“Năm đó, chưa xây được nhà, vào đúng đêm mưa bão, tôi làm nhiệm vụ gác chắn, gọi điện về nhà, vợ vừa khóc vừa bảo nhà bị tốc mái rồi…”. Đây chỉ là một trong vô vàn câu chuyện của những nhân viên gác chắn đường ngang, khi họ vì đang làm nhiệm vụ mà đành “có lỗi” với gia đình.
Nhân viên lái tàu lên ban. Ảnh: T.E.A |
Đến giờ, khi kể lại đêm mưa bão ấy, anh Dương Văn Kiên - Tổ trưởng tổ gác chắn cung Chợ Sy (xã Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An) - vẫn run run. Anh bảo trời tối đen, bão to, gió quật mạnh, sốt ruột, lo cho vợ và 2 con ở nhà lắm nhưng không được phép lơ là công việc. Lúc chưa có tàu đến, anh tranh thủ gọi về nhà, vợ khóc bảo nhà bị tốc mái rồi, 3 mẹ con phải chạy vào nhà tắm trú…
Anh Kiên cũng nói, anh chạnh lòng lắm vì trong lúc giông bão, khó khăn, gia đình có người đàn ông trụ cột (là anh) thì lại không thể che chở cho vợ con. Trở lại với câu chuyện về vụ tai nạn đường sắt sáng 24.5 vừa qua, anh Kiên trầm tư: “Thực sự là đau xót. Sau vụ tai nạn, Cty đã họp, quán triệt anh em cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, thực hiện đúng quy trình, quy phạm để đảm bảo an toàn chạy tàu. Nhiều nơi từ ga A đến ga B chỉ 5 phút, nếu nhân viên lơ là, dù chưa đến 1 phút thì cũng rất nguy hiểm, mất an toàn; mà mất an toàn cho chính bản thân mình đầu tiên”. Vì tất cả những điều anh Kiên nói là các nhân viên gác chắn đều không làm việc riêng, không uống rượu trong giờ làm việc.
Cũng là chuyện về các vụ tai nạn từng xảy ra tại các chắn ngang, anh Lại Mạnh Hùng - Cung trưởng Cung chắn Biên Hòa 1 - cho biết vất vả nhất là thời gian về đêm. Bởi nhiều người say xỉn hoặc cố tình vượt qua đường sắt, dù lúc đó chắn đã đóng. Thậm chí khi chắn đã kéo đóng hết, có người còn cố tình đến tìm cách mở để đi qua; có người cố lách qua khe hẹp…
Với những trường hợp đó, nhân viên gác chắn vừa phải kiên quyết, vừa phải mềm mỏng với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, một khi họ đã thiếu ý thức hoặc cố tình vi phạm thì lời nhắc nhở cũng thành vô nghĩa. Thế nên, không ít trường hợp nhân viên gác chắn bị người tham gia giao thông chửi bới, thậm chí là đe dọa, hành hung.
Là cung trưởng Cung chắn Biên Hòa 1, khi nghe tin tai nạn xảy ra ở Thanh Hóa, một mặt tăng cường kiểm tra sát sao, quán triệt anh em thực hiện đúng quy trình quy phạm khi lên ban, không chủ quan lơ là, nhưng mặt khác không kém phần quan trọng là anh Hùng đã động viên tinh thần của nhân viên gác chắn để họ vừa thấy được trách nhiệm của mình song cũng không bị giao động tinh thần. Dù đang phải làm công việc nặng nhọc nhưng với anh em và với chính bản thân mình, anh Hùng luôn xác định phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đặc biệt coi vụ tai nạn vừa qua là bài học kinh nghiệm đắt giá, không để lặp lại.
Qua một số cuộc đối thoại giữa lãnh đạo TCty, Công đoàn Đường sắt Việt Nam với nhân viên gác chắn, hầu như các kiến nghị của họ đều nhằm tới việc đảm bảo cho an toàn chạy tàu, an toàn hàng hóa; rất ít kiến nghị cho quyền lợi bản thân, có chăng cũng chỉ là đề xuất cải thiện môi trường làm việc tốt hơn, dù thu nhập bình quân tháng của mỗi người có đơn vị là 7 triệu đồng, có đơn vị là 5 triệu đồng. Thực sự, thu nhập như vậy nhưng những nhân viên gác chắn đường ngang phải đối mặt với nhiều khó khăn, mà trước hết là họ phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Tôi không thể quên, gương mặt vẫn chưa hết hốt hoảng của một nhân viên gác chắn đường ngang kể lại chuyện giữa buổi chiều, 2 đối tượng nghiện hút đạp tung cửa nơi gác chắn, lao vào, ép chị ra ngoài để chúng ngồi trong đó tiêm chích.
Tôi cũng không thể quên, một điểm gác chắn đặt ngay gần bãi tha ma, ban ngày còn có cảm giác rờn rợn, nhưng nam nhân viên gác chắn thì bảo: “quen rồi, đêm nào cũng thấy đom đóm bay lập lòe trên những ngôi mộ”. Tôi càng không thể quên hình ảnh Nguyễn Hữu Dũng - nhân viên tuần gác hầm của Cung cầu đường Lệ Sơn - chăm chú làm việc. Đoạn đường đó chỉ có điểm gác và núi, hầm và…Dũng. Có lẽ vì vậy mà xung quanh điểm gác Dũng trồng rất nhiều các loại cây hoa. Dũng nói vui, 7 năm qua, ngày nào cũng được ngắm tàu chạy qua…
Tôi cũng vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện của những nhân viên tuần đường ngày đêm độc hành, dù mưa bão, giá lạnh hay nắng gắt; có những người đi tuần đoạn đường qua rừng bị rắn cắn, có người bị những thanh niên trêu trọc rồi dọa đánh. Lúc đấy các anh chỉ biết nín nhịn để an toàn cho bản thân và đảm bảo công việc kiểm tra độ an toàn của đường ray.
