Trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN thời kỳ 2021-2030, nhiều dự án được triển khai với tổng mức đầu tư 310.059 tỷ đồng.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, mục tiêu của việc quy hoạch hệ thống cảng biển là phát triển hệ thống cảng biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng, tạo cơ sở vật chất, đưa nước ta hội nhập kinh tế quốc tế, đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự án đầu tư xây dựng các cảng biển tại Hải Phòng cần được chú trọng tập trung đến năm 2030
Trong Báo cáo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ ra, mục tiêu cụ thể của việc quy hoạch hệ thống cảng biển là tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa.
Trong đó, mục tiêu về khối lượng vận chuyển hàng hóa là 907 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 20,6% (hàng qua cảng 1.140 - 1.423 triệu tấn); sản lượng hành khách là 10 triệu khách, chiếm thị phần 0,1%.
Đối với khối lượng luân chuyển hàng hóa nội địa đạt 215,2 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 40,3%; hành khách đạt 272 triệu khách.km, chiếm thị phần 0,07%.
Đồng thời, đặt mục tiêu hình thành một số cảng biển, cụm cảng biển hiện đại, có quy mô lớn, là mắt xích trong mạng lưới vận tải hàng hải quốc tế. Xây dựng hệ thống cảng biển đồng bộ với hạ tầng logistics, cảng cạn và các tuyến giao thông kết nối.
Để làm được điều này, theo Cục Hàng hải VN, trước mắt trong quy hoạch và danh mục các dự án đầu tư tới năm 2030, phải tập trung ưu iên một số dự án trọng tâm. Trong đó, có dự án xây dựng các bến tiếp theo thuộc cảng biển đặc biệt Hải Phòng (Lạch Huyện), Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cục Hàng hải VN cho biết sẽ từng bước nghiên cứu đưa vào triển khai xây dựng những cảng nước sâu như cảng Trần Đề
Ngoài ra, giai đoạn khởi động cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), cũng như dự án di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng trên sông Cấm và khu bến trên sông Sài Gòn cũng cần được tập trung thực hiện.
Từng bước nghiên cứu đưa vào triển khai xây dựng những cảng nước sâu có tiềm năng như cảng Nam Hòn Dấu (Hải Phòng), cảng Trần Đề (Sóc Trăng), cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và một số các cảng khác có tiềm năng.
Cục Hàng hải VN cũng cho rằng, cần tập trung các bến cảng chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, các khu liên hợp công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện sử dụng than, khí thiên nhiên hóa lỏng và các bến cảng khách quốc tế gắn với các trung tâm du dịch quốc gia.
Cùng đó “tập trung nâng cấp, mở rộng một số luồng hàng hải chính để đảm bảo tiếp nhận cỡ tàu đồng bộ với hạ tầng bến cảng”, lãnh đạo Cục Hàng hải VN nhấn mạnh.
https://www.baogiaothong.vn/den-2030-du-an-cang-bien-nao-can-tap-trung-phat-trien-d559706.html
Ngày đăng: 14:24 | 18/07/2022
Hồ An / Báo giao thông vận tải