Điều đáng ngạc nhiên là cuốn sách nổi tiếng viết về thổ dân châu Mỹ "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" này lại được viết bởi một tác giả người Đức: Liselotte Welskopf-Henrich, sinh năm 1901 tại Munich.
Từ nhỏ, bà đã biết đến thổ dân da đỏ qua các tác phẩm của James F. Cooper, tác giả của tiểu thuyết kinh điển "Người Mochicans cuối cùng". Từ đó, hình ảnh những người da đỏ mạnh mẽ và quả cảm gắn cuộc đời mình với cây cỏ và muông thú, đấu tranh với thiên tai và nhân họa gây được ấn tượng mạnh mẽ trong bà để rồi phải đến năm 1951, "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" ra đời và gây tiếng vang trên toàn thế giới. Hãng phim DEFA của CHDC Đức từng sản xuất phim truyền hình "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" mà công chúng Việt Nam đã được xem, cũng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Liselotte Welskopf-Henrich.
Bìa cuốn sách “Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại”
Tác phẩm là thiên anh hùng ca về bộ tộc Dakota sống cuộc đời du mục giữa thiên nhiên nước Mỹ hoang dã, bị đe dọa bởi thứ "văn minh" chiếm hữu của người da trắng. Ở đó, ta không còn thấy một nước Mỹ hào nhoáng được bọc trong những tòa nhà chọc trời mà hiện ra một thế giới man khai của những con người từ hàng ngàn năm đã biết thuận lẽ trời mà sống. Họ gắn thêm vào tên mình mưa, gió hay hoa cỏ, cạnh một loài chim hay tên muông thú. Họ tự nhận tổ mẫu của mình là mẹ Gấu và tự xưng là những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại. Khi đi cùng nhau, họ nhận mình là "đàn gấu".
Chú bé da đỏ Harka đã lớn lên giữa "đàn gấu" như vậy, được tự do giữa núi rừng, cùng "đàn gấu" đi săn, tham gia những cuộc đua ngựa, đối mặt các mối đe dọa từ những kẻ địch truyền kiếp trên thảo nguyên lẫn kẻ thù mới là người da trắng. Cậu học được bài học về tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng sự khác biệt và tình yêu mảnh đất nơi mình lớn lên, biết quý trọng cộng đồng mình đang sống cùng.
Nhưng Liselotte Welskopf-Henrich không viết tiểu thuyết để rao giảng thông điệp hay giáo dục trẻ nhỏ. Bà viết bằng tình yêu đối với những con người đến từ vùng đất xa lạ. Phải từ khoảng năm 1963 đến 1974, bà mới đến Mỹ và Canada để nghiên cứu về người da đỏ Dakota - những người còn sót lại của một dân tộc bị truy bức. Với những cống hiến của mình, bà được trao danh hiệu "Lakota - Tashina", nghĩa là "Người bảo vệ của Lakota". Chính "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" đã bảo vệ ký ức về những dân tộc du mục, nó không chỉ được viết cho trẻ con mà dành cho cả người lớn, cho những người nhân danh tiến bộ để xâm hại thiên nhiên và gieo rắc những cuộc chinh phạt vô nghĩa.
Ông Đoàn Văn Vươn muốn cuộc đời 'trớ trêu' của mình được đưa vào văn học Kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn, người nổi tiếng với vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng, chia sẻ cuộc ... |
Món quà Giáng sinh từ cha đẻ ‘Phù thủy xứ Oz’ Bằng cách kể lại nguồn gốc về Santa Claus, cuốn sách "Cuộc đời và những chuyến phiêu lưu của Ông già Noel" của L.Frank Baum ... |
Ngày đăng: 15:49 | 07/06/2019
/ https://nld.com.vn