Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã diễn ra tròn 3 tháng trong thế giằng co; không một ai biết được đến bao giờ cuộc chiến này mới chấm dứt. Những thương vong ngày càng dày lên, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, công việc để lao mình vào hành trình di cư tị nạn đầy bất trắc...
Hậu quả nặng nề cho cả hai phía
Quân Nga rút khỏi khu vực xung quanh Kyiv để tập trung vào việc làm chủ vùng Donbass của Ukraine. Rồi đến lực lượng Nga ở mặt trận Kharkiv cũng lại quay lui về vùng Donbass. Đạn pháo của Nga rơi như mưa xuống khu vực nhà máy thép Azovstal ở Mariupol và lực lượng Ukraine ở đây đã chính thức đầu hàng...
Trên khắp các mặt trận, nơi này phía Nga thông báo đã tiêu diệt được bao nhiêu hỏa điểm của Ukraine; nơi kia, phía Ukraine khoe đã đẩy lùi các lực lượng Nga được bao nhiêu cây số...
Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã diễn ra tròn 3 tháng trong thế giằng co; không một ai biết được đến bao giờ cuộc chiến này mới chấm dứt. Những thương vong ngày càng dày lên, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, công việc để lao mình vào hành trình di cư tị nạn đầy bất trắc.
Cuối tháng 4-2022, Tổng thống Ukraine, ông Zelensky tuyên bố chỉ sau 2 tháng xung đột, theo ước tính Ukraine đã thiệt hại trên 600 tỷ USD, hơn 11,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó khoảng 5 triệu người đã ra nước ngoài. Hàng trăm nhà máy, xí nghiệp bị phá hủy, khoảng 2.500 km đường sá, gần 300 cây cầu hư hỏng. Ukraine thiệt hại hơn 32 triệu km2 không gian sống, hơn 1.500 cơ sở giáo dục, 350 cơ sở y tế...
Đấy mới chỉ là những thiệt hại ở phía Ukraine sau 2 tháng chiến sự.
Đương nhiên là những thiệt hại về phía Nga, đặc biệt là về nhân mạng, cũng không hề nhỏ. Những con số binh sĩ Nga thiệt mạng được các bên đưa ra cách nhau khá xa và không có cơ sở độc lập để kiểm chứng. Sau nhiều tháng giao tranh, người phát ngôn điện Kremlin, ông D.Peskov, thừa nhận rằng những tổn thất về binh sĩ của phía Nga là "đáng kể". Nhiều cơ sở nằm sâu trong lãnh thổ Nga bị tấn công hoặc là mục tiêu của các hoạt động phá hoại. Soái hạm Moscow thuộc hạm đội Biển Đen của Nga, không rõ có phải là đối tượng của một hành động phá hoại có chủ đích hay trúng tên lửa đối hải Neptune của phía Ukraine hay không nhưng đã bị chìm trong khi được lai dắt về cảng...
Cuộc chiến trên mặt trận truyền thông tiếp diễn với mức độ ác liệt không kém. Nga tuyên bố nếu các hành động phá hoại tiếp tục diễn ra bên trong lãnh thổ Nga thì không loại trừ khả năng Nga sẽ coi ban lãnh đạo Ukraine ở Kyiv là mục tiêu của những đòn tấn công bằng vũ khí chính xác! Trong khi đó, một quan chức Ukraine tuyên bố rằng văn bản duy nhất mà nước này ký vào chỉ có thể là văn bản "đầu hàng" của Nga!
Nguy cơ chia tách Ukraine
Bất chấp những thông tin lộn xộn, trái ngược nhau trên chiến trường, có một điểm chắc chắn là Nga muốn nhanh chóng tìm giải pháp chính trị cho những vùng đất mà các lực lượng Nga đang chiếm giữ. Tình báo Anh thông báo rằng, phía Nga có thể đang tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho việc tổ chức trưng cầu dân ý ở vùng Kherson (nằm giữa khu vực bán đảo Crimea với vùng cực Tây Nam của Ukraine) để yêu cầu khu vực này được sát nhập vào Liên bang Nga...
