Vốn luôn là ngôi sao trong lớp những năm cấp 1, cấp 2, Trâm sốc khi vào lớp chuyên, cô bé luôn mờ nhạt ở tốp cuối.
Hai giờ sáng, Trâm, 15 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội, vẫn nhìn trân trân lên trần nhà, đếm thầm 15012, 15013... Suốt ba tháng nay, cô nữ sinh lớp 10 đêm nào cũng chỉ ngủ được 3-4 tiếng, mặt phờ phạc.
Trâm từng là niềm tự hào của bố mẹ vì cô bé ngoan ngoãn, luôn đứng đầu lớp từ khi đi học tới lúc hết cấp 2. Lên cấp 3, dù không muốn, cô bé vẫn cố gắng thi vào một trường chuyên có tiếng theo định hướng của phụ huynh.
Đủ điểm đỗ nhưng ở lớp mới, Trâm thấy mình hoàn toàn lạc lõng, kém cỏi. Cách học khác, bài vở nhiều hơn hẳn... Trâm không thích ứng được nên luôn tự ti, càng cố đuổi theo các bạn càng thấy đuối. Em lo lắng tới nỗi chán ăn, mất ngủ.
"Dù có lên giường sớm, em cũng không tài nào ngủ nổi. Mẹ thấy em kêu mất ngủ thì lại mắng là tại em mải chơi, nghịch điện thoại rồi tịch thu. Khi em nói với mẹ rằng muốn đi gặp nhà tâm lý thì mẹ bảo \'Con đang nghĩ cái quái gì vậy. Nhà đầy đủ điều kiện, thích gì có nấy, sướng quá nên sinh chuyện à?", Trâm kể.
Cuối cùng, bố mẹ cũng phải dẫn Trâm tới gặp nhà tư vấn vì cô bé gọi dạ bảo vâng ngày nào bỗng trở nên lỳ lợm, bố mẹ nói gì đều lờ đi, thậm chí nhốt mình trong phòng đòi nghỉ học.
Khi gặp chuyên gia, Trâm còn kể thêm rằng, em thường xuyên thủ dâm những lúc quá chán nản, mệt mỏi và dù biết việc đó không tốt nhưng chẳng biết phải làm thế nào để chấm dứt.
Ảnh minh họa: HelloGiggles. |
Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội), cho biết, chị đã gặp và tư vấn cho rất nhiều trẻ vốn là con ngoan, trò giỏi, bỗng bị trầm cảm, lo âu, thậm chí định tự tử vì áp lực học tập quá lớn.
Trong số này, ngoài trẻ nhỏ và vị thành niên, không ít em đang là sinh viên đại học, thậm chí sắp tốt nghiệp. Nhiều em tự nhận ra vấn đề của mình và tìm tới nhà tâm lý, trong khi bố mẹ vẫn đinh ninh rằng con mình giỏi giang, tự lập và đang trên đà phát triển tốt, tương lai sáng ngời.
Trường hợp của cậu sinh viên Minh Đức, 22 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội là một điển hình.
Có bố mẹ là giáo viên, suốt những năm đi học, Đức luôn cố gắng đạt thành tích cao để chứng tỏ mình giỏi thực sự chứ không phải vì được đồng nghiệp của phụ huynh nâng đỡ.
Đức luôn được bố mẹ lấy làm tấm gương sáng cho hai em học tập. Hết cấp 3, Đức thi đỗ hai trường đại học có tiếng và cùng lúc học luôn cả hai trường. Luôn trong tình trạng phải căng mình hoàn thành bài vở của hai bên, từ năm thứ hai, Đức luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
"Em không dám bỏ dở một trường vì sợ bố mẹ thất vọng. Bố mẹ đi đâu cũng khoe con đang học hai trường mà bên nào cũng giỏi. Nhưng tới lúc này thì em không thể chịu đựng nổi", chàng sinh viên năm thứ 4 thổ lộ.
