Sau 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống (dự kiến được phê duyệt trong quý I-2022) sẽ là những mảnh ghép cuối để Hà Nội hoàn thành lập, phê duyệt 100% đồ án quy hoạch phân khu đô thị. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai xây dựng, phát triển đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.

Ảnh: Trần Anh

Hoàn thành khối lượng lớn các quy hoạch

Đóng vai trò trong việc tổ chức, sắp xếp không gian, quy hoạch luôn được xác định đi trước một bước, làm cơ sở để khai thác, sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên; đồng thời là căn cứ hết sức quan trọng cho việc lập kế hoạch, thu hút và quản lý đầu tư; quản lý khai thác và sử dụng các công trình xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo, thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch theo thứ tự, tầng bậc, bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng hạ tầng khung làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã hoàn thành một khối lượng lớn các quy hoạch. Cụ thể, đã phê duyệt 33/33 đồ án quy hoạch chung; 33/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị; 32/32 đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện. Tỷ lệ diện tích phủ kín của quy hoạch xây dựng đạt 95,05%. Các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù được đồng bộ triển khai. Các quy hoạch lập mới và điều chỉnh từng bước đã giải quyết được các vướng mắc trong quá trình đầu tư, tạo thuận lợi cho cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị, nông thôn.

Đáng chú ý, trong năm 2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, thành phố đã phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1 (A, B, C), H1-2, H1-3, H1-4 là khu vực lõi 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, với tổng diện tích khoảng 2.707,47ha. Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên được coi là khó và phức tạp do bị “trói buộc” bởi nhiều quy định, trong đó có những quy định vượt thẩm quyền của thành phố.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 được lập cho đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có chiều dài khoảng 40km, đi qua 13 quận, huyện với quy mô nghiên cứu khoảng 11.000ha. Dân số tính toán theo quy hoạch khoảng 280.000- 320.000 người.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có 4 tính chất, chức năng chính: (1) Là trục không gian đặc trưng hành lang xanh, gồm: Cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch; (2) Bố trí cơ sở giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị; (3) Hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; (4) Cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, 6 quy hoạch phân khu đô thị trên không chỉ định hình các khu chức năng, mà còn giúp Hà Nội giải quyết những thách thức lớn đang phải đối mặt, như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu không gian xanh, giá trị di sản ngày một xuống cấp... nhờ việc kiểm soát sự gia tăng dân số; hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; tăng cường diện tích cây xanh, mặt nước... Đồng thời, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn những giá trị văn hiến và phát triển mới, hiện đại; hướng tới phát triển đô thị bền vững.

Đưa thành phố hướng về sông

Như vậy, tính đến cuối năm 2021, chỉ còn 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và sông Đuống (R6) với tổng diện tích khoảng 12.665ha đất chưa được phê duyệt. Việc chậm phê duyệt 2 đồ án quy hoạch trên là do vướng quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, việc sớm phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống không chỉ là mong đợi của rất nhiều người dân Thủ đô, mà còn là niềm mong mỏi 20 năm nay của đội ngũ làm quy hoạch, khát khao muốn biến Hà Nội từ thành phố quay lưng ra sông thành thành phố quay mặt ra sông.

Để hoàn thiện những mảnh ghép cuối này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống đã được lấy ý kiến của các cơ quan, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định, báo cáo thông qua các cấp, ngành thành phố Hà Nội, lấy ý kiến của Bộ NN&PTNT và hiện đang được báo cáo, xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, sau khi nhận được thỏa thuận thống nhất từ Bộ Xây dựng, thành phố sẽ có đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống (dự kiến trong quý I-2022). Khi đó, thành phố hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn. “Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống được duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn; góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nói.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống

Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, tỷ lệ 1/5000 được lập cho đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng, có chiều dài 11km, đi qua các quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm; quy mô nghiên cứu khoảng 1.152ha. Dân số tối đa theo quy hoạch khoảng 7.890 người.

Mục tiêu quy hoạch nhằm góp phần bảo đảm an toàn về lũ cho dòng sông, cải tạo để bảo đảm giao thông đường thủy, ổn định dòng chảy, chống ngập lụt cho khu vực trên cơ sở ổn định hệ thống đê theo tiêu chuẩn cao. Cải tạo làng xóm ven sông theo hướng kế thừa truyền thống văn hóa - lịch sử của Thủ đô. Phát huy được các yếu tố thuận lợi, tiềm năng phát triển của khu vực, tạo được nét đặc trưng riêng với hệ thống công viên - cây xanh phục vụ du lịch sinh thái góp phần ổn định, nâng cao cuộc sống của nhân dân sinh sống 2 bên khu vực sông. Dự kiến, thành phố phát triển hệ thống đường ven sông; cầu nối đô thị hai bên sông, tạo động lực phát triển cho khu vực.

DẠ KHÁNH

Messi vô địch Copa America: Mảnh ghép cuối cho sự nghiệp hoàn hảo Messi vô địch Copa America: Mảnh ghép cuối cho sự nghiệp hoàn hảo
Nhà giáo Phạm Toàn và bốn mảnh ghép về một Cánh Buồm Nhà giáo Phạm Toàn và bốn mảnh ghép về một Cánh Buồm
Mảnh ghép đau thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ Mảnh ghép đau thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 16:20 | 06/02/2022

/ hanoimoi.com.vn