Những trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc mới bị tung lên mạng xã hội trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua tiết lộ những bí mật động trời đằng sau cuộc chiến ở Ukraine.
Từ những tài liệu mật bị rò rỉ
Lần lượt cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) đều phủ nhận tính xác thực của các tài liệu; trong khi đó, FBI ráo riết mở một cuộc điều tra về nguồn gốc rò rỉ tài liệu mật và bắt được nghi can, Jack Teixeira, 21 tuổi, là thành viên của Lực lượng Vệ binh không quân quốc gia Mỹ...
Không một ai đoan chắc được các thông tin này đã bị rò rỉ hay được chủ động tung ra nhằm các mục tiêu chiến thuật hay chiến lược trên chiến trường Ukraine. Phía Nga từng nhận được bài học cay đắng hồi tháng 9 năm ngoái về cái gọi là "cuộc phản công lớn vào khu vực Kherson" của quân đội Ukraine nhưng cuối cùng đòn tấn công của Kiev lại nhằm vào mặt trận Đông Bắc, tái chiếm hàng loạt vùng đất rộng lớn ở khu vực ngoại vi Kharkiv...
Thời gian qua, các quan chức Mỹ và Ukraine không chỉ một lần đề cập đến khả năng Kiev sẽ mở các cuộc phản công vào mùa xuân nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập vào Nga, kể cả bán đảo Crimea. Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng để có thể mở các cuộc phản công trên quy mô lớn như thế, Ukraine cần có một lượng vũ khí khổng lồ cùng số lượng lớn các quân nhân được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Tất cả những cái đó chỉ có được thông qua các nguồn hỗ trợ to lớn từ Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó thì tài liệu mật bị rò rỉ, mà trong đó không loại trừ khả năng có vô số các thông tin thật, giả lẫn lộn, lại cho thấy một bức tranh tương đối bi quan về sự thiếu hụt vũ khí và nguồn lực của phía Ukraine trong cuộc đối đầu với các lực lượng Nga. Chẳng hạn, một tài liệu mật hồi tháng 2 vừa qua của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá kho vũ khí đạn dược dành riêng cho các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô mà Ukraine đang triển khai sẽ sớm cạn kiệt. Đơn cử như hệ thống phòng không SA-11 Gadfly hết đạn vào cuối tháng 3 còn hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 dự kiến sẽ hết đạn vào tháng 5 tới... Mà 2 hệ thống này hiện chiếm khoảng 89% lực lượng phòng không của Ukraine, có vai trò rất quan trọng để chống lại các cuộc tấn công tên lửa thường xuyên của Nga. Do vậy, Ukraine khó có thể chống đỡ hiệu quả các đợt tấn công từ phía Nga, nói gì đến các cuộc phản công nhằm tái chiếm những vùng lãnh thổ đã bị mất trong thời gian hơn 1 năm qua.
Nói cách khác, cuộc chiến của Ukraine giờ đây hơn bao giờ hết phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ vũ khí, khí tài của Mỹ và phương Tây, một sự hỗ trợ đã tới từ rất sớm và đóng vai trò mang tính quyết định giúp cho cán cân cuộc chiến thay đổi một cách đầy kịch tính.
San lấp chênh lệch
Cuối tháng 2/2022, khi Nga bất thần mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với mục tiêu - như phía Nga tuyên bố - nhằm phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và bảo vệ những người dân ở vùng Donbass, nhiều người đã mường tượng ra một cuộc chiến ngắn ngủi. Ở thời điểm ấy, Nga chiếm ưu thế quá lớn so với Ukraine. Quân đổ bộ đường không của Nga chỉ cách Kiev có 25 km và các cánh quân Nga tiến về thủ đô Ukraine từ mọi hướng.
Nhưng, sức kháng cự của Ukraine đã làm chậm bước tiến của quân Nga và Kiev không bị tràn ngập như nhiều người tưởng. Khi thế trận bước vào giai đoạn giằng co, Nga vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều, đặc biệt là về vũ khí khí tài, trang thiết bị quân sự. Mỹ cùng các nước đồng minh châu Âu nhận thấy nếu không nhanh chóng viện trợ cho Ukraine, đặc biệt là về vũ khí thì Kiev khó có thể đứng vững. Chỉ 2 tháng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ngày 26/4/2022, cuộc họp đầu tiên các quốc gia viện trợ quân sự cho Kiev đã được tổ chức với sự tham gia của 41 quốc gia.
Kể từ đó, vũ khí, trang thiết bị quân sự ồ ạt đổ vào Ukraine. Các binh sĩ của Ukraine cũng được cấp tốc đào tạo hoặc ngay trên lãnh thổ Ukraine (do các chuyên gia quân sự phương Tây huấn luyện), hoặc được đưa sang dự các khóa đào tạo ở các nước phương Tây (các kỹ năng chiến đấu, cách sử dụng các loại vũ khí, khí tài hiện đại do phương Tây cung cấp cho Ukraine).
Đã hình thành cả một "liên minh viện trợ quân sự" cho Ukraine do Mỹ đứng đầu. Cho đến tháng 3/2023, có 54 quốc gia tham gia "liên minh viện trợ" này cho Ukraine, trong đó có toàn bộ 30 nước thành viên NATO và 24 nước khác.
Mỹ là quốc gia đứng đầu về viện trợ cho Ukraine. Đến tháng 4/2023, Mỹ đã (cam kết) viện trợ tổng cộng 113 tỷ USD cho Kiev, chia thành 4 gói: Gói tháng 3/2022 (13 tỷ USD); gói tháng 5/2022 (40 tỷ USD), gói tháng 9/2022 (14 tỷ USD) và gói tháng 12/2022 (45 tỷ USD). Trong số này, có tới 50 tỷ USD là viện trợ quân sự, được cung cấp dưới dạng thiết bị vận chuyển từ kho dự trữ của Mỹ, thiết bị mua mới hoặc chi phí mở các lớp đào tạo cho binh sĩ Ukraine. Trong năm 2022, Mỹ đã huấn luyện cho 3.100 quân nhân Ukraine.
Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng tích cực tham dự vào "liên minh viện trợ" cho Ukraine. Trừ 3 nước Hungary, Cyprus và Malta, tất cả các thành viên còn lại của EU đều tham gia viện trợ quân sự cho Kiev. Nhiều quốc gia như Đức, Thụy Điển đã đảo ngược hoàn toàn chính sách viện trợ của mình trước đây (chỉ cung cấp các vũ khí mang tính phòng thủ) mà chuyển sang các loại vũ khí mang tính tấn công như xe tăng; một số quốc gia như Ba Lan, Slovakia đã bắt đầu rục rịch cung cấp các máy bay chiến đấu MIG-29 cho Ukraine...
Không thể phủ nhận chính dòng viện trợ vũ khí ồ ạt này đã giúp Kiev đứng vững trước các đòn tấn công của Nga trong suốt hơn 1 năm qua. Sự chênh lệch về quy mô kinh tế, tiềm lực quốc phòng, trình độ công nghệ ứng dụng trong các trang thiết bị quân sự giữa Ukraine với Nga đã được san lấp một cách tương đối nhanh chóng.
Mà một khi hai đối thủ trong một cuộc chiến có sức mạnh tương đối ngang bằng, không có bên nào chiếm ưu thế hơn hẳn bên kia thì cũng đồng nghĩa với việc không bên nào đủ sức tự mình kết thúc cuộc chiến. Moscow nói nếu phương Tây càng viện trợ quân sự cho Ukraine thì càng làm cho cuộc chiến tranh kéo dài; còn Kiev tuyên bố viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây là yếu tố mang tầm quan trọng sống còn để Ukraine tiếp tục cuộc chiến mà không sớm bị người Nga đè bẹp. Cả hai phía đều đúng.
"Đạo quân trứng Phục Sinh"
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, một câu hỏi nghiêm túc đang được đặt ra: Viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây cho Ukraine sẽ kéo dài đến bao giờ?
Dĩ nhiên, về mặt lý thuyết, Ukraine mong muốn Mỹ và phương Tây viện trợ cho đến khi nào nước này giành lại được toàn bộ các vùng lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea.
Nhưng, đó là một viễn cảnh khá xa vời. Những người quyết định chính sách viện trợ quân sự trong các hành lang quyền lực của Mỹ không có nhiều thời gian chờ đợi đến lúc một viễn cảnh như thế trở thành sự thực. Việc tiếp tục duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine cần phải được khích lệ bằng những biến chuyển tích cực cho phía Ukraine trên chiến trường. Đó là lý do khiến một số quan chức trong chính quyền Mỹ và đặc biệt là phía Ukraine, luôn nói về một đòn tiến công giả định diễn ra trong những tuần lễ sắp tới. Liệu chúng có diễn ra hay đó cũng chỉ là một đòn phép giương Đông kích Tây nhằm đạt tới các mục tiêu khác, chỉ có thời gian mới trả lời.
Mỹ và phương Tây thực hiện viện trợ quân sự cho Ukraine theo chiến lược "leo thang từng bước có kiểm soát" với mục tiêu cao nhất là vừa trợ giúp cho Kiev nhưng đồng thời phải tránh được nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga trong một cuộc xung đột quân sự chắc chắn là thảm khốc. Do vậy, các loại vũ khí trong gói viện trợ cho Ukraine chỉ tăng dần dần về mức độ hiện đại. Chẳng hạn tên lửa bắn loạt HIMARS được viện trợ hồi tháng 7 năm ngoái, đến cuối năm mới có (hứa hẹn) về tên lửa phòng không Patriot, rồi tháng 2 là các loại xe tăng hiện đại M1 Abrams (Mỹ), Leopard II (Đức), Challenger (Anh)...
Việc Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ theo kiểu "leo thang" cho Ukraine còn ẩn chứa một rủi ro lớn, đó là vũ khí càng hiện đại thì binh sĩ Ukraine càng khó tiếp nhận được trong một thời gian ngắn. Đây chính là tình trạng được biết đến dưới tên gọi "đội quân trứng Phục Sinh", để chỉ một đạo quân được trang bị các loại vũ khí khí tài hiện đại một cách nhanh chóng, long lanh, bóng bẩy nhưng dễ vỡ!
Và, mặc dù Mỹ cùng các đồng minh hết sức thận trọng để tránh nguy cơ xảy ra đụng độ trực tiếp với Nga, thế nhưng mức độ mơ hồ của Nga trong việc đặt ra các mục tiêu cho cuộc chiến cho thấy chính sách viện trợ quân sự cho Ukraine cũng đối mặt với rủi ro rất cao. Không ít lần Nga tuyên bố về những "lằn ranh đỏ", nhưng có vẻ như Mỹ và phương Tây đã không dưới một lần vượt qua các lằn ranh này. Vậy đâu là "lằn ranh đỏ" thật sự mà Nga đặt ra trong cuộc chiến ở Ukraine?
Không một ai biết Nga sẽ phản ứng đến mức độ nào khi một "lằn ranh đỏ" tối hậu bị Mỹ và phương Tây vượt qua.
https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/nhung-khoan-vien-tro-day-rui-ro-i691293/
Ngày đăng: 10:30 | 26/04/2023
Yên Ba / antg.cand.com.vn