Mỹ có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng hay không kích phá hủy cơ sở hạt nhân Iran, nhưng phương án nào cũng tồn tại khó khăn.
Tổng thống Trump tại Washington ngày 13/6. Ảnh: AFP.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/6 hủy không kích Iran vào phút chót cho thấy ông không có nhiều lựa chọn để đối phó nước này, khi Tehran đang cố tạo ra thách thức lớn đối với Mỹ bằng cách phát triển kho nhiên liệu hạt nhân.
Các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng những căng thẳng xoay quanh các cuộc tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman và vụ bắn rơi máy bay không người lái (UAV) Mỹ trong hai tuần qua đã khiến nhiều người không chú ý đến cuộc đối đầu lớn hơn, phức tạp hơn xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran.
Trong các cuộc họp tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng những ngày gần đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng mối đe dọa chính từ Iran là việc nước này đang tiến gần hơn đến khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Trump nhấn mạnh trên Twitter hôm 23/6 rằng "Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân".
Trump đã thực hiện một số bước đi để đối phó với Iran về vấn đề hạt nhân. Ông điều các đặc phái viên đến Trung Đông nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã sử dụng để bóp nghẹt nền kinh tế Iran, chủ yếu bằng cách hạn chế nước này bán dầu cho thế giới. Trump cũng thông báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Tehran vào đầu tuần này.
Giới chức Mỹ bắt đầu thử nghiệm các phương án quyết liệt hơn, trong đó có phương thức tấn công mạng. Hôm 20/6, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đã tấn công mạng nhằm vào nhóm tình báo Iran được cho là đã giúp lên kế hoạch các vụ phá hoại tàu chở dầu. Mỹ còn thực hiện một cuộc tấn công khác nhằm vào các hệ thống máy tính điều khiển quy trình phóng tên lửa của Iran nhưng không rõ liệu nó có hiệu quả hay không. Iran đã không phóng tên lửa trong những tuần gần đây.
Mỹ có thể tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công mạng hoặc có các lựa chọn quân sự nếu Iran không khuất phục trước áp lực kinh tế và thực hiện điều họ cảnh báo vào tuần trước: sở hữu hơn 300 kg uranium làm giàu nồng độ thấp, phá vỡ giới hạn được thống nhất trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Họ cũng để mở khả năng tiếp tục làm giàu uraninum đến gần cấp độ có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân.
Mặc dù kinh tế Iran đang suy yếu, họ đã phát triển các kỹ năng mới. Họ có thể tấn công các tàu với độ chính xác cao hơn và bắn rơi máy bay không người lái. Họ có lực lượng an ninh mạng lớn, trong 7 năm qua đã làm tê liệt nhiều ngân hàng Mỹ, xâm nhập một con đập ở vùng ngoại ô New York và tấn công một sòng bạc tại Las Vegas.
Những khả năng này đã làm thay đổi các tính toán rủi ro, khiến cho thách thức mà Trump gặp phải khi đối phó Iran khó khăn hơn những vấn đề mà cựu tổng thống George W. Bush hay Obama từng đối mặt.
Con đường ít rủi ro nhất đối với Mỹ là trông chờ vào các lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Iran đã giảm sút và lạm phát đang ở mức 50%. Trump và Pompeo cho rằng Iran cuối cùng sẽ không thể chịu đựng được sức ép và phải nhượng bộ Mỹ, chấp nhận một hiệp ước hạt nhân khắt khe hơn so với thỏa thuận mà họ đã đàm phán với Tổng thống Barack Obama.
Nhưng bản thân các biện pháp trừng phạt không phải là một giải pháp, chúng là phương tiện để khiến một quốc gia thay đổi hành vi. Đôi khi các quốc gia chống lại được áp lực đó: Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với Cuba suốt nhiều thập kỷ nhưng chúng không có hiệu quả như mong muốn. Trong trường hợp của Iran, Tehran trước đây nghĩ rằng họ có thể kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi Trump hết nhiệm kỳ. Nhưng, giờ đây, Iran cho rằng họ phải "lên gân" với Mỹ thì Washington mới chịu giảm áp lực.
Nếu Trump không thể đạt được tiến bộ bằng các lệnh trừng phạt, Arab Saudi và Israel có thể thúc giục ông xử lý vấn đề bằng cách loại bỏ các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Iran trong nhiều năm qua đã xây dựng các hầm ngầm, đường hầm và khu nhà để giảm nguy cơ cơ sở hạt nhân bị thiệt hại nặng nề vì các cuộc không kích.