Dịp gần đây, vì quá căng thẳng, Đức bị rối loạn ám ảnh, đầu óc luôn nghĩ tới những điều tiêu cực. Thậm chí, thấy một vụ tai nạn ngoài đường, em lại nghĩ rằng có lẽ do mình nên người ta gặp nạn.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cho biết, nhiều bạn trẻ được gắn danh hiệu con ngoan, trò giỏi lâu năm thường có tâm lý sợ làm bố mẹ thất vọng, luôn cố gắng học để chiều lòng người lớn, kể cả khi chọn nghề, dẫn tới những cú trượt dài về sau.
Ngọc Minh (Trương Định, Hà Nội) vốn luôn là học sinh giỏi nhất khối những năm học cấp 3. Minh chẳng cãi lời khi bố mẹ định hướng vào Đại học Bách khoa ngành em không hề thích. Sau một năm đầu cố học mà không vào, đến năm thứ hai, Minh chìm vào chơi game, rồi nợ môn. Lâu không thấy con về, bố mẹ Minh tìm tới nhà trọ thì bất ngờ thấy phòng bẩn thỉu đầy rác, con thì đờ đẫn ngồi trước màn hình game.
Minh được đưa đi điều trị tâm lý nhưng bố mẹ em vẫn giấu không cho ai biết. Khi tình trạng khá ổn định, được hỏi nguyện vọng là gì, Minh chỉ nói "Em không muốn học nữa".
Bà Lã Linh Nga cho biết, nhiều sinh viên năm cuối tìm đến trung tâm bày tỏ rằng các em thấy mình có vấn đề từ những năm thứ 2, thứ 3 nhưng không dám đối mặt. Có nhiều em đã dùng tới chất kích thích, gây nghiện... để lảng tránh thực tế chán học, sợ làm bố mẹ thất vọng.
Có em còn bày tỏ "Em là niềm tự hào của cả dòng họ. Bố mẹ đi đâu cũng hay khoe thành tích học tập của em. Nhưng mọi người lại coi những thành quả em có được là việc đương nhiên, không ai biết em mệt mỏi thế nào, cuộc sống thức đêm triền miên, không có bạn bè, không biết đi chơi là gì chán ra sao".
Theo nhà tâm lý, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ có thể tạo gánh nặng cho con, làm con luôn phải cố gồng mình để đáp ứng. Về lâu dài, điều đó khiến trẻ mệt mỏi, chán nản, bế tắc.
Những vấn đề này cần được phát hiện kịp thời và trẻ cần được nâng đỡ tinh thần. Nếu không, trẻ sẽ càng bế tắc và dẫn tới tình trạng trầm trọng hơn như trầm cảm, thậm chí ý muốn tự tử.
Thực chất, không phải bạn trẻ nào khi bị áp lực học tập lớn cũng có các vấn đề về tâm lý. Ngoài tác động bên ngoài, bản thân một số trẻ cũng có sẵn những vấn đề bên trong. Vì thế, bố mẹ cần hiểu tính cách, năng lực học tập thực sự của con mình. Hãy giảm nhẹ gánh nặng cho con, luôn lắng nghe và cho con quyền được bày tỏ ý kiến.
Lịch học dày đặc mà không có các hoạt động khác xen kẽ, giải tỏa cũng khiến trẻ khó tìm được sự cân bằng. Vì thế, bố mẹ cũng nên giúp trẻ có nhiều hoạt động giải trí, thể thao đa dạng, lành mạnh và quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của con thay vì chuyện điểm số.
Điểm mặt những kẻ bệnh hoạn rạch đùi nữ sinh gây xôn xao dư luận
Buồn bực chuyện gia đình, thất tình, trả thù đời… là lý do những kẻ bệnh hoạn đưa ra để giải thích cho hành động ... |
Sinh viên Hutech tử vong vì bê tông rơi: Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Lê Anh Vinh cho rằng nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường cho gia đình em Nguyễn Thanh Long, nam ... |
Diễn viên xiếc nhập viện hơn 200 lần, thà chết để con gái được đi học
Bị gia đình từ mặt vì theo nghề xiếc, vợ bỏ đi khi con gái vừa lên 3, suốt mấy năm qua, Minh Hải phải ... |
https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/nhung-dua-tre-hoa-tam-than-vi-ganh-nang-con-ngoan-tro-gioi-3657422.html
Ngày đăng: 22:29 | 19/10/2017
/ Vương Linh/Vnexpress.net