Pháp năm 2002 hay Italy năm 2010 đều sớm rời cuộc chơi dù tham dự với tư cách ĐKVĐ.
Pháp năm 2002
Đội bóng áo lam vô địch World Cup 1998 trên sân nhà và đến Nhật Bản với ba siêu tiền đạo Thierry Henry, Djibril Cisse và David Trezeguet - lần lượt là vua phá lưới của Ngoại hạng Anh, Ligue 1 và Serie A mùa giải 2001-2002.
Nằm cùng bảng với Đan Mạch, Uruguay và Senegal, giới chuyên môn dự đoán Pháp sẽ dễ dàng đi tiếp. Nhưng thực tế, họ không chỉ sớm dừng bước mà còn không ghi được bàn nào. Pháp bị Senegal, Đan Mạch đánh bại và hòa Uruguay 0-0.
Brazil năm 1966
Hai lần liên tiếp đăng quang vào năm 1958 và 1962 nhưng Brazil phải sớm rời cuộc chơi khi giải đấu được tổ chức tại Anh năm 1966. Họ lần lượt thua Hungary 1-3 và Bồ Đào Nha 1-3 ở vòng bảng.
Pele, người liên tiếp phải nhận những pha phạm lỗi của các cầu thủ Hungary và hậu vệ Joao Morais của Bồ Đào Nha, thề không bao giờ thi đấu ở World Cup nữa. Tuy nhiên, bốn năm sau, ông trở lại tại World Cup 1970.
Italy năm 2010
Marcelo Lippi trở lại dẫn dắt Azzurri với hy vọng đưa họ trở lại đỉnh cao bốn năm trước trên đất Đức. Ông tin rằng đội hình với đa số các cầu thủ từng đăng quang bốn năm trước sẽ làm nên điều thần kỳ tại Nam Phi.
Tuy nhiên, hai trận hòa với Paraguay và New Zealand, trước khi bị Slovakia đánh bại 2-3 khiến thầy trò Lippi sớm phải về nước với vị trí bét bảng. Không lâu sau đó, Lippi mất việc và Cesare Prandelli lên thay.
Tây Ban Nha năm 2014
Tây Ban Nha nâng Cup vô địch năm 2010 tại Nam Phi và vô địch Euro 2012 với một dàn cầu thủ đồng đều và đầy tài năng. Vì thế, khi đến Brazil năm 2014, đoàn quân của HLV Vicente del Bosque được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch.
Dẫu vậy, giải đấu chấm dứt với đội tuyển xứ đấu bò chỉ sau hai trận. Họ bị Hà Lan đè bẹp 5-1, trước khi thất bại 0-2 gặp Chile.
Argentina năm 1958
World Cup 1958 đánh dấu lần đầu có sự góp mặt của đội tuyển Argentina tính từ năm 1934, và họ được xem là một trong những ứng cử viên vô địch.
Tuy nhiên, "các vũ công Tango" bị ĐKVĐ Tây Đức đánh bại ở trận ra quân. Chưa dừng ở đó, họ phải nhận một trận thua tủi hổ trước Tiệp Khắc với tỷ số 1-6. Argentina rời giải với vị trí bét bảng và hiệu số -10.
Argentina năm 2002
Bảng F tại World Cup 2002 được xem là bảng tử thần với sự hiện diện của Argentina, Anh, Thụy Điển và Nigeria. Tuy nhiên, Argentina vẫn được đánh giá cao hơn cả.
Sau trận mở màn thắng Nigeria 1-0, Argentina thua Anh với tỷ số 0-1 trước khi hòa Thụy Điển và bị loại.
Colombia năm 1994
Thể thức thi đấu của World Cup 1994 giống với năm 1990 khi 16 trong tổng số 24 đội sẽ giành vé vào vòng knock-out. Như vậy, chỉ có một đội phải dừng bước sau vòng bảng.