Tại Natanz, cơ sở làm giàu uranium chính, pháo phòng không được bố trí tại sa mạc xung quanh. Năm 2007, hình ảnh vệ tinh cho thấy Iran xây dựng một mạng lưới đường hầm gần đó, cho thấy đây có thể biện pháp đề phòng không kích. Iran cũng tìm cách củng cố hệ thống phòng thủ tại tổ hợp hạt nhân ở Isfahan, nơi quặng uranium được biến thành một loại khí có thể được dùng để sản xuất uranium làm giàu.
Nếu bị tấn công, Iran còn có khả năng đáp trả bằng cách sử dụng dân quân và lực lượng ủy nhiệm nhắm mục tiêu vào quân Mỹ đóng ở Iraq, Afghanistan và các nơi khác ở Trung Đông.
Cơ sở làm giàu uranium của Iran ở Natanz năm 2004. Ảnh: Xinhua.
Một thập kỷ trước, Mỹ và Israel từng mở chiến dịch bí mật được gọi là Olympic Games nhắm vào các máy ly tâm của Iran. Họ sử dụng mã máy tính để tăng tốc và làm chậm máy ly tâm hạt nhân của Iran cho đến khi chúng bị mất kiểm soát. Iran đã dành hơn một năm để cố gắng xác định lý do máy ly tâm của họ phát nổ và phát tán phóng xạ. Họ biết câu trả lời sau khi đoạn mã phá hoại vô tình được công bố.
Việc thực hiện các cuộc phá hoại giờ đây khó khăn hơn nhiều vì người Iran sẽ cảnh giác hơn. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cũng xem xét các khả năng tấn công mạng khác như Nitro Zeus - kế hoạch làm sập lưới điện và hệ thống thông tin liên lạc của Iran trong trường hợp chiến tranh nổ ra, nhưng họ kết luận rằng biện pháp này có thể gây tác động lớn với dân thường Iran.
Một lựa chọn khác của Trump là đảo ngược căng thẳng như ông đã làm với Triều Tiên, chuyển từ các lời đe dọa sang dang rộng vòng tay ngoại giao. Ông thường xuyên bày tỏ mong muốn mở một kênh thảo luận song phương, nhiều quốc gia và chính trị gia đã tình nguyện đóng vai trò trung gian như Thủ tướng Nhật Abe Shinzo.
Nhưng Iran không giống như Triều Tiên. Quyền lực ở nước họ không tập trung vào một lãnh đạo như Kim Jong-un, quân đội và các giáo sĩ đều có tiếng nói. Để đưa ra thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đàm phán trong nhiều năm trong khi Tổng thống Obama chưa bao giờ gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hai tuần trước bác bỏ khả năng đối thoại với Trump.
Iran nhấn mạnh với Trump rằng ông phải tham gia lại thỏa thuận cũ trước khi đàm phán thỏa thuận mới. Tổng thống Mỹ khước từ đề nghị này còn Pompeo tuyên bố để hai bên đi đến một thỏa thuận, Iran phải thực hiện 12 thay đổi lớn, trong đó có ngừng hỗ trợ khủng bố và từ bỏ hạt nhân."Tôi có thể tưởng tượng ra những cuộc đàm phán", cựu quan chức ngoại giao Mỹ Philip H. Gordon nói. "Nhưng điều khó tưởng tượng là hai bên đạt được thỏa thuận gần với những gì chính quyền Trump coi là điều kiện tối thiểu".
Mỹ muốn lập liên minh toàn cầu chống Iran
Pompeo cho biết Mỹ sẽ thảo luận với các đồng minh trên khắp thế giới để thống nhất chiến lược đối phó Iran. |
Cuộc chiến Mỹ - Iran nếu xảy ra sẽ là thảm họa, ảnh hưởng cả thế giới
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran đang ở mức nghiêm trọng nhất từ trước đến nay và xuất phát từ hàng loạt chính ... |
Mỹ gọi bằng chứng của Iran về vụ bắn hạ UAV là "trò trẻ con"
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng bản đồ do Iran công bố cho thấy UAV Mỹ đã xâm phạm không phận nước này được làm một ... |
Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Saudi, phiến quân thân Iran tấn công sân bay
Lực lượng Yemen thân Iran đã tấn công một sân bay ở Saudi Arabia khiến 1 người thiệt mạng và 7 người bị thương, trong ... |
Ngày đăng: 14:22 | 24/06/2019
/