Ngay lập tức, Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 họp tại Wangels, miền Bắc nước Đức ra tuyên bố chung khẳng định lập trường "không bao giờ" công nhận những đường biên giới mới xuất hiện do kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Đáp lại, cựu Tổng thống và Thủ tướng Nga, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga D.Medvedev tuyên bố Nga không quan tâm chuyện G7 không công nhận những thay đổi biên giới với Ukraine. "Điều quan trọng chính là nguyện vọng của người dân sống ở những nơi đó. Đừng quên tiền lệ Kosovo, những người bạn phương Tây của chúng tôi à!" - ông Medvedev nói.
Dường như những hệ lụy của cuộc xung đột quân sự kéo dài suốt 3 tháng qua đối với Ukraine là khó có thể đo đếm được trong ngắn hạn. Trong một cuộc họp báo tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cảnh báo Ukraine sẽ phải sống chung với ảnh hưởng của cuộc chiến với Nga trong 100 năm tới.
Nếu cuộc chiến dằng dai, không đi đến một kết quả nhất định nào đó, nguy cơ đất nước Ukraine bị phân chia thành hai vùng Đông (nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga) và Tây (do Ukraine kiểm soát nhờ sự hỗ trợ của Mỹ và các nước phương Tây) là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đấy là còn chưa kể hành lang phía Nam của Ukraine thông ra biển Azov và Biển Đen đang bị phía Nga kiểm soát phần lớn, nối từ khu vực Donbass ly khai tới bán đảo Crimea, kéo dài sang tận vùng Kherson. Nếu phía Nga, thông qua các cuộc trưng cầu dân ý, sát nhập các khu vực này vào lãnh thổ Liên bang Nga thì có thể nhìn thấy trước là cuộc chiến của Ukraine nhằm giành lại lãnh thổ của mình không biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Điều đó cũng có nghĩa là khả năng Ukraine một ngày nào đó gia nhập NATO là vô cùng nhỏ.
Biển Baltic thành "biển NATO"?
Thế nhưng, những ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, đáng buồn thay, không chỉ giới hạn ở bên trong đất nước có diện tích lớn thứ hai châu Âu này.
Bất chấp những cảnh báo từ Nga, cả Phần Lan (quốc gia đã giữ lập trường trung lập suốt 80 năm qua) lẫn Thụy Điển đều đã nộp đơn gia nhập NATO.
Quá trình Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO chắc chắn sẽ kéo dài bởi ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên cộm cán của NATO chính thức phản đối việc xét kết nạp hai thành viên mới này với lý do hai nước Bắc Âu "chứa chấp" những thành viên của tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố là đảng Công nhân người Kurd (PKK), đồng thời nhiều lần từ chối yêu cầu dẫn độ của Ankara với nhiều "nghi phạm" mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là phần tử khủng bố. Cả Croatia cũng có ý kiến sẽ ngăn cản hai nước Bắc Âu vào NATO liên quan đến việc bỏ phiếu của người Croatia ở nước láng giềng Bosnia và Herzegovina...
Nếu Phần Lan và Thụy Điển thành công trong việc thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ (và bất cứ một thành viên nào khác có quan điểm phản đối) để gia nhập NATO thì trong 9 nước xung quanh biển Baltic gồm Nga, Lithuania, Latvia, Estonia, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Ba Lan, chỉ ngoại trừ Nga, toàn bộ 8 nước còn lại đều là thành viên NATO! Biển Baltic khi ấy trở thành "biển NATO" và Nga sẽ phải chịu bất lợi cực lớn ở khu vực trọng yếu đối với an ninh nước Nga.