Còn một hình ảnh nữa mà tôi không thể xóa khỏi ký ức. Đó là lần tôi được tạo điều kiện cùng ngồi trên đầu máy với các anh lái tàu. Chỉ một đoạn đường ngắn từ ga Hà Nội vào đến ga Phủ Lý mà tôi liên tục tái mặt. Đầu tiên, tàu vừa ra khỏi ga Hà Nội chưa được bao xa thì xuất hiện 1 đứa bé đứng ngoáy mông trên đường sắt rồi cười cười kiểu trêu người lái tàu. Sau đó là những hình ảnh người dân phơi chăn chiếu ngay sát đường ray. Thấy tàu đến, họ chạy ra thu vội vào. Lúc ấy, như để tôi bình tĩnh hơn, anh lái tàu kể câu chuyện, có lần tàu chạy gần đến Phủ Lý thì thấy một xe tải vừa chạy băng băng, vừa nháy xi nhan ra hiệu xin đường với đường sắt….
Nhân viên đường sắt trong giờ làm việc. |
Phục vụ bữa ăn cho hành khách trên tàu Thống Nhất. Ảnh: T.E.A |
Xót xa như mất đi người thân
Có những điều không muốn nhắc lại nhưng đôi khi người ta vẫn phải nhắc, dù có đau đớn đến mấy, vì đó là bài học. Sáng 24.5, sau khi nghe tin về vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hóa, tôi đã gọi cho Công đoàn Đường sắt Việt Nam hỏi thêm tình hình. Sở dĩ có cuộc gọi đó vì tôi biết khi xảy ra các vụ tai nạn, lãnh đạo Công đoàn Đường sắt Việt Nam luôn kịp thời có mặt tại hiện trường, tham gia chỉ đạo khắc phục hậu quả; thăm hỏi các nạn nhân; thăm hỏi, động viên CNLĐ tham gia khắc phục sự cố… Khi trên tuyến có sự cố, ngoài thông tin của TCty thì Công đoàn Đường sắt Việt Nam có thông tin riêng từ mạng lưới thông tin là chủ tịch các công đoàn cơ sở, họ có nhiệm vụ nắm bắt kịp thời những vụ việc xảy ra và báo về cho Công đoàn Đường sắt.
Lần này, người cán bộ Công đoàn tôi gọi điện ngắt máy, không nghe. Tôi đoán anh đang bận giải quyết công việc. Sau này anh kể, nhận được tin báo tai nạn, các anh lên đường từ Hà Nội lúc 3 giờ sáng. Vào tới nơi, lập tức thay mặt TCty thăm hỏi các nạn nhân, hành khách. Lúc tôi gọi điện anh và lãnh đạo Công đoàn Đường sắt đang phối hợp cùng TCty và Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội làm các thủ tục giải quyết sự cố. Là người nhiều lần Công đoàn Đường sắt Việt Nam cử đi phối hợp giải quyết sự cố, nhưng lần này, anh thấy xót xa hơn rất nhiều, bởi những người thiệt mạng còn trẻ.
Vào khoảnh khắc ấy, việc cần làm là chăm sóc thi thể của người đã khuất, làm sạch từng đám bùn, vệt dầu mỡ dính trên tóc, để khi người nhà vào nhận bớt phần nào sự thảm thiết. Tôi hỏi: Trong vụ này, người mất và người còn sống (liên quan đến vụ việc) đều là đồng nghiệp và là đoàn viên của các anh, cảm giác của anh ở hiện trường vụ tai nạn thế nào? Trả lời: “Thực sự như mất đi người thân. Đau đớn lắm. Nhưng cũng thấy, đây là bài học kinh nghiệm phải trả giá bằng tính mạng”.
Vâng, người mất và người còn sống đều là người lao động của ngành. Sau vụ tai nạn các đơn vị đều được quán triệt về thực hiện quy trình quy phạm, đảm bảo an toàn chạy tàu. Nhưng hơn cả, mỗi nhân viên của ngành cần được động viên tinh thần để tăng cường trách nhiệm mỗi khi lên ban trong lúc thu nhập còn phải chật vật lắm mới trang trải được cuộc sống.
Ôtô húc văng thanh chắn, lao qua trước mũi tàu hỏa ở Sài Gòn Chiếc ôtô húc văng thanh chắn băng qua đường ray trước khi tàu hỏa lao tới khiến nhiều người dân hốt hoảng. |
Những chuyến tàu thu về 1 triệu đồng: Tiền đâu tăng lương? Ngành đường sắt đang đối mặt với nhiều rào cản khó nâng chất lượng đời sống cán bộ, nhân viên vì số lao động dôi ... |
4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp khiến 13 người thương vong, Bộ GTVT \'xin rút kinh nghiệm\' (VTC News) - Bộ GTVT cho biết đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị ... |
Ngày đăng: 08:49 | 02/06/2018
/ https://laodong.vn