Đến thời điểm này, có một số loại thuốc kháng virus có thể ngăn ngừa các triệu chứng và hạn chế lây nhiễm COVID-19 đường uống đang được giới y khoa quốc tế kỳ vọng.
Ứng cử viên hàng đầu là thuốc uống molnupiravir do Hãng dược Merck của Đức và đối tác Mỹ Ridgeback Biotherapeutics nghiên cứu.
Hãng tin AFP ngày 7-3 dẫn thông tin cho biết thuốc này giúp giảm đáng kể tải lượng virus trong vòng 5 ngày điều trị, theo thông tin của Merck đưa ra tại cuộc họp với các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ngày 6-3. Thuốc molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng ở Seattle, bang Washington, Mỹ.
Thử nghiệm giai đoạn cuối cho thuốc Molnupiravir được tiến hành khắp thế giới và kết quả dự kiến được công bố sớm nhất vào tháng 10.
Merck có kế hoạch xin phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir ở Mỹ vào cuối năm nay và có thể xin phép sử dụng khẩn cấp ở Nhật Bản trong vòng 1 hoặc 2 tháng sau đó.
Ban đầu, Molnupiravir được phát triển để điều trị bệnh cúm nhưng được cho là cũng có hiệu quả chống virus Corona. Bộ Y tế và Dịch vụ Con người Mỹ đã ký thỏa thuận mua 1,7 triệu liều với giá 1,2 tỉ USD. Merck đang chuẩn bị sản xuất 10 triệu liều trước cuối năm nay.
Loại thuốc thứ hai có tên là PF-07321332 do Pfizer nghiên cứu. Loại thứ 3 được gọi là AT-527, do Tập đoàn Roche (Thụy Sĩ) và đối tác Atea Pharmaceuticals nghiên cứu.
Pfizer đang thử nghiệm kết hợp giai đoạn 2 và 3 vào ngày 1-9. Còn Hãng dược Atea kỳ vọng sẽ có kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 và 3 vào cuối năm nay.
Chuyên gia Carl Dieffenbach cho biết nếu kết quả khả quan và thuốc được cấp phép sử dụng khẩn cấp, thuốc sẽ được phân phối nhanh chóng.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người sẽ sớm được tiếp cận với thuốc kháng virus có thể uống hằng ngày. Lý tưởng là 1 viên/ngày, uống trong 5 đến 10 ngày sau ngày đầu tiên mắc COVID-19.
Timothy Sheahan, nhà virus học tại Đại học Bắc Carolina, Mỹ, cho biết thuốc uống kháng virus có khả năng giảm bớt các triệu chứng và hạn chế lây nhiễm cho người xung quanh bệnh nhân.
Tại Châu Á, các hãng dược Nhật Bản cũng hướng tới phát triển thuốc điều trị COVID-19 đường uống. Công ty Shionogi bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 cho thuốc viên chữa COVID-19 từ tháng 7. Hãng đặt mục tiêu bắt đầu thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trong năm nay và đưa phương pháp điều trị này ra thị trường vào cuối năm 2022.
Chugai Pharmaceutical giành được quyền phát triển và tiếp thị thuốc kháng virus đường uống ở Nhật Bản từ Roche. Phương pháp điều trị này có thể được cung cấp trên toàn cầu vào năm 2022.
Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ cho phép tạm thời dùng các phương pháp điều trị chưa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để ứng phó với đại dịch, khủng bố sinh học và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khác. Quá trình này mất khoảng 3 tuần, trái ngược với quá trình sàng lọc kéo dài từ 6 đến 12 tháng để được FDA chính thức phê duyệt. Giới chức cũng có thể rút lại cấp phép nếu phát sinh lo ngại về an toàn và hiệu quả.
Nhật Bản có khuôn khổ tương tự, cho phép sử dụng khẩn cấp dược phẩm chưa được phê duyệt trong nước nhưng đang được dùng ở Mỹ, Anh và các quốc gia khác áp tiêu chuẩn tương tự với dược phẩm.
Nhật Bản cần khoảng 2 tháng để sàng lọc dược phẩm dùng cho trường hợp khẩn cấp. Nếu Mỹ cấp phép cho thuốc của Merck và Pfizer dùng khẩn cấp vào cuối năm nay, những dược phẩm này có thể sẵn có ở Nhật Bản chậm nhất là đầu năm 2022, theo Nikkei.
Phương pháp điều trị COVID-19 hiện có ở Nhật Bản bao gồm cocktail kháng thể điều trị cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ nhưng được coi là có nguy cơ cao. Loại cocktail kháng thể này cần được truyền qua đường tĩnh mạch và một đợt điều trị cần từ 3-4 giờ.
Chi phí là một vấn đề đáng lưu ý khác. Thuốc Ronapreve do Regeneron Pharmaceuticals và Roche phát triển có giá 2.100 USD/liều. Mức giá cao khiến việc sử dụng giới hạn ở những khu vực tương đối giàu có với tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe nhất định.
Thuốc kháng virus hoạt động theo cơ chế ngăn chặn virus sinh sôi nên được kỳ vọng sẽ có hiệu quả chống lại các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau. Ngoài ra, thuốc kháng virus được bào chế bằng công thức hóa học nên có thể sản xuất tại các nhà máy dược phẩm hiện có, với chi phí bằng 1/10 hoặc thấp hơn chi phí điều trị bằng kháng thể.
PV (th)
Chuyên cơ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang chở vaccine Abdala về Việt Nam |
Số ca tử vong do COVID-19 giảm, đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” |
Sáng 25/9: Hà Nội có 4 ca Covid-19 đều đã cách ly |
Ngày đăng: 10:03 | 25/09/2021
/ Nghề nghiệp và cuộc sống