Sau Latvia và Estonia có đường biên giới trực tiếp với Nga (Lithuania có biên giới với Belarus, một đồng minh của Nga), nếu Phần Lan được chấp thuận trở thành thành viên, NATO sẽ mở rộng thêm lãnh thổ đến sát nước Nga một lần nữa. Thành phố St Petersburg, nơi đặt tổng hành dinh Quân khu miền Tây của Nga chỉ cách biên giới với Phần Lan có 400 km. Môi trường an ninh của toàn khu vực Baltic và thậm chí cả Bắc Cực sẽ biến đổi.
Sau tiếng súng đầu tiên khởi phát một cuộc xung đột quân sự, không ai có thể dự đoán được chính xác điều gì sẽ tiếp diễn sau đó. Chiến tranh ít khi diễn ra theo kế hoạch! Cuộc xung đột quân sự Ukraine nổ ra với một trong những mục tiêu là ngăn không cho Ukraine gia nhập NATO, cuối cùng lại là cú hích để mở ra khả năng (trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ rút lại sự phản đối) NATO kết nạp thêm ít nhất 2 thành viên mới!
Đấy có lẽ là một trong số những hệ lụy bất ngờ nhất mà cuộc xung đột quân sự ở Ukraine mang lại.
Ảnh hưởng toàn cầu
Những hệ lụy của cuộc xung đột ở Ukraine còn lớn hơn nhiều so với phạm vi của vùng Baltic.
Nổi lên sau sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, nước Nga đã dứt khoát không thừa nhận một thế giới đơn cực với sự bá chủ của phương Tây. Điều đó có nghĩa là Nga cương quyết chống lại sự mở rộng của NATO cũng như bất cứ sức ép nào của Mỹ và phương Tây áp đặt lên nước Nga.
Theo quan điểm của Moscow, Ukraine, kể từ sau phong trào Maidan 2014 đã quyết tâm gia nhập NATO và như vậy, trở thành một quốc gia có hệ tư tưởng chống Nga. Với vị trí địa lý nằm sát biên giới Nga, theo cách nhìn từ Kremlin, Ukraine cũng được phương Tây sử dụng như một quân cờ then chốt nhằm mục tiêu kiềm chế sức mạnh của Nga. Đấy là điều mà Moscow không chấp nhận.
Do vậy, Ukraine trở thành chiến trường thử thách quyết tâm của Nga và phương Tây.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, về một mặt nào đó, cũng đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sau nhiều năm tập trung vào địa bàn Trung Đông, Mỹ đã quay sang châu Á với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chủ yếu nhằm đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Thế nhưng, xung đột Ukraine bất ngờ nổ ra buộc Mỹ không thể phớt lờ một hiện thực là người châu Âu không thể tự giải quyết được các vấn đề an ninh của chính họ. Nên Mỹ sử dụng cuộc xung đột ở Ukraine như một lý do để hồi sinh NATO, đưa liên minh này thoát khỏi tình trạng "chết não", như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có lần nhận định.
Một khi tình trạng đối đầu giữa Nga với NATO được tái lập như trong thời Chiến tranh Lạnh thì khi ấy, NATO buộc phải trở lại vị thế của một liên minh phòng thủ giống như thiết kế ban đầu của nó chứ không phải là một thiết chế đi truyền bá dân chủ (bằng cách dội bom Serbia như đã từng xảy ra ở Nam Tư cũ) hay cùng Mỹ tham chiến chống kẻ thù khủng bố (như ở Afghanistan).
Và Mỹ sẽ còn tiếp tục bận rộn ở châu Âu trong một "cuộc chiến" tiêu hao với Nga thông qua các lệnh trừng phạt hay viện trợ vũ khí cho Ukraine trong một cuộc chiến ủy nhiệm. Mỹ khó có thể để tâm nhiều đến địa bàn châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc sẽ là bên được hưởng lợi.
Cuộc xung đột ở Ukraine, như thế, đã ảnh hưởng đến cục diện địa chính trị trên phạm vi toàn cầu.
https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/nhung-he-luy-bat-ngo-i655119/
Ngày đăng: 07:29 | 28/05/2022
Yên Ba / antgct.cand.com.vn