Cơ hội đi tiếp là rất lớn và Colombia khi ấy là một đội bóng mạnh với chuỗi 30 trận liên tiếp bất bại. Họ từng đánh bại Argentina 5-0 ngay tại Buenos Aires. Tuy nhiên, đội bóng Nam Mỹ thua hai trong ba trận vòng bảng. Romania, Thụy Sỹ và chủ nhà Mỹ đi tiếp. Bàn phản lưới trong trận gặp Mỹ dẫn đến cái chết nổi tiếng của Andres Escobar sau này.
Bồ Đào Nha năm 2002
Bồ Đào Nha là ứng viên đứng đầu bảng D tại World Cup 2002, khi đối thủ chỉ là Ba Lan, Mỹ và chủ nhà Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ bị Mỹ đánh bại ở trận đầu tiên và thua Hàn Quốc ở trận cuối. Park Ji-sung ghi bàn quyết định, giúp đội bóng châu Á tiễn Luis Figo cùng đồng đội về nước.
Italy năm 2014
Azzurri khởi đầu bằng trận thắng Anh 2-1. Kết quả này mở toang cánh cửa đi tiếp của họ vì cùng lượt đấu này, Uruguay bất ngờ để thua Costa Rica.
Tuy nhiên, hai thất bại liên tiếp ở những lượt đấu tiếp theo khiến họ lần thứ hai liên tiếp phải rời World Cup sau vòng bảng. Năm 2018, Italy thậm chí không vượt qua vòng loại.
Anh năm 2014
Cùng với Italy, Anh bị loại ở bảng D World Cup 2014. "Tam sư" không thể có nổi một trận thắng và chỉ kiếm được một điểm duy nhất ở trận hòa Costa Rica 0-0.
Họ chỉ ghi được hai bàn do công Daniel Sturridge và Wayne Rooney. Steve Gerrard và Frank Lampard không thể tạo ra ảnh hưởng trong giải đấu lớn cuối cùng của họ.
Tây Ban Nha năm 1998
Tây Ban Nha nằm ở bảng D World Cup 1998 cùng với Nigeria, Paraguay và Bulgaria. Dù đè bẹp Bulgaria 6-1, thầy trò Javier Clemente sau đó vẫn bị loại vì chỉ đứng ở vị trí thứ ba. Hai đội đi tiếp là Nigeria và Paraguay.
Pháp năm 2010
World Cup 2010 của tuyển Pháp chìm trong bê bối mâu thuẫn nội bộ. Mối quan hệ giữa các cầu thủ, ban huấn luyện và CĐV trở nên rối ren, dẫn đến việc họ sớm phải dừng bước dù là đương kim á quân.
Một số cầu thủ bị đuổi về nhà vì từ chối thi đấu. Pháp bị Mexico và Nam Phi đánh bại. Cùng với trận hòa Uruguay 0-0, họ rời Nam Phi với sự thất vọng.
Bồ Đào Nha năm 2014
Phong độ của Bồ Đào Nha trước giải đấu tại Brazil thiếu ổn định. Tuy nhiên, họ vẫn là đội đã vào đến bán kết năm 2006 và vòng 1/8 năm 2010. Cristiano Ronaldo và các đồng đội được kỳ vọng sẽ đứng nhì bảng đấu gồm Đức, Ghana và Mỹ.
Tuy nhiên với việc bị Đức đè bẹp 4-0, Bồ Đào Nha rời giải vì hiệu số bàn thắng bại kém cỏi dù bằng điểm với Mỹ.
World Cup 2018: Ấn tượng từ những điều lần đầu công bố Nhiều con số, câu chuyện thú vị sẽ là cách giới thiệu ấn tượng về kỳ World Cup lần đầu tiên diễn ra tại nước ... |
Đến Nga xem World Cup, nhớ ghé hết 13 địa điểm này Nếu đến Moscow (Nga) trong dịp World Cup tới đây, ngoài xem bóng đá, bạn hãy tranh thủ tận hưởng và khám phá những điểm ... |
Ngày đăng: 16:34 | 08/06/2018
/ vnexpress.net