Không chỉ có cảnh đẹp hữu tình, Việt Nam còn đậm đà bản sắc văn hóa với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo trên khắp cả nước, thường diễn ra vào mùa xuân và mùa thu.
|
Cứ đến 10/3 Âm lịch hàng năm, nhân dân ở vùng biển Gò Công lại kéo về huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) để dự lễ hội Nghinh Ông. Hàng trăm tàu thuyền trang trí lộng lẫy, thực hiện các nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, bội thu. Đây là lễ hội cầu ngư phổ biến ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình trở vào phía nam, thời điểm tổ chức khác nhau giữa các địa phương. Ảnh: Võ Khắc Hải. |
|
Lễ hội đua bò Bảy Núi ở Châu Đốc (An Giang) là phong tục truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, tổ chức từ 29/8 đến 1/9 Âm lịch, cùng dịp lễ hội Dolta. Những cuộc đua luôn diễn ra hấp dẫn và quyết liệt, thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, vừa giúp phát triển du lịch tỉnh An Giang, vừa giữ gìn được nét văn hóa đặc sắc vốn đã tồn tại từ lâu đời của người dân nơi đây. Ảnh: Võ Văn Bông. |
|
Bên cạnh lễ hội đua bò, lễ hội Bà Chúa Xứ, hay còn gọi là lễ Vía Bà, cũng rất quan trọng với người dân Nam Bộ, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Diễn ra từ đêm 23/4 đến 27/4 Âm lịch tại chùa Bà dưới chân núi Sam, lễ hội mang đầy màu sắc văn hóa cổ địa phương, đáp ứng trọn vẹn đời sống tinh thần của người dân cả về phần lễ và phần hội. Ảnh: Võ Văn Kiên. |
|
Cứ vào dịp lễ hội Ook Om Bok của người Khmer, hay còn gọi là lễ Cúng Trăng, được tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm, hàng trăm nghìn người từ khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại tụ hội về Sóc Trăng để tham gia lễ hội đua ghe ngo. Ảnh: Đinh Công Tâm. |
|
Đây là một trong những dịp lễ hội được bà con mong chờ nhất trong năm nhờ không khí sôi nổi và kịch tính. Tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng nhạc ngũ âm vang vọng cả con sông. Vào thời điểm đó, các con sông rạch vùng hạ nguồn Cửu Long no nước từ thượng nguồn đổ về cho nên đua ghe ngo còn có hàm ý là tiễn nước. Ảnh: Đinh Công Tâm. |
|
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) được tổ chức vào dịp 2/9 hàng năm. Lễ hội diễn ra trong không khí sôi nổi, đoàn kết, thể hiện tinh thần thượng võ và những giá trị văn hóa của dân tộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Trần Nguyễn Hoàng. |
|
Lễ hội đua voi là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên, được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 3 âm lịch tại buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk. Đây là dịp lễ hội quan trọng nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào dân tộc nơi đây. Ảnh: Nguyễn Thành An. |
|
Một hội đua voi truyền thống khác của người M’nông được tổ chức ở Buôn Mê Thuột. Du khách tới đây không chỉ được chiêm ngưỡng cuộc đua độc đáo, hấp dẫn, mà còn được thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Tây Nguyên, cưỡi voi tham quan buôn làng và hòa mình vào không gian hùng vĩ của núi rừng. Ảnh: Hiếu Minh Vũ. |
|
Là một trong những địa phương trồng quế lớn nhất của tỉnh Lào Cai, xã Nậm Đét ở huyện Bắc Hà nổi tiếng với lễ hội quế nhằm tôn vinh loài cây "tiền tỷ" đối với bà con dân tộc nơi đây. Trong lễ hội, những thanh niên được lựa chọn sẽ băng mình qua đống than hồng bằng chân đất để chứng tỏ bản lĩnh là sức mạnh của con người có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách. Ảnh: Huy Trường. |
|
Những hình ảnh trong một lễ hội tái hiện lại lễ rước dâu của người Dao đỏ ở Bát Xát (Lào Cai), với mong muốn những nét văn hóa này không bị mai một. Trang phục của cô dâu được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ, nổi bật với chiếc khăn trùm đầu, yếm quấn bụng và chiếc ô có dải khăn đỏ. Ảnh: Huy Trường. |
|
Lễ rước được làm theo nghi lễ truyền thống. Đội kèn đi trước dẫn lối, theo sau là bên nhà trai, tiếp theo là đoàn nhà gái. Họ đi qua nương, ruộng của nhà chàng trai trước khi về đến nhà chú rể. Trên đường đi cô dâu phải trùm vải đỏ, người phù dâu phải che mặt cho cô dâu. Theo quan niệm của người Dao đỏ, không được để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu bởi sợ mất vía, không gặp may mắn trong đời sống sau này. Ảnh: Huy Trường. |
|
Lễ hội Hoa Lư tại Ninh Bình là lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh người anh hùng của dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, xây dựng nên kinh đô Hoa Lư và lập nên nước Đại Cồ Việt mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất. Hội thi nấu cơm nhanh là một trong các hoạt động của lễ hội nhằm ôn lại văn hóa dân gian, gìn giữ truyền thống cho muôn đời sau. Ảnh: Hoàng Trí Thức. |
Ngày đăng:
21:17 | 20/08/2017
/
Ánh Ngọc/ Zing