xuyên qua các lớp quần áo, khi cơ thể đang vận động là "không có khả năng". Thorrun Govind, dược sĩ và chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm Hoàng gia Anh, đồng ý rằng rất khó để đưa một loại thuốc vào cơ thể qua kim tiêm mà không được sự đồng ý.

ảnh 2.jpg -0

Phía cơ quan điều tra cũng có những nhận định riêng. "Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ loại ma túy hoặc chất gây nghiện nào, hoặc bằng chứng khách quan nào chứng minh cho việc sử dụng hoạt chất với mục đích bất chính hoặc tội phạm", Tiến sĩ Emmanuel Puskarczyk, người đứng đầu trung tâm kiểm soát chất độc của thành phố Nancy, Pháp, cho biết sau khi lấy mẫu xét nghiệm của các nạn nhân được cho là bị tấn công bằng kim tiêm.

"Điều chúng tôi sợ nhất là nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan hoặc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào", ông nói thêm. Nhưng trung tâm National Aids Trust lại khẳng định: "Việc nhiễm HIV từ một vết thương do kim tiêm là cực kỳ hiếm". Nhận định này dường như đang muốn nói lên rằng: Những kẻ giấu mặt đã tấn công với không một động cơ rõ ràng nào. "Ở giai đoạn này, chúng tôi chưa thể khẳng định phương thức gây án cụ thể. Các vụ tấn công có điểm chung là diễn ra trong không khí tiệc tùng ở hộp đêm, nhưng không có bất kỳ điểm tương đồng nào khác", AP dẫn lời một quan chức thuộc cơ quan cảnh sát quốc gia Pháp cho biết.

Cảnh sát hạt Nottinghamshire, Anh cũng khẳng định chưa ghi nhận tình trạng các nạn nhân, ngoài việc bị đâm kim tiêm, gặp phải hành vi tấn công nào khác bao gồm cả quấy rối tình dục. Kathryn Craner, cảnh sát trưởng hạt Nottinghamshire chia sẻ thêm: "Một số ít nạn nhân đã nói rằng họ có thể lập tức cảm thấy vết đau như thể bị đâm. Chúng tôi không tin rằng đây là những sự số có chủ đích; chúng khác biệt rõ ràng với bất cứ vụ tấn công nào chúng ta đã thấy trước đây".

Có hay không mũi tiêm ảo giác?

Từ những vụ tấn công liên tục mà không tìm ra thủ phạm, cho tới những động cơ tấn công không thể được làm rõ, và cả các bằng chứng về việc không hề có chất kích thích được "cài cắm" trong các mũi tiêm, giới nghiên cứu đang nhìn nhận trào lưu tấn công bằng kim tiêm theo một cách khác. Họ đặt câu hỏi: Có bao nhiêu trường hợp thực sự bị tấn công, và có bao nhiêu trường hợp chỉ là ảo giác. Nhất là khi các nạn nhân đều thừa nhận bị châm chích sau khi đã uống một vài ly rượu tại quầy bar - nghĩa là - họ không tỉnh táo?

Theo một nghiên cứu của Robert Bartholomew, nhà xã hội học y tế tại Đại học Auckland, đăng trên tạp chí Psychology Today, có thể xuất hiện mối liên hệ giữa sự tăng đột biến các vụ tấn công với vấn đề "hoảng loạn xã hội". "Sau hai năm phong tỏa vì đại dịch, các hộp đêm ở Anh mới hoạt động trở lại bình thường vào mùa hè năm 2021. Những người trẻ tuổi đã phải chịu đựng sự cô lập, gián đoạn trong giáo dục, tình bạn và đời sống tình cảm suốt thời gian dài. Họ đã bị tấn công bởi những bản tin đáng sợ về COVID, và khi các câu lạc bộ mở cửa trở lại, vẫn còn đó nỗi sợ hãi về virus và cảm giác tội lỗi nếu lây truyền dịch bệnh cho người thân. Kim tiêm, một vật gây sợ hãi đối với nhiều người, có thể đại diện cho sự lo lắng về việc tiêm chủng và nỗi sợ lây nhiễm", ông phân tích. Viện dẫn hội chứng Havana, ông cho rằng hoảng sợ, lo lắng và căng thẳng có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất thực sự và đây có thể là một phần của những gì người ta mô tả trong các vụ tấn công.

Tờ báo Pháp Sud Ouest gần đây cũng đưa tin về hội chứng "hoảng loạn xã hội" tại một hộp đêm ở Dordogne sau khi hai người đàn ông và một phụ nữ nói với cảnh sát rằng họ đã bị đâm bằng kim tiêm. Tại một hộp đêm khác ở Montauban, đám đông hơn 50 người cũng sợ hãi rời đi với hai phụ nữ ngất xỉu sau khi một người đàn ông hét lên: "Tôi đã bị đâm". Patrick Malvaes, chủ tịch Hiệp hội Vũ trường & Địa điểm Giải trí Quốc gia Pháp lo ngại rằng dư luận đã tập trung quá nhiều vào các vụ tấn công bằng kim tiêm dù chưa được kiểm chứng. Ông cũng tin rằng trong nhiều trường hợp các vụ tấn công không có liên quan đến ma túy: "Không có bằng chứng về việc tiêm thứ gì đó giống như ma túy (vào cơ thể nạn nhân). Không có hậu quả nặng nề. Không có bằng chứng về GHB hoặc các loại ma túy khác", ông nói.

Bình luận của các chuyên gia, theo The Independent, nhằm trấn an sự hoảng loạn trong những người trẻ. Tuy nhiên, dù là những là tố cáo tấn công hay những phán đoán về "ảo giác" bị đâm đều cần dựa trên dữ liệu thực. Nghị sĩ Yvette Cooper, Chủ tịch Ủy ban Nội vụ của Nghị viện Anh, kêu gọi cảnh sát điều tra tình trạng tấn công bằng kim tiêm và biên soạn một báo cáo đánh giá toàn diện về các vụ việc. "Chưa có đánh giá chủ động về quy mô của vấn đề trên", bà Cooper nói. Trong khi chờ đợi mọi chiến dịch thống kê và điều tra quy mô lớn được thực hiện, vấn nạn tấn công bằng kim tiêm vẫn âm thầm xuất hiện tại nhiều nơi khác ở châu Âu. Một loạt vụ việc tương tự đang xảy ra tại các hộp đêm, các buổi xem bóng đá, hay trong các sự kiện đông người tại một vài quốc gia châu Âu khác, trong đó có Bỉ. Tháng trước, văn phòng công tố Brussels đã mở hai cuộc điều tra sau khi nhiều phụ nữ tố cáo rằng họ bị đâm bằng kim tiêm trong cuộc diễu hành ủng hộ LGBT ở trung tâm thành phố. Liệu một vấn nạn vẫn đang nằm trong nghi vấn sẽ kịp thời được dập tắt, hay tiếp tục len lỏi vào từng con phố châu Âu?

https://antgct.cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/nhung-mui-tiem-vo-chu-hay-van-nan-moi-tai-chau-au--i657104/

Ngày đăng: 09:56 | 21/06/2022

An Nhiên / Công an nhân dân