Washington từng nhiều lần bỏ rơi lực lượng người Kurd để đổi lấy những lợi ích địa chính trị quan trọng hơn ở Trung Đông.
Phát ngôn viên Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) Kino Gabriel hôm 7/10 cáo buộc Mỹ "đâm sau lưng" khi bất ngờ rút binh sĩ khỏi khu vực miền bắc Syria và để dân quân người Kurd đơn độc đối đầu với chiến dịch quân sự mang tên "Mùa xuân Hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên lực lượng người Kurd bị Washington bỏ rơi trong các xung đột tại Trung Đông.
Theo Ted Galen Carpenter, học giả nghiên cứu an ninh thuộc viện Cato của Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn duy trì chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama khi coi dân quân người Kurd là đồng minh hữu ích trong cuộc xung đột Syria, nơi các bên có lợi ích đan xen nhau.
Dân quân người Kurd rất hiệu quả trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan, nhất là khi được Mỹ cung cấp tài chính, huấn luyện và vũ khí. Tuy nhiên, lực lượng này cũng theo đuổi mục tiêu chính trị riêng là thành lập quốc gia tự trị ở miền bắc Syria.
Dân quân người Kurd tại một chốt gác ở miền bắc Syria sau khi Mỹ rút quân hôm 7/10. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng nhiều lần bày tỏ lo ngại trước sự hiện diện của dân quân người Kurd tại Syria, lực lượng vốn bị Ankara coi là một nhánh của tổ chức khủng bố Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Washington cuối năm 2017 phải tìm cách trấn an Ankara bằng cam kết ngừng vũ trang cho người Kurd sau khi Tổng thống Erdogan tỏ thái độ giận dữ.
Sau khi IS bị đánh bại ở Syria, SDF với dân quân người Kurd làm nòng cốt kiểm soát một khu vực rộng lớn ở đông bắc nước này, dưới sự hậu thuẫn, huấn luyện của các đặc nhiệm và cố vấn Mỹ. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất với người Kurd lúc này chính là sức ép từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh người Kurd tìm cách chống lại nguy cơ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đột ngột ra lệnh rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis coi đây là quyết định "phản bội" người Kurd, đồng minh từng kề vai sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Mattis quyết định từ chức để phản đối, nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm "giảm bớt gánh nặng chi phí ở Syria" của Tổng thống Trump. Dưới sức ép của nhiều tướng quân đội và quan chức cấp cao, Trump chỉ đồng ý để lại một số lượng nhỏ cố vấn quân sự ở Syria để tiếp tục hỗ trợ dân quân người Kurd.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này gần như còn chỉ mang tính biểu tượng và bị chấm dứt hoàn toàn khi lính Mỹ được lệnh rút khỏi căn cứ ở biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ vài ngày trước khi Ankara tiến hành chiến dịch quân sự vào khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Quyết định rút quân của Trump không phải là lần đầu giới lãnh đạo Mỹ hy sinh đồng minh Kurd vì các mục đích địa chính trị lớn hơn.
Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon từng bí mật thỏa thuận với vua Mohammad Reza Shah của Iran để âm thầm cung cấp tài chính, hỗ trợ quân sự cho người Kurd ở Iraq vào năm 1973. Đây là lực lượng nổi dậy chống tổng thống Saddam Hussein, tìm cách thiết lập một nhà nước người Kurd độc lập ở miền bắc Iraq.
Người Kurd khi đó đã xây dựng kế hoạch cùng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Washington. Điệp viên CIA cũng hỗ trợ các đơn vị dân quân người Kurd (Peshmerga) quấy rối quân đội Iraq.
Lực lượng Peshmerga tại thành phố Kirkuk cuối năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, Iran bất ngờ ký hiệp định hòa bình với Iraq và ngừng hỗ trợ cuộc nổi dậy của người Kurd vào tháng 3/1975, khiến người Kurd trở nên bơ vơ trong kế hoạch thành lập nhà nước riêng của mình.
Người Kurd khi đó kỳ vọng Mỹ sẽ ra mặt gây áp lực với Iran để tiếp tục hỗ trợ kế hoạch của họ. Tuy nhiên, tất cả những gì họ nhận được là sự thờ ơ của Washington, vì Iran lúc đó được coi là đồng minh giá trị hơn với Mỹ. Washington sau đó thậm chí còn theo bước Tehran, cắt viện trợ với người Kurd, khiến cuộc nổi dậy của họ nhanh chóng sụp đổ.
Sự kiện này dường như chưa phải là bài học thấm thía với người Kurd. Sau khi Iraq thất bại trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, người Kurd coi đây là cơ hội để thành lập khu tự trị ở miền bắc nước này.
Họ lại tiếp tục háo hức nhận hỗ trợ của Mỹ để thực hiện kế hoạch, và các lực lượng quân sự Mỹ nhanh chóng hiện diện ở miền bắc Iraq để bảo vệ người Kurd dưới vỏ bọc hỗ trợ nhân đạo.
Washington còn lập vùng cấm bay để ngăn quân đội Iraq dập tắt nỗ lực ly khai của người Kurd. Giấc mơ nhà nước độc lập của người Kurd càng được đảm bảo khi liên quân do Mỹ dẫn đầu phát động chiến dịch quân sự chống Iraq năm 2003 nhằm lật đổ tổng thống Saddam Hussein.
Tuy nhiên, chính quyền của Hussein nhanh chóng bị đánh bại, Mỹ xây dựng được chế độ thân phương Tây ở Baghdad và người Kurd ở miền bắc Iraq không còn là ưu tiên hàng đầu. Giấc mơ hợp pháp hóa nền độc lập, tìm kiếm sự công nhận quốc tế năm 2017 của người Kurd bắt đầu vấp phải trở ngại từ chính Washington.
Tháng 9/2017, chính quyền khu vực người Kurd (KRG) do tổng thống tự xưng Masoud Barzani đứng đầu tuyên bố ý định tổ chức trưng cầu dân ý nhằm tách khỏi Iraq. Trước phản ứng của chính quyền trung ương Iraq, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Mỹ đã gây sức ép buộc KRG từ bỏ kế hoạch.
Tay súng người Kurd ở thị trấn Ras al-Ain, miền bắc Syria hôm 6/10. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, chính quyền người Kurd vẫn tiến hành trưng cầu với tỷ lệ ủng hộ độc lập áp đảo. Chính quyền Iraq lập tức tiến hành phong tỏa không phận, áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế và phát động tấn công quân sự vào khu vực nhiều dầu mỏ quanh thành phố Kirkuk do người Kurd kiểm soát.
Chiến dịch quân sự của Iraq diễn ra một cách thuận lợi, khiến người Kurd gần như bị đè bẹp, trong khi Mỹ không thể hiện bất cứ sự phản đối nào với chính quyền Baghdad.
"Dù công khai thừa nhận người Kurd là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống IS, Mỹ đã nhiều lần âm thầm bỏ rơi và để họ đối mặt với các quân đội chính quy. Điều này cho thấy Mỹ sẽ không ngần ngại vứt bỏ người Kurd để đổi lấy lợi ích địa chính trị trong khu vực", chuyên gia Carpenter nhấn mạnh.
Duy Sơn (Theo National Interest)
Ngày đăng: 08:30 | 11/10/2019
/ vnexpress.net